Chuyển biến trong công tác dân vận của chính quyền cơ sở
LSO-Trong bài báo “Dân vận” Bác Hồ viết năm 1949, khi đề cập đến vấn đề ai phụ trách dân vận? Bác đã đưa cán bộ chính quyền lên trước nhất: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân... đều phải phụ trách dân vận”.
Cán bộ xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình đến nhà dân để tuyên truyền đảm bảo an ninh trật tự |
Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đó, những năm qua, công tác dân vận của chính quyền cơ sở (CQCS) có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, động viên nhân dân thi đua phát triển kinh tế xã hội, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, CQCS đã chú trọng công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh vận động nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang nghề phụ, dịch vụ, giải quyết việc làm cho lao động; hỗ trợ hộ nghèo; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới. Trong thi hành công vụ, tiếp xúc, giải quyết công việc với dân, đa phần cán bộ chính quyền tận tình hướng dẫn, giúp đỡ dân với thái độ “Gương mẫu, trọng dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Cụ thể UBND các xã thường xuyên phối hợp với MTTQ và các đoàn thể kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân để đề ra những chính sách phù hợp với thực tế. Điển hình như xã Hữu Khánh (Lộc Bình) gắn công tác dân vận với nhiệm vụ chính trị của địa phương, tập trung củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền, quan tâm chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân.
Ông Hà Văn Mộc, Chủ tịch UBND xã Hữu Khánh cho biết: xã công khai lịch tiếp dân, bố trí thời gian giải quyết kịp thời kiến nghị, thắc mắc của công dân; công khai các khoản phí, lệ phí, quy định tiếp nhận, quy trình giải quyết thủ tục, hồ sơ theo cơ chế “một cửa”; chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay từ khi vụ việc mới xuất hiện, do vậy tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững. Nhằm đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng, xã Đồng Tân (Hữu Lũng) thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ”.
Trước khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân, UBND xã đều lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, hăng hái thi đua lao động sản xuất, thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển trang trại, mô hình kinh tế; diện tích vụ đông xuân được mở rộng với các cây như bí xanh, ớt xuất khẩu… từ đó nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.
Một kết quả nổi bật trong công tác dân vận của CQCS là vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Công tác vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút đông đảo bà con đồng tình hưởng ứng. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất, góp tiền, ngày công để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây công trình phúc lợi. Điển hình như xã Chi Lăng (Chi Lăng), từ năm 2011 đến nay, nhân dân đã đóng góp được hơn 26,5 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; hiến hơn 600m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; mở rộng, cải tạo 14/14 nhà văn hóa thôn. Công tác dân vận của CQCS góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác dân vận của CQCS, việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương còn hình thức, chưa huy động được sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân vào việc phát triển kinh tế, xã hội. Một số cán bộ chính quyền xem công tác dân vận là của cơ quan dân vận, MTTQ, các đoàn thể nên ít quan tâm. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn lúng túng khi giải thích, trả lời cho nhân dân, nhất là những vụ việc phức tạp. Cán bộ làm công tác tiếp dân thường xuyên thay đổi, năng lực còn hạn chế.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận, CQCS cần thực hiện tốt Chương trình hành động số 86 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đẩy mạnh phát huy vai trò ban chỉ đạo xã về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ với MTTQ, các đoàn thể xây dựng các thiết chế thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, mở rộng các hình thức lấy ý kiến nhân dân, nhất là trong xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội…
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()