Chuyển biến tích cực từ môi trường kinh doanh
Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam đang có xu hướng cải thiện rõ rệt với điểm trung vị tiếp tục tăng năm thứ 6 liên tiếp, đạt 65,22 điểm.
May áo xuất khẩu ở Công ty cổ phần Tổng công ty may Bắc Giang. (Ảnh TRẦN HẢI) |
Theo đó, nhiều chỉ số đánh giá PCI, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở các địa phương đều có chuyển biến tích cực và ngày càng thăng hạng; chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm từ năm 2016 đến nay trong hầu hết các lĩnh vực, đồng thời, gánh nặng thanh tra, kiểm tra cũng giảm đáng kể…
Tuy nhiên, bảng xếp hạng PCI 2022 cho thấy vẫn còn rất nhiều bất cập tồn tại chưa thể khắc phục triệt để. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn chính quyền các địa phương tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm “trợ lực” và tạo bứt phá cho sự phát triển của doanh nghiệp thời gian tới.
Nhiều chỉ số thăng hạng
Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, theo cảm nhận của anh Ðỗ Ðức Thắng, Giám đốc Nhà máy gạch men cao cấp Vicenza: “Từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền địa phương, nhất là lãnh đạo cấp cao nhất của tỉnh, luôn tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về thiếu hụt lao động, nguồn cung nguyên liệu; hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại chỗ để giải quyết đầu ra với nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả thông qua việc đổi mới hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Ngay trong thời điểm cam go nhất về thiếu hụt nguyên liệu, đơn hàng, tỉnh cũng duy trì đối thoại thường xuyên nhằm nắm bắt vấn đề, kịp thời gỡ vướng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; giúp củng cố lòng tin, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các thủ tục về cấp chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai,…”.
Nhiều địa phương trên cả nước đã có sự bứt phá trong xếp hạng thứ bậc như: Bắc Giang tăng tới 29 bậc (đạt 72,8/100 điểm, xếp thứ 2), Bà Rịa-Vũng Tàu lần đầu góp mặt trong tốp 5 (đạt 70,26/100 điểm, xếp thứ 4) hay như Hưng Yên tăng 25 bậc (xếp thứ 14/63 địa phương).
Tuy nhiên, theo anh Thắng, vẫn còn đó những bất cập về thủ tục giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, xây dựng và đặc biệt trong các quy định về phòng cháy, chữa cháy đến nay chưa được giải quyết. Do đó, doanh nghiệp rất cần các hướng dẫn kịp thời, có lộ trình triển khai cụ thể và áp dụng một cách khoa học, hợp lý, tránh để các quy định trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp vốn đã và đang ở thời kỳ đặc biệt khó khăn.
Báo cáo PCI 2022 cho thấy, nhiều địa phương trên cả nước đã có sự bứt phá trong xếp hạng thứ bậc như: Bắc Giang tăng tới 29 bậc (đạt 72,8/100 điểm, xếp thứ 2), Bà Rịa-Vũng Tàu lần đầu góp mặt trong tốp 5 (đạt 70,26/100 điểm, xếp thứ 4) hay như Hưng Yên tăng 25 bậc (xếp thứ 14/63 địa phương).
Có được kết quả này nhờ sự chuyển biến tích cực trong công tác điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí không chính thức, cải thiện tính minh bạch,… với hiệu quả và hiệu lực thực thi gia tăng mạnh mẽ.
Ðiểm đáng mừng là nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng của Ðảng và Nhà nước đang phát huy tác dụng trong việc giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; các khoản phí “bôi trơn” ở hầu hết các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp giảm đáng kể từ 68% (năm 2016) xuống còn hơn 42% (năm 2022).
Quy mô các khoản chi phí này cũng giảm từ 9,1% (năm 2016) xuống còn 3,8% (năm 2022). Ngoài ra, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra cũng giảm từ 13,5% (năm 2017) xuống còn 6,6% (năm 2022). Thậm chí, có tới 93% ý kiến đánh giá “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” và 91% ý kiến đồng ý “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định”.
Bảng xếp hạng năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố mới đây cho thấy trình độ phát triển thị trường Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021, cụ thể chỉ số “Tự do kinh tế” tăng 6 bậc từ 90 lên 84; “Phát triển du lịch và lữ hành” cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên 52).
Báo cáo Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) quý I/2023 vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây cũng cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vào triển vọng kinh tế của Việt Nam ngày càng tăng.
Theo đó, BCI quý I/2023 đạt 48 điểm, không đổi so với cuối năm 2022, nhưng số doanh nghiệp châu Âu lạc quan về nền kinh tế Việt Nam đã tăng 8 điểm, số doanh nghiệp dự đoán nền kinh tế suy thoái giảm 6%. Trong khi đó, số doanh nghiệp dự đoán sẽ có cải thiện đối với doanh thu và đơn hàng tăng 7%. Ðồng thời, 36% số người tham gia khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí đầu tiên trong nhóm 3 hoặc trong nhóm 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ trên phạm vi toàn cầu.
Nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam, với 1/3 số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng đáng kể hoặc vừa phải. Phản hồi tích cực này là minh chứng cho cam kết bền vững của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện.
Còn nhiều dư địa trong cải cách
Phó Tổng Thư ký VCCI Ðậu Anh Tuấn cho rằng, qua kết quả điều tra PCI 2022 có thể thấy nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các địa phương trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ðiều này đã giúp môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện, vị trí nền kinh tế Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên. Tuy nhiên, với những biến động khó đoán trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, nhu cầu thị trường sụt giảm nghiêm trọng, dư địa cho cải cách vẫn còn nhiều. Các doanh nghiệp vẫn rất cần trợ lực từ những gói hỗ trợ, những biện pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp.
Như từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với khoảng 42,9% doanh nghiệp đang gặp vướng mắc và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.
Theo đó, chất lượng thực thi chính sách ở các địa phương cần được quan tâm cải thiện hơn. PCI năm 2021, chỉ có khoảng 31,9% doanh nghiệp đánh giá “các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”. Năm 2022, chỉ số này tăng lên mức 45,2%. Tương tự, 50,4% doanh nghiệp cho rằng “chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố”, cao hơn đáng kể so với kết quả 36% trong PCI năm 2021.
Bên cạnh đó, như từng được chỉ ra trong các báo cáo PCI trước đây, tiếp cận đất đai vẫn đang là điểm nghẽn lớn với khoảng 42,9% doanh nghiệp đang gặp vướng mắc và là nguyên nhân khiến nhiều kế hoạch kinh doanh bị hủy bỏ hoặc trì hoãn.
Nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, thách thức lớn nhất trong triển khai thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh chính là thay đổi tư duy, cách tiếp cận của đội ngũ cán bộ, công chức. Và để tạo ra được điều này, vấn đề cốt lõi chính là tư duy, quyết tâm, tinh thần năng động, cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo chính quyền địa phương.
Chia sẻ từ thành quả 6 năm liên tiếp dẫn đầu PCI, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, chỉ số PCI là những “con số biết nói”, cho thấy sự nỗ lực của Quảng Ninh trong hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số, sự thay đổi từ nhân tố con người. Quảng Ninh xác định cải cách chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, tỉnh đã thiết lập, vận hành cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả để kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây phiền hà cho người dân.
Lãnh đạo Quảng Ninh luôn chủ động nhận diện kịp thời những mâu thuẫn trong thực tiễn quản lý, cũng như những khó khăn, thách thức của người dân và doanh nghiệp gặp phải để tìm cách tháo gỡ, giải quyết với tư duy “chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”. Ðồng thời, mạnh dạn thí điểm áp dụng những mô hình quản trị mới, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, lấy hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu; góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương.
Có thể thấy, dư địa cho cải cách vẫn còn lớn và cần nhiều nỗ lực hơn từ các bộ, ngành và địa phương. Tuy đã ban hành nhiều biện pháp hiệu quả, nhưng dường như vẫn còn một hành trình dài để các chính sách này tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp khi đang còn một khoảng cách tương đối xa từ chính sách đến thực thi.
Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, định hướng các địa phương đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; có biện pháp xử lý những địa phương để nảy sinh bất cập, vướng mắc trong thực thi các văn bản cấp luật, nghị định.
Ðồng thời, cần tiếp tục minh bạch hơn về quy trình xây dựng thông tư, có sự tham vấn ý kiến và quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thống nhất các tiêu chí điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách một cách thực chất mới mang lại môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, giúp tạo ra sự định hướng phát triển, vượt qua khó khăn trong tương lai ■
Nguồn: https://nhandan.vn/chuyen-bien-tich-cuc-tu-moi-truong-kinh-doanh-post748645.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()