Chuyển biến tích cực từ Đề án 818
– Được sự hưởng ứng của người dân, sau 5 năm triển khai Đề án “Xã hội hóa (XHH) cung ứng phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 -2020” theo Quyết định số 818/QĐ-BYT ngày 12/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế (gọi tắt là Đề án 818), việc thực hiện chính sách Dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn huyện Văn Quan đã có những chuyển biến rõ nét.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Lương Năng (bên trái) giới thiệu các sản phẩm từ Đề án 818 cho người dân
Ông Hoàng Văn Tạ, Trưởng Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện cho biết: Cuối năm 2016, Đề án 818 được chúng tôi triển khai đến 24/24 xã, thị trấn (nay là 17 xã, thị trấn) trên địa bàn huyện. Để người dân được tiếp cận các sản phẩm của đề án, hằng năm, Phòng Dân số đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án và ra các văn bản hướng dẫn thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh; chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, truyền thông có hiệu quả đến các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ về các sản phẩm của Đề án 818, từ đó, tạo đồng thuận trong Nhân dân khi sử dụng PTTT và dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Cụ thể, Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc sử dụng các sản phẩm trong Đề án 818, từ đó, giúp nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng PTTT, các dịch vụ KHHGĐ/SKSS. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã phối hợp tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh được trên 600 lần đến hơn 80.000 lượt người nghe; truyền thông lồng ghép qua các hội nghị, giao ban và các sự kiện trong năm như: Ngày Dân số thế giới (11/7), truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassamia (8/5)… được trên 100 cuộc cho trên 3.500 lượt người nghe; phát trên 5.000 tờ rơi, sách mỏng, tranh lật, sổ tay về chính sách DS-KHHGĐ. Đồng thời, tuyên truyền, tiếp thị các sản phẩm trong Đề án 818 thông qua thảo luận nhóm, tư vấn hộ gia đình, các câu lạc bộ sức khoẻ tiền hôn nhân, câu lạc bộ không sinh con thứ 3 được gần 1.000 cuộc cho trên 40.000 lượt người nghe. Bên cạnh đó là tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội Facebook; Zalo; TikTok…
Thông qua tuyên truyền, tiếp thị, từ năm 2016 đến nay, các kênh phân phối sản phẩm của đề án đã cung cấp trên 12.000 vỉ thuốc tránh thai Anna; gần 39.000 bao cao su các loại; trên 2.300 hộp dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis… đến người dân có nhu cầu sử dụng. Các sản phẩm đã nhận được sự tin dùng của người dân trên địa bàn, nổi bật là một số người nghèo, cận nghèo được cấp phát PTTT miễn phí nhưng đã tự nguyện đổi sang sử dụng các PTTT XHH.
Chị Hoàng Thị Kim, người dân thôn Khòn Duông – Phiêng Phúc, xã Liên Hội cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo được miễn phí sử dụng các PTTT nhưng tôi rất tin tưởng các sản phẩm của Đề án 818 vì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá thành phải chăng nên tôi đã chi trả thêm để mua các sản phẩm khác như: viên uống tránh thai Anna, dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis… về sử dụng.
“Mặc dù huyện Văn Quan có 10 xã là xã vùng III, đối tượng được cung cấp miễn phí các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn nhiều nhưng tỷ lệ phân phối các sản phẩm của đề án qua kênh XHH trên địa bàn luôn được duy trì đều đặn. Tỷ lệ người dân được cung cấp các thông tin, kiến thức, tài liệu về XHH các PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS cao. Qua đó, đã góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về giảm sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh… trên địa bàn”. Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ |
Các sản phẩm từ Đề án 818 đã góp phần mang lại những chuyển biến tích cực trong thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện Văn Quan. Từ khi đề án được triển khai, toàn huyện đã có 90% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin, kiến thức, tài liệu về XHH các PTTT, dịch vụ KHHGĐ/SKSS; 20% các cặp vợ chồng chủ động mua, sử dụng PTTT thường xuyên; đóng góp trên 300 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 7,2% (năm 2016) xuống 5,6% (2020); giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh từ 117 bé trai/100 bé gái (năm 2016) xuống còn 110 bé trai/100 bé gái (năm 2020); đồng thời, giúp tầm soát mức sinh phù hợp, tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn huyện luôn dưới 10%…
Đề án 818 được triển khai đã giúp người dân được tiếp cận và lựa chọn những biện pháp tránh thai, các dịch vụ KHHGĐ/SKSS phù hợp với nhu cầu và khả năng kinh tế. Từ đó, tạo được sự ổn định, đảm bảo tính bền vững của chương trình DS-KHHGĐ, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu y tế – dân số trên địa bàn huyện nói riêng, của toàn tỉnh nói chung.
Ý kiến ()