Chuyển biến tích cực trong thực thi gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản
Việc các địa phương kiên quyết ngăn chặn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những nội dung tiên quyết để phía EC có thể xem xét gỡ “thẻ vàng.”
Ngày 4/12, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) và tổng kết, đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU).
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản, cảng cá của 28 tỉnh, thành phố ven biển tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thủy sản cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện gỡ “thẻ vàng” thủy sản, về cơ bản các địa phương đã có chuyển biến rất rõ trong thực hiện các khuyến nghị của EC.
Hiện nay, 4 nhóm vấn đề khuyến nghị gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật do Đoàn công tác của EC đưa ra vào tháng 11/2019 đang được thực hiện để tiếp tục khắc phục việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam.
Theo ông Hùng, việc các địa phương kiên quyết ngăn chặn, tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những nội dung tiên quyết để phía EC có thể xem xét gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Sau 3 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác của Việt Nam, lượng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU giảm rõ rệt; năm 2018 (giảm 6%), 2019 (giảm 15%) và 9 tháng năm 2020 giảm 13%. Dự báo cả năm 2020 giá trị xuất khẩu hải sản sang EU có thể đạt 340 triệu USD, giảm 10% so với năm 2019, doanh số giảm 28% so với năm 2017.
Để thực hiện các khuyến cáo của EC, phía Việt Nam đã triển khai hợp tác quốc tế về phòng chống khai thác IUU với Tổng cục Thủy sản Thái Lan, Philippines, Brunei, Trung Quốc, Campuchia…; phối hợp, trao đổi các thông tin về tàu cá vi phạm vùng biển của nhau, ký các biên bản ghi nhớ, thiết lập cơ chế hợp tác phòng chống khai thác IUU qua đường dây nóng.
Đến tháng 11/2020, số lượng tàu cá từ 15m trở lên trên cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 82,92%. Số tàu cá từ 24m vi phạm vượt ranh giới cho phép trên biển là 274 lượt tàu; có 1.348 tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày, giảm hơn so với các năm. Việt Nam cũng đã duy trì việc cấm đăng ký mới tàu cá, thu hồi văn bản chấp thuận đóng mới đối với những tàu vẫn chưa đóng.
Đối với việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát hàng hóa qua cảng, đến nay đã có 27/28 tỉnh ven biển đã thành lập văn phòng/tổ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng chỉ định do cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tỉnh phối hợp với lực lượng biên phòng thực hiện.
Tại hội nghị các đại biểu đã chỉ ra những vấn đề thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, việc thiếu nguồn nhân lực đang là khó khăn chung của các địa phương trong thực thi, dẫn đến việc thực hiện quản lý, giám sát, kiểm soát tàu cá bị hạn chế. Tình trạng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát tàu thủy (VMS) nhưng không bật thiết bị kết nối với trạm bờ theo quy định vẫn còn xảy ra khá phổ biến.
Từ đầu năm đến nay, vẫn còn tình trạng tàu cá không có hoặc hết hạn Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định nhưng chưa thực hiện cấp mới hoặc gia hạn; việc triển khai quy định về cấp phép khai thác cho tàu cá tại các tỉnh mới đạt 40-60%….
Việc áp dụng quy định xử phạt hành chính mới trong lĩnh vực thủy sản đối với các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài giữa các địa phương chưa thống nhất, chưa tạo tính răn đe cho các chủ tàu vi phạm.
Đây là một trong những tồn tại chính mà phía EC chưa thể gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc thậm chí bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ” trong đợt thanh tra lần tiếp theo, nếu tình hình chưa có sự cải thiện.
Một số những giải pháp trọng tâm được hội nghị thảo luận và đề ra trong thời gian tới để ngăn chặn khai thác IUU là tiếp tục tăng cường tuyên truyền đúng đối tượng, đúng phương pháp để bà con ngư dân hiểu khuyến nghị của EC; ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, hội nghị cho rằng cần huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tập trung vào chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, đồng bộ các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” cho ngành thủy sản Việt Nam./.
Ý kiến ()