Chuyển biến tích cực trong công tác giải phóng mặt bằng
LSO-Sau hơn 3 năm thực hiện Kết luận 04-KL/TU ngày 11/9/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 8/4/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;
LSO-Sau hơn 3 năm thực hiện Kết luận 04-KL/TU ngày 11/9/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 8/4/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đã có nhiều giải pháp, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với lĩnh vực giải phóng mặt bằng. Qua đó, nhiều dự án được thực hiện đúng tiến độ đã góp phần tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thi công đường Pác Luống- Tân Thanh |
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng trong việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế trên các lĩnh vực, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định đây là một trong 3 khâu đột phá của chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Vào giữa quý III năm 2011, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời quán triệt sâu rộng tinh thần Kết luận số 04 của Tỉnh ủy tới các cấp, các ngành, nhằm huy động, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị vào công tác giải phóng mặt bằng.
Theo đó, trong giai đoạn từ 2010 đến hết 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành lập các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập các đồ án quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng tại các đô thị, cửa khẩu trọng điểm trên địa bàn tỉnh tạo căn cứ pháp lý để thu hút, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và tiểu dự án đền bù giải phóng mặt bằng. Giai đoạn này, tỉnh đã phê duyệt, công bố 18 đồ án quy hoạch, riêng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn quy hoạch chung phủ kín 100% và tỷ lệ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 trong khu kinh tế đạt 10% diện tích cần lập quy hoạch chi tiết. Công tác quy hoạch được tăng cường và được công bố công khai minh đã thu hút đông đảo người dân quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng. Từ cuối 2009 đến hết 2012, Sở Tài nguyên -Môi trường và Phòng Tài nguyên -Môi trường các huyện, thành phố đã thực hiện thẩm định, trình UBND tỉnh và UBND cấp huyện phê duyệt được trên 300 phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với tổng diện tích thu hồi trên 1.100 ha, tổng kinh phí bồi thường trên 1.500 tỷ đồng. Kết quả thống kê đối với 12 dự án trọng điểm có diện tích thu hồi đất lớn từ năm 2006 đến nay cho thấy, số hộ bị thu hồi đất ủng hộ chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay từ đầu chiếm tỷ lệ cao đạt trên 80%. Tỷ lệ ủng hộ sau khi được giải thích, tuyên truyền bình quân đạt khoảng 50% số hộ có đơn thư kiến nghị, mặc dù vậy vẫn còn một số dự án có tỷ lệ ủng hộ rất thấp như dự án khu đô thị Phú Lộc 4 chỉ đạt 5,71%.
Ông Lương Văn Đông, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng huyện Cao Lộc cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị 34 cũng như Kết luận số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Cao Lộc đã xây dựng nghị quyết chuyên đề để tăng cường sự thống nhất, lãnh đạo chỉ đạo về công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ đó, cấp ủy các cấp đã tích cực vào cuộc cùng với chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn cùng chung tay thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, nhiều dự án trên địa bàn đã được triển khai theo đúng kế hoạch tiến độ. Tuy nhiên vẫn còn một số dự án chậm tiến độ và kéo dài có một phần do trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại cơ sở còn yếu về nghiệp vụ, hạn chế trong khâu tuyên truyền giải thích và một số hộ dân cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật về thu hồi đất đai thực hiện dự án. Ông Đông cho biết thêm, trên địa bàn huyện Cao Lộc bình quân mỗi năm thực hiện khoảng trên dưới 30 dự án giải phóng mặt bằng, trong đó có nhiều dự án quan trọng như dự án đường nội bộ cửa khẩu Hữu Nghị là công trình trọng điểm của tỉnh. Nhưng đây là dự án kéo dài và phức tạp bởi công tác đo đạc, kiểm đếm ban đầu của đội ngũ cán bộ thực hiện chưa nghiêm túc dẫn tới phải bổ sung khối lượng, cộng với một số nguyên nhân khác mà người dân vin vào đó gây khó khăn trong thực hiện dự án.
Dưới góc độ của cơ quan chuyên môn, ông Hồ Tiến Thiệu, Giám đốc Sở Tài nguyên -Môi trường tỉnh đánh giá, hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị 34 và hơn 3 năm thực hiện Kết luận số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác giải phóng mặt bằng và chỉnh trang đô thị, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm cũng như hành động của cấp ủy các cấp đối với công tác giải phóng mặt bằng. Thể hiện ở chỗ tỷ lệ số hộ ủng hộ chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng ngay từ đầu rất cao -tới trên 80%, đây là một nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị của tỉnh đối với lĩnh vực khá nhạy cảm này.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()