Chuyển biến tích cực ở Lộc Bình
LSO-Những năm gần đây, nhiều hủ tục trong lễ cưới của người dân Lộc Bình đã được loại bỏ, thay vào đó là những nét đẹp văn hóa, văn minh.
Cô dâu chú rể dân tộc Dao, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình vái lạy tổ tiên theo nghi thức truyền thống |
Đẩy lùi hủ tục
Nói về lễ cưới những năm trước, nhiều người cao tuổi ở Lộc Bình vẫn còn lắc đầu vì “quá rườm rà”. Trước tiên là tục “thách cưới” với câu chuyện về 1 tạ thịt lợn, 100 cái bánh dày, 100 lít rượu… Thời gian tổ chức lễ cưới của người Tày, Nùng thì kéo dài với nhiều phong tục như: người đưa và người đón phải đối đáp chúc tụng nhau cả đêm… Sau lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ phải “đi tết” tất cả những người trong họ 3 năm liên tục, mỗi nhà 1 con gà. Nhà nào đông anh em thì việc “đi tết” thật sự trở thành gánh nặng. Đặc biệt đối với một số dân tộc (Nùng Inh, Nùng Háng Cáu) thì việc đi tết (tết tháng Tám) càng trở nên nặng nề với số lượng lễ vật lớn, ngoài gà còn phải có bánh dày…
Hiện nay lễ cưới đã được tổ chức đơn giản hơn. Ông Lương Doãn Nho (xã Đồng Bục) cho biết: “Tôi là người dân tộc Tày. Trước đây trong lễ cưới thường có tục hát đối đáp qua đêm nhưng giờ được tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh, gia đình tôi đã nghiêm túc chấp hành, loại bỏ những hủ tục, chỉ giữ lại những nghi lễ cần thiết. Cho nên lễ cưới chỉ tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nhưng vẫn vui tươi và ý nghĩa”.
Không chỉ gia đình ông Nho mà hiện nay nhiều gia đình khác ở Lộc Bình cũng đã có sự thay đổi về nhận thức, tự giác chấp hành, tỷ lệ đám cưới trên địa bàn thực hiện theo nếp sống văn hóa mới đạt 63,6%.
Xây dựng nếp sống văn minh
Để có được kết quả đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản có nội dung về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới. Huyện đã chỉ đạo MTTQ, các đoàn thể và người có uy tín trong cộng đồng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Từ năm 2005 đến nay, Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền được hơn 8.600 cuộc cho gần 290.000 lượt người tham gia.
Cùng với đó, 29/29 xã, thị trấn đã cụ thể hóa các quy định về việc cưới vào nội dung quy ước, hương ước; phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản. Đồng thời lồng ghép nội dung quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với quy định cụ thể để làm căn cứ đánh giá, thi đua, khen thưởng hằng năm.
Nhờ đó các hủ tục lạc hậu dần được đẩy lùi. Đến nay, đám cưới thường chỉ tổ chức gọn trong 1 ngày với những nghi lễ cưới hỏi đơn giản, phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Việc ăn uống được tổ chức tiết kiệm, không phô trương, lãng phí. Hiện tượng uống rượu say trong nhiều đám cưới đã giảm. Đặc biệt, tập quán mỗi mâm cỗ phải có 1 bao thuốc lá đã được bỏ hẳn.
Trước khi tổ chức lễ cưới, các cặp vợ chồng đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định. Theo thống kê của UBND huyện, từ năm 2006 đến nay có 7.388 cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn tại các xã, thị trấn. Ông Hứa Hữu Hào, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện nhận định: Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, các hủ tục từng bước được đẩy lùi. Nhiều phong tục tập quán đẹp được duy trì góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()