Chuyển biến sau 5 năm thực hiện
LSO-Chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm từ hộ nghèo bắt đầu được triển khai, thực hiện từ năm 2009. Trải qua 5 năm nỗ lực tuyên truyền, vận động, việc huy động tiết kiệm hộ nghèo đã từng bước được người dân đồng tình, ủng hộ. Qua đó tạo thêm nguồn vốn cho vay quay vòng, đồng thời giúp người dân nghèo làm quen với tài chính, tạo dựng tài khoản tiết kiệm cho tương lai.
Các tổ tiết kiệm và vay vốn nộp tiền tiết kiệm tại điểm giao dịch xã Gia Cát, huyện Cao Lộc |
Những ngày đầu mới triển khai, việc thực hiện chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm hộ nghèo thật khó khăn. Vì người dân chưa hiểu hết mục đích, ý nghĩa của việc tiết kiệm, nhất là đối với hộ nghèo, hộ dân ở các vùng nông thôn. Trong khoảng 1 năm đầu, nhiều người dân vẫn cho rằng do Ngân hàng cho vay vốn nên phải nộp một khoản tiền vào ngân hàng, tiết kiệm này mình không được sử dụng… Do vậy, rất ít hộ tham gia tiết kiệm. Trước những khó khăn như vậy, ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội đã phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Bên cạnh tuyên truyền thông qua hội nghị, qua các buổi giao dịch, cán bộ tín dụng, cán bộ hội và các tổ tiết kiệm và vay vốn đã đến tận hộ dân để phổ biến về mục đích, ý nghĩa của chương trình, vận động người dân tham gia. Theo cách làm mưa dầm thấm lâu, nhất là thông qua thực tế các hộ dân tham gia tiết kiệm đã được sử dụng tài khoản khi cần thiết như chuyển sang trả lãi, trả nợ đến hạn, rút tiền cho con đi học…, người dân ngày càng nâng cao nhận thức, thấy rõ hơn lợi ích thiết thực của việc gửi tiền. Trong 2 năm nay, chương trình tiết kiệm đã thực sự đi vào cuộc sống.
Bà Mai Thị Thúy, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khối 6, thuộc Hội Phụ nữ thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc chia sẻ: khác với những ngày đầu phải đến tận nhà vận động, hai năm nay, các tổ viên đã quan tâm nhiều đến việc gửi tiền tiết kiệm. Họ tự nguyện nâng mức gửi, từ chỉ gửi vài chục đến 1 trăm nghìn/tháng đến nay đã có mức gửi từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/tháng. Hiện, cả tổ có 53 tổ viên, tiết kiệm được hơn 84 triệu đồng (không kể số tiền tiết kiệm mà các hộ đã sử dụng), trong đó có những tổ viên gửi nhiều như: Trần Thị Bình, Đàm Văn Phán, Đoàn Thị Thuận… Tôi thấy tài khoản tiết kiệm này rất thiết thực, ý nghĩa đối với hộ nghèo vì chỉ cần có vài chục nghìn họ đã có thể tiết kiệm cho tương lai.”
Ông Vi Mạnh Thùy, Trưởng Phòng Kế hoạch vốn Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: trong 5 năm qua, Ngân hàng Chính sách và các tổ chức hội, đoàn thể đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiết kiệm. Qua các năm, nhất là từ năm 2012 đến nay, lượng người tham gia cũng như số tiền gửi đều tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2010 (năm đầu tiên có số dư tiết kiệm), số dư tiết kiệm chỉ có 3,6 tỷ đồng thì năm 2012 đã tăng lên 20,1 tỷ đồng năm 2013 đạt 25,3 tỷ đồng, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao với tổng số 2.758/2.780 tổ vay vốn có số dư huy động tiết kiệm. Với số tiền huy động đó, Ngân hàng Chính sách đã có thêm nguồn vốn cho vay quay vòng đối với hàng trăm hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn hơn 20 tổ tiết kiệm và vay vốn chưa tham gia tiết kiệm bởi các tổ ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Mặt khác, phần lớn các tổ có số dư chưa cao và việc gửi tiết kiệm chưa thường xuyên. Năm 2014, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đặt chỉ tiêu huy động vốn hộ nghèo tăng thêm 3 tỷ đồng. Để đạt chỉ tiêu này và hướng tới 100% tổ tham gia tiết kiệm và tiết kiệm đều hàng tháng, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền về lợi ích của việc tiết kiệm, vận động các hộ dân tham gia tích cực hơn, gửi tiền với mức cao hơn.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()