Chuyển biến sau 15 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
LSO - Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) (gọi tắt là Chỉ thị số 30) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, huyện Văn Quan đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 30, từ huyện đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác thực hiện QCDC ở xã, thị trấn đã đạt được những kết quả nhất định, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng địa phương được giữ vững.
LSO – Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) (gọi tắt là Chỉ thị số 30) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, huyện Văn Quan đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 30, từ huyện đến cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, công tác thực hiện QCDC ở xã, thị trấn đã đạt được những kết quả nhất định, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng địa phương được giữ vững.
Một góc thị trấn Văn Quan
Ông Lương Đình Hoài, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 30 huyện cho biết: Sau khi tổ chức quán triệt học tập Chỉ thị số 30 và các nghị định của Chính phủ, Ban Thường vụ huyện uỷ đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC từ huyện đến cơ sở và thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ; gắn việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở với tăng cường chỉ đạo xây dựng các chi, đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh, nhất là các chi bộ thôn, khối phố; chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các quy định về thực hiện QCDC ở cơ sở;… Qua đó, việc thực hiện QCDC ở xã, thị trấn đến nay đã đi vào nền nếp, việc công khai dân chủ tới người dân về các vấn đề như: kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế; dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của cấp xã, thị trấn; dự án, công trình đầu tư, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án công trình trên địa bàn cấp xã, thị trấn;… đã được thực hiện nghiêm túc. Từ đó, nhân dân được thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ, ý thức tự giác, tinh thần, trách nhiệm công dân đối với cộng đồng xã hội được nâng cao. Nếu như trước đây, việc xây dựng hương ước, quy ước ở các thôn, khối phố còn hạn chế (năm 2002 toàn huyện mới có 32 thôn của 5 xã xây dựng được hương ước) thì đến nay toàn huyện đã có 188/188 thôn, bản, khối phố xây dựng được quy ước, hương ước (trong đó có 172 thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đưa về tổ chức thực hiện). Trên cơ sở các quy ước, hương ước đó, mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể phối hợp tuyên truyền, vận động và đưa vào tổ chức thực hiện đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Đường làng, ngõ xóm, kênh mương nội đồng, nhà văn hoá thôn, trạm y tế, trường học,…đã được nhân dân bàn bạc, thống nhất và đóng góp bằng tiền, vật chất, ngày công để xây dựng. Theo thống kê chưa đầy đủ, các công trình (như vừa nêu trên) được xây dựng có tổng giá trị trên 32 tỷ 155 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 10 tỷ 555 triệu đồng tiền mặt; hiến 194.000 m2 đất; huy động trên 643.672 ngày công để làm đường GTNT, thuỷ lợi; bê tông hoá được gần 200 km đường liên thôn, xóm và hàng chục km kênh mương nội đồng. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp được gần 600 triệu đồng xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân; 4,3 tỷ đồng quỹ vì người nghèo, quỹ từ thiện nhân đạo;… Do thực hiện tốt QCDC ở cơ sở nên các vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân phần lớn đã được tổ chức hoà giải tại thôn, khối phố. Số lượng đơn, thư khiếu nại của nhân dân ngày càng giảm, nếu như năm 2008, huyện tiếp nhận 184 đơn, trong đó có 1 đơn kéo dài vượt cấp thì đến 2012 số lượng đơn tiếp nhận giảm còn 103 đơn, không có đơn thư khiếu nại kéo dài. Từ đó, góp phần tích cực xây dựng, củng cố tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, tăng cường củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân.
Song song với đó, cấp uỷ, chính quyền cơ sở xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận và của từng cán bộ, công chức để phục vụ nhân dân. Các quy chế, hương ước của thôn, khu phố thường xuyên được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, góp phần vào việc đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền cơ sở theo hướng dân chủ hoá, công khai và minh bạch hoá, khắc phục bệnh hành chính quan liêu; xây dựng phong cách người cán bộ, công chức thực sự là “công bộc” của nhân dân.
Qua 15 năm thực hiện, QCDC ở cơ sở luôn được cấp uỷ, chính quyền huyện Văn Quan quan tâm, lãnh đạo tổ chức thực hiện gắn với lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, an ninh-quốc phòng địa phương theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động,… góp phần xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: Đỗ Hoạt
Ý kiến ()