Chuyển biến nhanh ở cấp trung học cơ sở
Học sinh cấp THCS huyện Bình Gia trong hội thi thí nghiệm thực hành toàn tỉnh năm 2016 |
Đổi mới cách dạy và học
Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 229 trường THCS với 3 loại hình là: trường mô hình trường học mới (VNEN) với 38 trường; 25 trường trường THCS trọng điểm, còn lại là trường đại trà. Dù là theo mô hình trường trọng điểm hay đại trà, cấp THCS luôn kiên trì phấn đấu thực hiện mục tiêu tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo điều kiện thuận lợi để phân luồng mạnh sau THCS.
Đối với mô hình trường học mới (VNEN) cấp THCS, ngành đã rà soát lại các điều kiện thực hiện, đặc biệt là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Trên cơ sở đó, năm học này, ngành đã thu gọn quy mô của mô hình, từ 59 trường xuống còn 38 trường, triển khai ở cả lớp 6 và lớp 7. Với phương châm tập trung vào chất lượng với nội dung trọng tâm là đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực hoạt động và học tập của học sinh, các trường theo mô hình VNEN cấp THCS vẫn duy trì chất lượng tốt. Các trường trọng điểm, trên cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục, tăng cường công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh mũi nhọn.
Do có nhiều cố gắng trong đổi mới giảng dạy và học tập, nên chất lượng giáo dục cả mô hình mới và đại trà đều tăng so với năm học trước. Các trường đại trà đạt tỷ lệ 59,27% xếp loại học lực khá và giỏi; các trường trọng điểm đạt tỷ lệ 61% khá và giỏi; các trường VNEN đạt tỷ lệ 92,9% hoàn thành về học tập, tỷ lệ 94,42% đạt về phát triển năng lực và 96,3% đạt về phát triển phẩm chất.
Tăng cường kỹ năng thực hành
Tuy còn gặp nhiều khó khăn, song tất cả 229 trường THCS và phổ thông cơ sở đã được trang bị những bộ đồ thí nghiệm cơ bản các môn: toán, vật lý, hóa học, sinh học và các thiết bị đồ dùng giảng dạy, học tập. Với phương châm: “Học đi đôi với hành, kiến thức gắn liền với thực tiễn”, các nhà trường đã tăng cường công tác hướng dẫn học sinh thực hiện thí nghiệm thực hành để củng cố kiến thức; vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Trong những năm qua, các cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh THCS đã thu hút tất cả các nhà trường với hàng ngàn học sinh tham gia. Trên cơ sở đó, các cuộc thi từ nhà trường đến cấp huyện, cấp tỉnh đã được tổ chức và đã có nhiều dự án nghiên cứu khoa học của học sinh THCS đạt các giải cao toàn tỉnh và toàn quốc như: các dự án của học sinh THCS Bán trú Bắc Xa (Đình Lập), THCS Hoàng Văn Thụ (Bình Gia)…
Tích cực trong phân luồng học sinh sau THCS, nếu năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS dự thi vào THPT là 94%, thì năm học 2016-2017, tỷ lệ này giảm chỉ còn 87%. Sau tốt nghiệp THCS không thi vào cấp THPT mà dự xét tuyển vào các trường trung cấp nghề, vào học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên để có bằng tốt nghiệp lớp 12 hệ bổ túc và có bằng trung cấp nghề… đã trở thành sự lựa chọn của nhiều học sinh THCS.
Ba năm, thời gian chưa dài trong định hình phát triển của cả một cấp học, song bám sát định hướng, mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết 29 và các chương trình hành động của tỉnh, cấp THCS ở Lạng Sơn đã có những chuyển động mạnh mẽ, kết quả thu được rất khả quan, tạo tiền đề cho việc xây dựng những lứa công dân mới có tri thức, kỹ năng sống, sẵn sàng bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – cuộc cách mạng số.
Ý kiến ()