Chuyển biến nhận thức về chuyển đổi số
Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, sau một năm triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án), đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện và hành trình nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận…
Ngành y tế Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin trong lập hồ sơ, quản lý sức khỏe người dân bằng phần mềm. Trong ảnh: Khám, chữa bệnh cho người dân huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. (Ảnh MỸ HÀ) |
Để án nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương…
Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần chuyển đổi nhận thức, tư duy về cách sống, làm việc truyền thống của mỗi người đã được định hình. Con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực phát triển của chuyển đổi số. Vì vậy mỗi người cần được bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, cần được phổ cập kỹ năng số để có thể thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số hiệu quả. Đây là nhiệm vụ, giải pháp nền tảng, quan trọng hàng đầu cần được thực hiện trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời cũng là sứ mệnh, mục tiêu chung của Đề án.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án, Bộ đã ban hành Văn bản số 489/BTTTT-THH ngày 17/2/2022 gửi các bộ, ngành, địa phương về việc hướng dẫn triển khai Đề án nhằm bảo đảm việc triển khai đồng bộ, hiệu quả, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành.
Đến nay, đã có 25/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai. Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, do đó các bộ, ngành, địa phương đã từng bước xây dựng các nội dung truyền thông về chuyển đổi số thống nhất, đồng bộ và xuyên suốt gắn với điều kiện đặc thù từng ngành, lĩnh vực.
Người dân nộp hồ sơ hành chính trực tuyến tại Trung tâm dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh ĐĂNG DUY) |
Đến nay, 100% các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức hội nghị, hội thảo, chương trình, sự kiện nhằm truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã thiết lập chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương.
Đồng thời, sản xuất các chương trình truyền hình nội dung về chuyển đổi số tại các đài phát thanh, truyền hình, các cơ quan thông tấn, báo chí trên toàn quốc; xây dựng các kênh truyền thông Chuyển đổi số quốc gia; xây dựng Cổng thông tin điện tử Chuyển đổi số quốc gia (https://dx.gov.vn/).
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức các cuộc thi về chuyển đổi số và đã công bố 72 bài toán chuyển đổi số là đầu bài trong Cuộc thi tìm kiếm giải pháp Chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn Biểu trưng chuyển đổi số quốc gia, được các bộ, ngành, địa phương đồng bộ sử dụng. Có 27/30 bộ, ngành và 58/63 địa phương lựa chọn ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số, còn lại 3 bộ, ngành và 5 địa phương chọn ngày chuyển đổi số riêng…
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phú Tiến cho biết: Phổ cập kỹ năng số và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đến nay, đã đạt được các kết quả đáng mừng như: 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư, với hơn 74.521 Tổ công nghệ số cộng đồng và 348.629 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 4.839 lượt cán bộ, công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương và 28.989 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã trên toàn quốc trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (https://onetouch.mic.gov.vn).
Bắt đầu từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức định kỳ triển khai bồi dưỡng cho 100 chuyên gia Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đây là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Năm 2022, Bộ cũng đã tổ chức hai hội nghị tập huấn, đào tạo cho 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Giang với mục tiêu cung cấp những kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bài học kinh nghiệm hay về triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; hình thành một mạng lưới chuyên gia Chính phủ điện tử, chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương, góp phần tăng cường trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, giúp tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, chung tay thực hiện tiến trình chuyển đổi số.
Theo ý kiến các chuyên gia, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn nữa việc triển khai Đề án, trong những năm tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tại Đề án, đồng thời kết hợp xây dựng, bảo đảm cơ sở hạ tầng dữ liệu số phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Nguồn:https://nhandan.vn/chuyen-bien-nhan-thuc-ve-chuyen-doi-so-post768139.html
Ý kiến ()