Chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức
LSO-Là tỉnh vùng biên, đã có thời hàng hóa Trung Quốc gần như độc tôn trên thị trường. Thế nhưng dần dà, cùng với sự đổi mới về mẫu mã, nâng cao chất lượng của các sản phẩm Việt, tâm lý của người tiêu dùng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Câu chuyện ở thành phố Lạng Sơn là một ví dụ điển hình.
Khách hàng lựa chọn chăn sản xuất trong nước tại Hội chợ Thương mại Lạng Sơn 2014 |
Trong bạt ngàn các chủng loại nồi cơm điện được bày bán, chị Nguyễn Thị Ngân (thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng) tỉ mẩn xem kỹ từng chủng loại, mỗi chủng loại đều nhờ người bán tư vấn về công dụng, chức năng, độ bền và giá cả. Cuối cùng chị Ngân lựa cho mình sản phẩm VnTech của Việt Nam. Chị Ngân chia sẻ: các sản phẩm trong nước bây giờ vừa bền, mẫu mã tốt lại có giá cả phù hợp. Bởi vậy mà đối với đồ gia dụng từ nồi cơm điện, máy bơm nước, ống nhựa… đến quần áo, hai vợ chồng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
Chị Huyền, chủ của hàng kinh doanh đồ điện, đồ gia dụng tại khu vực chợ đêm (Kỳ Lừa) cho biết: nếu như những năm trước đây lượng hàng ngoại nhập từ Trung Quốc rất nhiều, thì thời gian gần đây, đặc biệt là từ năm ngoái cửa hàng đã phải trả lại chủ hàng phía bên kia phần lớn lượng hàng nhập. Lý do đơn giản là tâm lý và thị hiếu người tiêu dùng trên địa bàn thành phố hiện nay đã có sự thay đổi rất lớn.
Chị Huyền bộc bạch: các đồ điện gia dụng của Việt Nam hiện nay đã chiếm được cảm tình của khách hàng, bóng điện tiết kiệm, dây dẫn điện, bình đun nước, quạt sưởi…sản xuất trong nước có lượng người hỏi mua nhiều và tiêu thụ rất nhanh. Không chỉ riêng cửa hàng của chị Huyền mà rất nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn đã chủ động nhập sản phẩm Việt, đặc biệt là các sản phẩm đã được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, thành phố Lạng Sơn đã triển khai một số chính sách hỗ trợ mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và hộ nông dân có nhu cầu; phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư thiết bị, đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, tăng tỉ lệ nội địa hóa sản phẩm với tổng số tiền hỗ trợ 540 triệu đồng. Ông Phạm Đình Duy, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố đánh giá: trong những năm qua, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn nói riêng và các doanh nghiệp trong nước nói chung đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng. Một mặt để quảng bá sản phẩm, mặt khác để khảo sát nhu cầu, tìm hiểu thị hiếu từ đó có thay đổi phù hợp để tăng sức cạnh tranh.
Trong khi đó, công tác phối hợp tuyên truyền, kích cầu tiêu dùng đối với người dân cũng được các cấp ngành tích cực triển khai. Ông Nguyễn Văn Bàn, Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cho biết: Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được triển khai ở tất cả các phường, xã trên địa bàn. Từ năm 2009 đến nay, Mặt trận Tổ quốc đã tổ chức được 360 cuộc tuyên truyền cho trên 34 nghìn lượt người. Cùng với đó là phối hợp với các doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm Việt. Điển hình như phối hợp với Công ty Cổ phân sữa Rồng Vàng quảng bá các sản phẩm sữa Việt; phối hợp với Điện lực Lạng Sơn phát động tiết kiệm điện, kích cầu các sản phẩm tiết kiệm trong nước…
Các hoạt động xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, bình ổn giá được triển khai đồng bộ. Trong 5 năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện tốt các đợt bình ổn thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu (sản xuất trong nước) với 3.803 điểm bình ổn giá. Đồng thời phát triển các khu vực bán lẻ hàng tiêu dùng, đưa hàng Việt về khu vực nông thôn.
Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt trên địa bàn thành phố đã đạt được hiệu quả rất lớn. Trong đó nhận thức của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Thị hiếu người tiêu dùng chuộng sản phẩm nội mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Đó cũng là động lực để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, tạo nguồn lực cho quốc gia.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()