Chuyển biến của giáo dục phổ thông: Nâng cao năng lực và kỹ năng thực hành của học sinh
Từ những trường điểm, vùng thuận lợi
Với những kiến thức đã được học ở các môn Sinh học, Hóa học… và liên hệ với thực tế về công tác chống nhiễm khuẩn của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, em Phan Thị Mai Hạnh và Đặng Anh Quốc (Trường THPT Chu Văn An) đã tập trung nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu, xây dựng phương pháp chẩn đoán 5 tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện multyplex PRC”. Đề tài đã đạt giải nhì cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp Quốc gia. Nhóm của em Đỗ Quang Bách và Thân Đức Hải (Trường THPT Chu Văn An) hướng sự quan tâm đến nguyên nhân tai nạn giao thông do tài xế ngủ gật, nên đã nghiên cứu đề tài “Thiết bị theo dõi nhịp tim để cảnh báo buồn ngủ cho tài xế”, dự án đã đạt giải ba cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp Quốc gia.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Phan Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết: Là trường mũi nhọn về chất lượng của ngành GD&ĐT Lạng Sơn, trong suốt 30 năm qua, nhà trường luôn có sự gắn kết giữa học với hành, giữa lý thuyết với nghiên cứu khoa học. Những năm gần đây, học sinh luôn có xu hướng nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đời sống. Vì vậy, các dự án nghiên cứu của các em luôn có tính ứng dụng cao.
Học sinh THCS thành phố Lạng Sơn làm thực hành thí nghiệm
Không chỉ Trường chuyên Chu Văn An, mà các trường như: THPT Việt Bắc, Hữu Lũng, Chi Lăng, Lương Văn Tri… đều có những dự án nghiên cứu khoa học (NCKH) của học sinh chất lượng tốt, có giá trị thực tiễn cao. Cơ sở của những đề tài này là sự năng động sáng tạo và ham học hỏi, NCKH của đội ngũ học sinh. Những năng lực ấy được hình thành từ cấp tiểu học và THCS.
Ông Ngô Hiền, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng đại trà, phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi các môn văn hóa, mà còn khuyến khích và tạo điều kiện cho các em NCKH, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Từ đó củng cố năng lực, hình thành phẩm chất, tạo đà để các em phấn đấu khi học lên.
Tạo sự lan tỏa rộng đến vùng khó khăn
Bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị đề ra kế hoạch, có giải pháp ôn luyện, bồi dưỡng học sinh giỏi, Sở GD&ĐT đã quan tâm tăng cường trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất thực hành cho các môn: Vật Lý, Hóa học, Sinh học, thi nghe – nói các môn Ngoại ngữ, thi nghiên cứu KHKT.
Các nhà trường đã tích cực gắn việc học với các hoạt động trải nghiệm, khai thác tốt những trang bị thí nghiệm hiện có và tự làm, gắn học với hành; khuyến khích học sinh NCKH, từng bước hình thành năng lực giải quyết vấn đề của học sinh. Vì vậy, những thành tựu NCKH không còn là độc quyền của những trường lớn, vùng thuận lợi mà có sức lan tỏa vào những trường, những vùng khó khăn. Điển hình như dự án “Máy lấy phấn na cầm tay” của em Nguyễn Ánh Đông, Trường THCS xã Yên Sơn (Hữu Lũng) – giải nhì hội thi sáng tạo KHKT toàn quốc năm 2017; đề tài “ Đèn học phát sáng bằng năng lượng nước nóng” của em Đinh Thị Hải Hậu, học sinh lớp 7 Trường PTCS bán trú xã Kiên Mộc (Đình Lập) – giải ba cuộc thi sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc…
Nhiều học sinh vùng khó khăn đã vượt khó vươn lên học tập đạt thành tích xuất sắc như các em: Mông Cẩm Ly, Trường THPT Bình Độ; Nguyễn Thị Thảo Linh, Trường PTCS Nội trú huyện Hữu Lũng; Hoàng Thị Thoa, Trường THPT Pác Khuông (Bình Gia)…
Về phát triển năng lực và kỹ năng thực hành của học sinh, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Học đi đôi với hành là nguyên lý giáo dục mà chúng ta đã thực hiện từ lâu. Song quán triệt Nghị quyết 29 của Đảng, trong 5 năm qua đã có những bước phát triển vượt trội về số lượng cũng như chất lượng và hiệu quả. Nó chứng tỏ rằng, khi đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng tốt, khi trang thiết bị cơ sở vật chất được tăng cường, khi đam mê và sự tự tin của học sinh được khơi dậy và duy trì thì năng lực và kỹ năng thực hành của học sinh Lạng Sơn không hề thua kém các tỉnh bạn.
Ý kiến ()