Chuyển biến bước đầu trong đầu tư hạ tầng giao thông ở Hà Nội
Công nhân Công ty CIENCO 4 thi công gói thầu 3 tuyến đường vành đai 3 trên cao (Hà Nội). Ảnh: DUY LINH Nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc về giao thông đô thị trên địa bàn Thủ đô, từ đầu năm đến nay, TP Hà Nội tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn không ít dự án thi công chậm trễ, dây dưa, không chỉ làm xấu mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm cho tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng.Những chuyển biến đáng mừngGiao thông trên địa bàn Hà Nội, nhất là trong khu vực nội thành, ngày càng diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp việc đi lại, sinh hoạt của người dân, mà còn tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập, chưa tương xứng yêu cầu phát triển về mọi mặt...
Công nhân Công ty CIENCO 4 thi công gói thầu 3 tuyến đường vành đai 3 trên cao (Hà Nội). Ảnh: DUY LINH |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn không ít dự án thi công chậm trễ, dây dưa, không chỉ làm xấu mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm cho tình trạng ùn tắc giao thông thêm trầm trọng.
Những chuyển biến đáng mừng
Giao thông trên địa bàn Hà Nội, nhất là trong khu vực nội thành, ngày càng diễn biến phức tạp, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp việc đi lại, sinh hoạt của người dân, mà còn tác động xấu đến tình hình kinh tế – xã hội của Thủ đô. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập, chưa tương xứng yêu cầu phát triển về mọi mặt của thành phố trong giai đoạn mới. Các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, khép kín. Đường trong nội thành còn thiếu. Tỷ lệ đất dành cho giao thông mới đạt 8% đất xây dựng đô thị, trong khi theo quy hoạch là từ 20% đến 25%. Nhiều tuyến đường, nút giao thông thường xuyên bị quá tải, do số lượng phương tiện vượt gấp nhiều lần so với thiết kế…
Chính vì vậy, chưa có thời điểm nào, vấn đề giao thông ở Thủ đô được các cấp ủy đảng, chính quyền của thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát như hiện nay. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 15 nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2011-2015, một trong hai nhiệm vụ đột phá của thành phố là “Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường”. Nghị quyết được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cụ thể hóa thành Chương trình số 07-Ctr/TU về tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường và thực trạng giao thông vận tải ở Thủ đô, với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong chương trình công tác năm 2012, UBND thành phố xác định giao thông là một trong những vấn đề trọng điểm, cần tập trung quyết liệt…
Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của thành phố, nay đã có một số chuyển biến đáng mừng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng kết cấu giao thông ở Thủ đô. Có mặt tại các công trường thi công cầu vượt kết cấu thép tại các nút giao Chùa Bộc-Tây Sơn, Láng Hạ-Thái Hà trong những ngày này, chúng tôi cảm nhận rõ không khí thi công khẩn trương, hối hả của dự án trong giai đoạn nước rút. Sau đúng ba tháng thi công, công trình cầu vượt tại nút Láng Hạ – Thái Hà và nút Chùa Bộc – Tây Sơn đã cơ bản hoàn thành. Cả hai dự án được khởi công ngày 21-1. Theo hợp đồng thi công giữa Sở Giao thông vận tải Hà Nội và nhà thầu, thời gian thi công là bốn tháng. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách của dự án, thi công ở các khu vực trọng điểm về giao thông, càng kéo dài thời gian thi công càng ảnh hưởng đến giao thông, cho nên các nhà thầu áp dụng biện pháp thi công theo công nghệ mới, tổ chức làm tăng ca, tăng giờ, để rút ngắn thời gian thi công. Dự án áp dụng công nghệ mới, sử dụng thép cường độ cao để xây dựng cọc, trụ, dầm cầu. Toàn bộ cấu kiện được sản xuất trong nhà máy, sau khi các cơ quan chức năng nghiệm thu đạt yêu cầu thì tiến hành lắp đặt, vì vậy bảo đảm chất lượng công trình và thi công nhanh, không gây ảnh hưởng lớn đến giao thông khu vực.
Cùng tiến độ thi công với dự án cầu vượt nút Chùa Bộc – Thái Hà, dự án cầu vượt tại nút giao Láng Hạ – Thái Hà cũng đang tiến hành những phần việc cuối cùng. Chúng tôi gặp Chỉ huy trưởng công trường Phạm Văn Khanh (Công ty cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long). Đồng chí Khanh cho biết: “Ý thức đây là công trình cần được thi công khẩn trương để đưa vào sử dụng, nhằm chống ùn tắc giao thông, do vậy, hơn 60 kỹ sư, công nhân công ty “bám” công trường từ trước Tết Nguyên đán đến nay, làm việc ba ca/ngày liên tục trong ba tháng qua. Chúng tôi thấy rất vui, tự hào, khi thấy những nỗ lực của mình đã góp phần đưa công trình về đích trước thời hạn một tháng”. Công trình cầu vượt hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ tăng cường khả năng thông xe các phương tiện trên hai trục giao thông huyết mạch Láng Hạ, Tây Sơn, hạn chế xung đột giữa các dòng phương tiện tại nút, chắc chắn khắc phục hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại hai nút giao trọng điểm này. Cùng với cầu vượt tại hai nút giao này, mới đây, TP Hà Nội khởi công xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Nam Hồng và đường bắc Thăng Long-Nội Bài. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong tháng 5, thành phố tiếp tục khởi công xây dựng cầu vượt tại nút giao Láng Hạ-Lê Văn Lương và Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng, nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô.
Đi dọc công trường xây dựng đường vành đai 3 giai đoạn 2 (đường trên cao) từ Mai Dịch đến bắc hồ Linh Đàm những ngày này, thấy sừng sững làn đường cao tốc trên cao. Tiếng búa, tiếng máy giòn giã, mầu áo xanh công nhân trải dài trên khắp công trường… Dự án đường vành đai 3 trên cao có chiều dài toàn tuyến 8,9 km đang ở giai đoạn nước rút. Hàng trăm kỹ sư, công nhân đang miệt mài thi công, nhằm phấn đấu hoàn thành vượt tiến độ công trình. Dự án gồm ba gói thầu. Gói thầu số 1 dài 3,5 km, đoạn từ nút Mai Dịch đến nút Trung Hòa, do liên danh Samwhan (Hàn Quốc) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) thi công. Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, đại diện nhà thầu cho biết: Đến thời điểm này, nhà thầu đã hoàn thành 67% khối lượng công việc, các hạng mục của gói thầu do đơn vị thi công đều vượt tiến độ từ 15% đến 20%. Đơn vị đặt mục tiêu hoàn thành công trình vào tháng 10 năm nay, rút ngắn thời gian thi công tám tháng so với hợp đồng. Gói thầu số 3, thi công đoạn từ nút Thanh Xuân đến phía bắc hồ Linh Đàm, dài 3.267m, hiện cũng đã hoàn thành 88% khối lượng công việc. Các nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước kế hoạch đề ra năm tháng.
Gói thầu số 2, thi công đoạn từ nút Trung Hòa đến nút Thanh Xuân, dài hơn 2 km. Tuy khởi công muộn hơn hai gói thầu nói trên, vào tháng 7-2011, nhưng đến nay đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc. Đơn vị thi công – Công ty TNHH Xây dựng Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) cam kết rút ngắn thời gian thi công từ 30 tháng xuống còn 15 tháng, hoàn thành công trình vào tháng 10 cùng với gói 1 và gói 3, bảo đảm chất lượng công trình. Đại diện chủ đầu tư – Ban quản lý dự án Thăng Long khẳng định, đến tháng 10 năm nay, toàn bộ dự án đường vành đai 3 trên cao được đưa vào khai thác, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuyến đường thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị, mặt cắt rộng 24m với bốn làn xe, vận tốc 100 km/giờ. Sau khi hoàn thành, các xe ô-tô đi từ nút Mai Dịch, qua cầu Thanh Trì đến quốc lộ 5, dài 24 km chỉ mất khoảng 12 phút, cải thiện đáng kể tình hình giao thông ở Thủ đô.
Đi trên tuyến đường từ Cát Linh, qua Hào Nam, đến đường Nguyễn Trãi vào Hà Đông trong những ngày gần đây, nhìn hàng trụ cầu của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông nhanh chóng mọc lên giữa dải phân cách của tuyến đường, nhiều người dân Thủ đô không khỏi háo hức, mong chờ ngày dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đưa vào sử dụng. Tính đến nay, sau sáu tháng thi công, các nhà thầu đã hoàn thành được 19 cột trụ, đang thi công 17 trụ trong tổng số 465 cột trụ của toàn dự án, khối lượng thi công ước đạt 10%. Hiện nay, nhà thầu triển khai đồng loạt 12 mũi thi công, phấn đấu hoàn thành 266/465 trụ, đúc được 100/1.000 phiến dầm, xử lý nền đất yếu ở khu đề-pô trong năm nay. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2014.
Cùng với các dự án nêu trên, các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải và TP Hà Nội đang triển khai một số dự án hạ tầng kết cấu giao thông như cầu Nhật Tân, đường từ cầu Nhật Tân – Sân bay quốc tế Nội Bài, đường cao tốc từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Nguyên, Lào Cai…, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư đường vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng, đoạn Ngã Tư Vọng – Ngã Tư Sở, đoạn Cầu Giấy – Bưởi – Nhật Tân, các tuyến đường nội thành như Kim Mã – Trần Phú, Vạn Bảo – Núi Trúc, Nguyễn Hoàng Tôn, Nguyễn Văn Huyên – Yên Hòa, Nguyễn Tam Trinh, Lĩnh Nam…, phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành cơ bản cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Bên cạnh những dự án thi công bảo đảm tiến độ, chất lượng, còn không ít dự án được xếp vào diện các dự án trọng điểm, giải quyết những vấn đề giao thông cấp bách… được thi công từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa hoàn thành, không chỉ làm xấu mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường mà còn làm cho tình trạng ùn tắc giao thông thêm phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Đơn cử như tuyến đường Cát Linh – La Thành – Thái Hà – Láng, một dự án có vai trò quan trọng trong việc tạo trục giao thông mới từ phía đông bắc sang phía tây nam thành phố, đồng thời cải thiện công tác thoát nước khu vực này. Công trình có ý nghĩa lớn như vậy, đòi hỏi phải thi công nhanh, gọn, nhưng sau gần mười năm thi công vẫn chưa hoàn thành. Hai vấn đề nổi cộm nhất ở dự án này là, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và sự chây ỳ của một số nhà thầu. Hiện, nhà thầu vẫn đang thi công hệ thống thoát nước đoạn từ phố Thái Hà đến phố Thái Thịnh, nhưng tiến độ rất chậm. Tuyến đường đã được thông xe một làn đường, nhưng khung cảnh ngổn ngang, ô nhiễm bụi nghiêm trọng. Hè đường chưa được làm do đợi thi công cải tạo hệ thống cấp nước cho các hộ dân. Dải phân cách giữa đường ngổn ngang cấu kiện, vật liệu, nhiều hộ dân lợi dụng sự lộn xộn, đổ phế thải bừa bãi, trông rất phản cảm. Cũng do công trình chưa hoàn thiện, cho nên các ngành chức năng chưa lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao trên tuyến. Vì vậy, từ khi tuyến đường đưa vào sử dụng phát sinh thêm hai điểm ùn tắc giao thông tại nút giao phố Thái Thịnh – ngõ Thái Thịnh 2 và nút Thái Hà giao với đường cống hóa Thái Hà – Yên Lãng. Đồng thời, chưa phát huy hiệu quả đầu tư của dự án là giảm tải cho các tuyến đường trong khu vực và cải thiện năng lực thoát nước của thành phố.
Dự án đường Văn Cao – Hồ Tây và cầu vượt trên đường Hoàng Hoa Thám, khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay vẫn gặp khó khăn về GPMB cả ở khu vực làm đường và đường gom lên cầu vượt. Do tuyến đường chưa được thông tuyến đến Hồ Tây, cho nên các phương tiện đổ dồn sang các tuyến liên quan như Kim Mã, Thụy Khuê, Đào Tấn, Bưởi… gây dồn ứ trên các tuyến này. Đơn vị thi công đang cố gắng hoàn thành cầu vượt trên đường Hoàng Hoa Thám vào tháng 6, tuy nhiên, do chưa có mặt bằng để làm đường dẫn từ đường Thụy Khuê lên cầu, cho nên khi đưa cầu vượt vào sử dụng chỉ giảm tải phương tiện trên đường Hoàng Hoa Thám, hiệu quả công trình bị hạn chế rất nhiều.
Cũng do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, mà dự án xây dựng đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, sau gần hai năm khởi công, thi công được 80 m, vẫn “dậm chân tại chỗ”. Công tác GPMB ở dự án này đang vướng mắc hai vấn đề căn bản. Thứ nhất là, khó khăn trong việc xác định hồ sơ, nguồn gốc đất của các hộ dân. Hiện UBND phường Ô Chợ Dừa chỉ có duy nhất bản đồ từ năm 1997 để quản lý địa chính, trong khi nguồn gốc đất của các hộ dân tại khu vực này lại rất phức tạp, khó xác định. Vấn đề thứ hai là, bất cập giữa giá đất làm cơ sở đền bù GPMB với giá nhà tái định cư của thành phố, do giá nhà tái định cư tăng quá nhanh, trong khi giá đất không tăng tương ứng.
Với vai trò quan trọng, ảnh hưởng và tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, việc TP Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển hạ tầng giao thông không chỉ giảm dần tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo hệ thống hạ tầng khung cho đô thị hiện đại, mà trong thời điểm này còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Để tạo điều kiện cho các dự án trọng điểm về giao thông được triển khai khởi công, hoàn thành trong thời gian ngắn nhất, UBND thành phố đã chấp thuận về chủ trương cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù trong các khâu: quy hoạch, lập dự án, các thủ tục đầu tư và triển khai thực hiện dự án. Thế nhưng, để các dự án về đích đúng thời hạn, nếu chỉ có sự nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công thì vẫn chưa đủ. TP Hà Nội cần chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ công tác GPMB, nhất là việc thẩm định, phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân trong diện di dời. Khi người dân đã đồng thuận, công tác giải phóng mặt bằng suôn sẻ, công trình mới được thi công đồng bộ, nhanh chóng đưa vào sử dụng, sớm phát huy hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()