Chuyện bên lán Nà Lừa
Khách tham quan nghe thuyết minh về lán Nà Lừa. Trong cái nắng chói chang đầu mùa hạ, chúng tôi hòa vào dòng người về thăm khu Di tích lịch sử Tân Trào, thuộc địa phận hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn (Tuyên Quang).Nơi đây, Bác Hồ từng sống và làm việc trong những năm tháng chuẩn bị tổng khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp; với các địa danh đi vào lịch sử như: lán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái...Một nữ thuyết minh viên rất trẻ trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày, có giọng nói truyền cảm, dẫn chúng tôi về di tích lán Nà Lừa: Nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách thôn Tân Lập (Tân Trào) 500 m về phía đông, lán Nà Lừa được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bác là phải gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Lán có hai gian nhỏ: gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài là nơi...
![]() |
Nơi đây, Bác Hồ từng sống và làm việc trong những năm tháng chuẩn bị tổng khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp; với các địa danh đi vào lịch sử như: lán Nà Lừa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, đình Hồng Thái…
Một nữ thuyết minh viên rất trẻ trong trang phục truyền thống của dân tộc Tày, có giọng nói truyền cảm, dẫn chúng tôi về di tích lán Nà Lừa: Nằm ở sườn núi Nà Lừa, cách thôn Tân Lập (Tân Trào) 500 m về phía đông, lán Nà Lừa được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi, dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật cũng như đáp ứng được yêu cầu của Bác là phải gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Lán có hai gian nhỏ: gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Tại đây, Bác Hồ đã đề ra những quyết sách lớn có liên quan vận mệnh đất nước như tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng (từ 13 đến 15-8-1945), Quốc dân Đại hội (từ 16 đến 17-8-1945)…
Khi ở lán Nà Lừa, điều kiện làm việc của Bác hết sức gian khổ và khó khăn, với những bữa ăn đạm bạc, chỉ có măng rừng chấm muối, cơm chan nước chè xanh. Vậy nên sức khỏe của Bác giảm sút. Cuối tháng 7-1945, trong khi tình hình trong và ngoài nước diễn biến có lợi cho cách mạng, Bác bị ốm nặng. Nhưng rồi có một cụ lang người dân tộc Tày đã đến chữa bệnh cho Bác. Sau khi bắt mạch, cụ lang vào rừng và đem về một thứ củ gì đó, đốt cháy, hòa vào cháo loãng mời Bác uống. Sau một vài lần làm như vậy, Bác đỡ dần và tiếp tục làm việc ngay…
Người được giao nhiệm vụ dẫn và thuyết minh hôm nay với các cụ ở thôn Đồng Lương, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) là cô Nguyễn Thị Thìn. Trong khi chờ khách chụp ảnh lưu niệm bên lán Nà Lừa, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện:
– Kỷ niệm nào mà cô nhớ nhất khi được làm việc ở đây?
– Đó là lần đầu em dẫn và thuyết minh cho đoàn cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ. Khi đó em run lắm, nhưng với sự động viên, khích lệ của các bác, em đã sớm tự tin và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rồi có lần thuyết minh cho đoàn cán bộ, nhân dân miền nam, khi kể về Bác Hồ bị ốm nặng, tự nhiên không giấu được cảm xúc, em bật khóc, thế là các chú, các bác cũng đều khóc.
Sinh năm 1988, quê ở xã Lăng Quán (Yên Sơn), Nguyễn Thị Thìn theo học Trường cao đẳng văn hóa – nghệ thuật Việt Bắc. Tháng 10-2010, Thìn xin làm việc tại Ban quản lý khu Di tích lịch sử Tân Trào. Thìn cho biết thêm: Em luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm của các anh, chị đi trước để làm sao thuyết minh một cách sinh động, hấp dẫn nhất, tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Em cho rằng, ngoài kiến thức chuyên môn thì người thuyết minh cần phải linh hoạt, đan xen những câu chuyện cảm động về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Sau khi nghe Thìn thuyết minh về di tích lán Nà Lừa, ông Vi Văn Luyện, sinh năm 1922, ở thôn Đồng Lương, xã Đồng Lương (Cẩm Khê, Phú Thọ), không giấu nổi cảm xúc của mình: Tôi đã từng là bộ đội kháng chiến chống thực dân Pháp, là chiến sĩ Điện Biên Phủ, đã có hơn 60 năm tuổi Đảng, nhưng đây là lần đầu lên thăm khu Di tích lịch sử Tân Trào. Tôi tận mắt thấy các đồ vật được Bác dùng khi ở lán Nà Lừa, hiện trưng bày ở Bảo tàng Tân Trào, như: máy đánh chữ, mâm gỗ, âu đựng cơm, quả bầu khô đựng chè, hòn cuội dùng để chặn giấy, ấm pha trà… Tôi rất khâm phục về nghị lực vượt khó khăn, gian khổ, một lòng, một dạ vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng ở Tân Trào.
Dù đã nhiều lần đến khu Di tích lịch sử Tân Trào, nhưng mỗi lần đến, em Nguyễn Thị Linh, 19 tuổi, sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế tỉnh Thái Nguyên, quê ở xã Bình Yên (Định Hóa, Thái Nguyên), đều có cảm xúc mới. Linh tâm sự: Là thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, chúng em luôn biết ơn vô hạn trước công lao trời biển của Bác Hồ, của Đảng. Tự hào là người con vùng cách mạng ATK Định Hóa, em luôn kể với các bạn về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Chúng em thầm hứa với Bác phải say mê học tập, rèn luyện đạo đức góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Mỗi năm, khu Di tích lịch sử Tân Trào đón hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến thăm. Năm 2010, khu di tích đón 350 nghìn lượt khách đến tham quan, trong đó, có gần 40 nghìn lượt khách được thuyết minh. Từ đầu năm đến giữa tháng 5, khu di tích đón hơn 200 nghìn lượt khách. Sau khi đến thăm, du khách đều có ấn tượng tốt đẹp. Tự hào là người con của quê Bác, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (Nghệ An) Nguyễn Văn Bé hứa với Bác: 'Chúng con càng khâm phục và nguyện noi theo tấm gương đạo đức của Bác, phấn đấu xây dựng quê hương Nam Đàn ngày càng giàu mạnh, thỏa lòng mong mỏi của Bác'. Đồng chí Nguyễn Thị Khang, đoàn cán bộ Tỉnh ủy Bình Thuận xúc động: Tuyên Quang và Bình Thuận đã sớm kết nghĩa từ năm 1966. Hôm nay, về thăm Tân Trào, cảm xúc của chúng tôi càng trào dâng mạnh mẽ. Qua lời dẫn của thuyết minh viên Lưu Thị Hồng Nhung, dân tộc Tày, quê ở xã Tân Trào (Sơn Dương), chúng tôi không thể cầm nổi nước mắt và trái tim thổn thức, kính yêu Bác Hồ vô hạn. Chúng tôi thầm hứa với lòng mình phải tiếp tục nỗ lực sống và làm việc theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Đồng chí Lưu Thị Hồng Hải, Phó Giám đốc Ban quản lý khu Di tích lịch sử Tân Trào, cho biết: Hiện khu di tích có 18 cán bộ, nhân viên, trong đó có 13 thuyết minh viên, chủ yếu là người địa phương. Họ là những người say mê học hỏi, hiểu biết nhiều về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, tấm gương đạo đức, phong cách, nền nếp làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có năng khiếu diễn đạt truyền cảm đến người xem, người nghe, nhất là năng khiếu kể chuyện, đọc thơ, hát. Để cuốn hút du khách, các thuyết minh viên đều đan xen kể các câu chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cùng với việc giới thiệu lịch sử của các di tích. Từ khi có Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh', Huyện ủy Sơn Dương đã tổ chức cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Trong Ban quản lý khu Di tích lịch sử Tân Trào, hằng tháng, đều tổ chức hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cách làm rất thiết thực để cán bộ, nhân viên Ban quản lý khu di tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Khu Di tích lịch sử Tân Trào nằm trên địa phận 11 xã thuộc hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn, với 177 di tích gắn liền hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ thời kỳ tiền khởi nghĩa và trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Những địa danh đi vào lịch sư như: Nơi đầu tiên Bác Hồ về Tân Trào (đình Hồng Thái); nơi diễn ra Quốc dân Đại hội (đình Tân Trào); nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số I xuất quân tiến sang giải phóng Thái Nguyên và tiến về Hà Nội (cây đa Tân Trào); nơi Bác Hồ sống và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 (lán Nà Lừa)…
Ngày 5-12-2008, UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt quy hoạch tổng thể khu du lịch lịch sử – văn hóa và sinh thái Tân Trào đến năm 2020, nhằm phát triển du lịch bảo đảm tính bền vững, gắn kết chặt chẽ với việc phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; giữ gìn cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù; thực hiện xã hội hóa đầu tư du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong khu du lịch. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Việt Thanh, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo, xây dựng, phát huy giá trị khu Di tích lịch sử Tân Trào. Hầu hết các di tích quan trọng đã được tôn tạo. Thời gian tới, tỉnh cùng các bộ, ngành trung ương tập trung đầu tư xây dựng nhà tưởng niệm Bác Hồ, nhà đón tiếp khách, khu lâm viên, làng văn hóa các dân tộc để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình trở về với quê hương cách mạng.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()