Chuyện bên dòng sông Chùa
Ở nơi dòng sông Chùa, ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu, chảy về với biển, có một cơ sở sản xuất ẩn mình khiêm tốn dưới rặng cây xanh mát, nhưng nhiều sản phẩm làm ra từ đây đã được khách hàng nhiều nước Á, Âu, Mỹ,... đón nhận với sự hài lòng, thán phục...Bờ bắc dòng sông Chùa là địa phận thôn Hà Lãng thuộc xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), ở đây năm 2007, Công ty cổ phần cổ kim mỹ nghệ (TP Hồ Chí Minh) đã mở chi nhánh tại rẻo đất hoang sơ, cực nam tỉnh Bình Thuận với tên gọi ngồ ngộ "HODOTA". Ông Vương Đình Căn, Giám đốc chi nhánh giải thích: "HODOTA không phải là tiếng "Tây" đâu, thuần Việt đấy. HODOTA là viết tắt của hò dô ta đó mà". Chỉ nghe danh xưng ấy, nhiều người cũng đủ biết chủ nhân của nó là người mê và muốn làm điều gì đó để thỏa chí tang bồng với sông nước...Sinh ra và lớn lên bên dòng sông La huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), ông Vương Đình Căn vào TP Hồ...
Bờ bắc dòng sông Chùa là địa phận thôn Hà Lãng thuộc xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), ở đây năm 2007, Công ty cổ phần cổ kim mỹ nghệ (TP Hồ Chí Minh) đã mở chi nhánh tại rẻo đất hoang sơ, cực nam tỉnh Bình Thuận với tên gọi ngồ ngộ “HODOTA”. Ông Vương Đình Căn, Giám đốc chi nhánh giải thích: “HODOTA không phải là tiếng “Tây” đâu, thuần Việt đấy. HODOTA là viết tắt của hò dô ta đó mà”. Chỉ nghe danh xưng ấy, nhiều người cũng đủ biết chủ nhân của nó là người mê và muốn làm điều gì đó để thỏa chí tang bồng với sông nước…
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông La huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), ông Vương Đình Căn vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp từ năm 1989. Xuất thân trong gia đình theo đạo Thiên chúa gốc, từ năm 2001 đến 2005, ông từng là Thừa tác viên của giáo xứ Vườn Xoài (TP Hồ Chí Minh). Thế nhưng, khi đã gần 60 tuổi, niềm đam mê sông nước và những con tàu rẽ sóng vượt đại dương đã đưa ông tìm về với vùng đất Hàm Tân hoang sơ, hẻo lánh. Không được thỏa chí với những con tàu thực, ông dồn hết đam mê vào những con tàu… mô hình. Với đôi tay tài hoa, trước đó, ông đã “đóng” hàng nghìn chiếc tàu mô hình khác nhau, vừa để thỏa mãn niềm đam mê, vừa để bán cho những ai có nhu cầu trang trí nội thất. Không ngờ chuyện làm chơi nhưng có tiền thật của ông đã lọt vào “mắt xanh” của đối tác nước ngoài vốn rất am tường lĩnh vực này. Thế rồi, nhiều hãng đóng tàu và chủ tàu nổi tiếng trên thế giới đã tìm đến chi nhánh HODOTA đặt hàng sản xuất tàu mô hình (Modern Ship) đúng theo từng chi tiết với mẫu thiết kế của họ. Nhìn những chiếc tàu mô hình không ít hơn 300 chi tiết giống như tàu thật thu nhỏ, khó có ai không khỏi trầm trồ, thán phục. Hiện tại, giá xuất khẩu bình quân mỗi sản phẩm như thế khoảng 100 USD.
Tiếng lành đồn xa và cũng nhờ cơ duyên, ngoài việc sản xuất tàu mô hình, chi nhánh HODOTA đã được khách hàng nước ngoài đặt hàng sản xuất các loại thuyền thể thao tốc độ cao, thuyền buồm, Canoe, Kayak, ván lướt sóng (Surf Boat) nhiều kích cỡ. Theo đó, khách hàng yêu cầu đơn vị sản xuất theo bản vẽ của họ, giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thi công và 100% sản phẩm đều được xuất khẩu. Ông Căn cho biết, năm 2010, chi nhánh HODOTA đã xuất khẩu 1.018 sản phẩm các loại, trong đó có năm thuyền lớn trị giá khoảng 12.000 USD/sản phẩm và 40 thuyền vừa. Đến thời điểm cuối tháng 11-2011, sản lượng xuất khẩu và đơn đặt hàng của chi nhánh gần 5.800 sản phẩm các loại, trong đó có hai thuyền lớn, trị giá 15.000 USD/sản phẩm. Theo thông tin từ Công ty cổ phần cổ kim mỹ nghệ, các sản phẩm thuyền gỗ mỹ nghệ, Canoe, Kayak… của doanh nghiệp này đã xuất khẩu đến hơn 32 quốc gia và vùng lãnh thổ ở các châu: Mỹ, Âu, Á… Ông Vương Đình Căn tâm sự: Mặc dù quy mô của chi nhánh HODOTA còn khiêm tốn, nhưng bước đầu cũng đã tạo được kha khá việc làm, tạo thu nhập khá ổn định cho nhiều người dân địa phương. Ngoài một số thợ chính có tay nghề cao được tuyển từ các làng nghề nổi tiếng ở phía bắc vào, hơn 80% nhân công đang làm việc tại đây là người địa phương với thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng…
Bằng tình yêu sông nước mãnh liệt với điệu “hò dô ta” đã ăn sâu vào tâm thức, ông Căn chưa dừng lại ở đó. HODOTA đang triển khai dự án du lịch rộng 18 ha khu vực cửa sông Chùa với sản phẩm chính là phục vụ du khách ngao du trên sông, hồ và biển bằng các loại thuyền của đơn vị sản xuất. Đưa chúng tôi đi tham quan dự án đang thi công giai đoạn hai, ông Căn say sưa kể: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ đưa các loại thuyền thể thao của mình phục vụ tại những điểm du lịch nổi tiếng như Mũi Né, Nha Trang, Hạ Long và đó là cơ hội để chúng tôi mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm ở… trong nước”.
Không biết ai đã đặt tên cho rẻo đất cực nam Bình Thuận là Hà Lãng – dòng sông bị bỏ quên? Chúng tôi tin rằng, nếu biết khơi đúng nguồn mạch, thì không có một vùng đất nào mãi ngủ vùi trong hoang sơ, hẻo lánh. Vặn mình qua nhiều sườn dốc, cuối cùng, dòng nước sông Chùa cũng hòa vào biển lớn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()