Chuyến bay đầu tiên trên thế giới chỉ sử dụng nhiên liệu tổng hợp
Không quân Hoàng gia Anh (RAF) mới đây đã ghi danh vào cuốn sách Kỷ lục thế giới Guinness khi thực hiện chuyến bay đầu tiên chỉ sử dụng nhiên liệu tổng hợp, theo Defense News.
Cụ thể, cơ trưởng Peter Hackett của RAF đã hoàn thành chuyến bay ngắn bằng máy bay cỡ nhỏ Ikarus C42 tại sân bay Cotswold, ở hạt Gloucestershire, phía Tây Nam nước Anh.
Nhiên liệu được sử dụng là UL91, do Công ty Zero Petroleum có trụ sở tại London sản xuất bằng cách chiết xuất hydro từ nước và carbon từ CO2 trong khí quyển, kết hợp với các nguồn năng lượng tái tạo như gió hoặc mặt trời.
Cơ trưởng Peter Hackett thực hiện chuyến bay. Ảnh: Daily Mail |
Theo kỹ sư Paddy Lowe, người đồng sáng lập Zero Petroleum, UL91 không yêu cầu bất kỳ điều chỉnh nào đối với máy bay hoặc động cơ máy bay. “Các thông số đo đạc sau chuyến bay cho thấy, UL91 tạo ra hiệu suất chung cho máy bay tương đương với nhiên liệu hóa thạch tiêu chuẩn”, ông Lowe nhấn mạnh.
Sáng kiến này nằm trong chương trình hạn chế phát thải được biết đến với tên gọi Dự án Martin do RAF tài trợ một phần. Trong một tuyên bố được đưa ra, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, sản phẩm của Zero Petroleum có thể giúp giảm tới 80-90% lượng khí thải carbon ở mỗi chuyến bay và giúp lực lượng không quân nước này tiến tới sử dụng nhiên liệu tổng hợp cho các máy bay phản lực trong tương lai.
Quốc vụ khanh phụ trách công tác mua sắm quốc phòng của Vương quốc Anh Jeremy Quinn khẳng định, sự kiện trên thể hiện quyết tâm của quân đội nước này trong việc theo đuổi mục tiêu “số không ròng”-không làm tăng tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển Trái Đất-trong tương lai.
Được biết, RAF đang lên kế hoạch thiết lập căn cứ không quân đầu tiên có mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025, đồng thời thực hiện trung hòa carbon toàn lực lượng vào năm 2040.
Ý kiến ()