Chương trình “Thay lời tri ân”: Sâu lắng tình thầy trò
Đi tìm trò 2-3 giờ sáng
“Thay lời tri ân” là chương trình được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh những tấm gương thầy cô giáo nỗ lực vượt khó, hy sinh cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Chương trình năm nay đã kể lại những cuộc hành trình gian nan thầy đi tìm trò đầy xúc động và sâu lắng.
Câu chuyện của thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong, xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai về hành trình tìm trò gian nan được kể rất tự nhiên và hồn hậu như chính tấm lòng đôn hậu của những người thầy nơi đây.
Thầy Phạm Quốc Tuấn kể chuyện đi tìm trò lúc 2-3 giờ sáng
Đó là những chuyến hành trình bắt đầu vào nửa đêm hoặc 2-3 giờ sáng của 5-7 thầy cô giáo để đảm bảo rằng trò có ở nhà và nếu trò chạy trốn thì đã có đủ “lực lượng” thầy cô “bắt” được trò. Những con đường đất đỏ Tây Nguyên mùa mưa đèo dốc, trơn trượt chưa bao giờ làm khó được các thầy, bởi trong họ chỉ một nỗi niềm duy nhất là đưa được trò đến lớp, mang cho trò cái chữ để các em có được tương lai khác, ấm no và đủ đầy hơn.
Kiên trì đến từng nhà, dùng mọi biện pháp để vận động, không chỉ một lần mà nhiều lần, vận động được một thời gian trò lại tự ý bỏ học, hành trình bắt đầu lại nhưng các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong chưa bao giờ nản lòng.
Vất vả là vậy nhưng tìm trò, đưa được về trường mới chỉ là việc đầu tiên của các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong. Lo ăn, lo ở cho các em mới thực sự gian nan, đời sống khó khăn bố mẹ các em phó mặc con hoàn toàn cho nhà trường, vậy là các thầy cô lại trở thành những người cha người mẹ, chăm lo miếng cơm giấc ngủ.
Thầy Tuấn chia sẻ, lúc các em khỏe mạnh không sao, lúc đau ốm, các thầy cô lại đôn đáo thuốc men, có những em bệnh nặng, giáo viên phải bỏ dạy đưa các em đến viện, túc trực để chăm sóc.
Nhưng với thầy Tuấn và tất cả các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong thì khổ cực bao nhiêu, thiệt thòi bao nhiêu cũng chịu được, miễn các em chuyên cần đến lớp để học chữ, đừng bỏ học là hạnh phúc rồi.
Mong mỏi của thầy Tuấn là các em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng khó khăn sẽ được tạo điều kiện hơn nữa để học tập và phát triển.
“Ở được với thầy một ngày, thầy sẽ nuôi em luôn”
Cả không gian của chương trình “Thay lời tri ân” đã lặng đi khi “cậu bé tí hon” Đinh Văn K'Rể, người dân tộc Hơ rê, học sinh Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi xuất hiện trên sân khấu cùng người thầy, người cha thứ hai của mình, thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự cảm phục, sự ghi nhận với thầy giáo Đặng Văn Cương và các thầy cô giáo trên mọi miền tổ quốc
Thầy Cương xúc động kể lại kỷ niệm về lần đầu tiên gặp gỡ cậu học trò đặc biệt nhất cuộc đời làm thầy của mình, đó là khi Đinh Văn K'Rể 4 tuổi được đặt nằm trong cái túi vải đi chợ của mẹ, thân hình bé nhỏ, ánh mắt sáng, cử chỉ linh hoạt của em đã níu thầy để thầy gửi lại lời hẹn gia đình em “khi nào đến tuổi đi học, thầy sẽ đón em xuống ở cùng thầy một ngày, nếu qua được một ngày đó mà em chịu, thầy sẽ nuôi luôn”.
Và thầy đã thực hiện đúng lời hứa, đón K'Rể về ở cùng thầy trong căn phòng công vụ ngay tại trường, tự tay chăm sóc em, cùng em vượt qua những ngày khó khăn đi bệnh viện để tìm ra căn nguyên căn bệnh của em, cùng trải qua những ngày tháng được học tập, vui chơi, hòa nhập của em.
Giờ thì Đinh Văn K'Rể đã là cậu học trò 9 tuổi với chiều cao 58 cm và cân nặng 3,9 kg. Em đã có thể viết được chữ O, số 1, em cũng đã dạn dĩ hơn rất nhiều, có thể nói được từ “ạ” và biết tự làm một số việc cá nhân. Đặc biệt em có thể quan sát, lắng nghe và hiểu hết những vấn đề xung quanh mình. Việc em đến tham dự chương trình rất đông người như thế này theo thầy Đặng Văn Cương đã là một việc mà cách đây một năm thầy không bao giờ dám nghĩ tới.
Để có một Đinh Văn K'Rể như hôm nay là hành trình gian nan nhưng đầy tình yêu thương của thầy Đặng Văn Cương. Thầy tâm sự, không chỉ thầy mà cả vợ thầy, các con thầy đều yêu thương Đinh Văn K'Rể, em đã thực sự trở thành một thành viên trong gia đình, một phần máu thịt của thầy.
Dù trong hoàn cảnh nào cũng mong thầy cô giữ trọn tâm huyết
Phát biểu trong chương trình “Thay lời tri ân” năm 2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi tới các cô giáo, thầy giáo, cán bộ quản lý và nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự cảm phục với các cô giáo, thầy giáo miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không quản ngại khó khăn, hy sinh cho sự nghiệp “trồng người”. Đồng thời ghi nhận những tấm gương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới trong giảng dạy và quản lý.
Theo Bộ trưởng, đây chính là những nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29, đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận gần hơn với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Cho rằng các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành chính là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà, Bộ trưởng mong muốn, mỗi cô giáo, thầy giáo, mỗi cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành sẽ thấm nhuần nhiệm vụ đổi mới, nhân lên tinh thần đổi mới để trước mắt sẽ hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm năm học 2017-2018 là chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và đẩy mạnh tự chủ đại học.
“Tôi mong rằng dù trong hoàn cảnh nào, các cô giáo, thầy giáo cũng luôn giữ trọn tâm huyết, đam mê với nghề, là tấm gương về trí tuệ, đạo đức cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo” – Bộ trưởng gửi gắm.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tặng Bằng khen cho 168 thầy, cô giáo tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người./.
Ý kiến ()