Chương trình, SGK mới sẽ làm thay đổi hoàn toàn quá trình dạy và học
Cùng với đổi mới giáo dục, chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được thiết kế và xây dựng dựa trên nguyên lý tích hợp và phân hóa một cách bài bản. Tích hợp sẽ được áp dụng như thế nào cho đổi mới quá trình dạy – học và liệu có mang lại những điều như kỳ vọng?
Tích hợp là gì?
Giải thích về tích hợp, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết đây không đơn giản là kết hợp các bộ môn lại với nhau. Tích hợp nghĩa là phải dạy cho người ta biết vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách tổng hợp để giải quyết những vấn đề trong học tập và cuộc sống. Với quan điểm, không vấn đề nào là không cần kiến thức tổng hợp, việc dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa tích hợp sẽ làm tăng khả năng vận dụng kiến thức của người học.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, cùng với quá trình tích hợp là phân hóa. Phân hóa là phải dạy học sao cho phù hợp với từng người, từng nhóm khác nhau. Mỗi người có năng lực riêng phù hợp với sở thích riêng, điều kiện riêng. Hai khái niệm tích hợp và phân hóa tưởng như mâu thuẫn nhưng lại thống nhất với nhau và cần đảm bảo ở tất cả các cấp học. Nhưng ở cấp học dưới thì tính tích hợp nó nổi lên hơn, còn ở cấp học trên tính phân hóa nổi lên hơn. Vì giống như nhận thức của con người, ở cấp học dưới nhận thức một cách tổng quát và chưa có điều kiện đi sâu, nhưng càng về sau, khi càng nhận thức nhiều thì người ta bắt đầu đi sâu, thì phân hóa. Càng đi sâu thì càng cần những tích hợp nhỏ, chính vì thế có những khoa học liên môn: lý – hóa, lý – sinh…
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh: Lê Hà
Trong giáo dục phổ thông tính tích hợp ở cấp dưới nhiều hơn còn ở cấp trên là phân hóa. Trước đây khi các bộ môn riêng rẽ,thì khả năng vận dụng kiến thức khác nhau: giáo viên dạy hóa thì rõ ràng ít vận dụng kiến thức sinh học, nên bây giờ dồn vào với nhau để các kiến thức hỗ trợ nhau. Điểm lợi là sẽ ít môn học, kiến thức tránh sự lặp đi lặp lại, chồng chéo nhau và kiến thức này hỗ trợ kiến thức kia…
Nội dung chương trình, những kiến thức liên quan đến nhau sẽ được xếp gần nhau để hỗ trợ việc nghiên cứu, học tập, vận dụng có tính hệ thống, biện chứng. Một trong những cách làm hiện nay là có thể ghép nhiều môn học thành một môn học.
Mặt khác, những học sinh (hay những nhóm học sinh) khác nhau sẽ có năng lực riêng, sở thích riêng, điều kiện riêng. Để phù hợp riêng, cần phải dạy học phân hóa. Khoa học càng phát triển cao, càng tiếp cận ngành nghề chuyên sâu thì càng đòi hỏi việc dạy học phân hoá. Về thiết kế nội dung dạy học, điều đó đòi hỏi phải có những môn học hay những chuyên đề học tập khác nhau cho học sinh tự chọn.
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau 2015 theo hướng tích hợp
Bàn về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các chuyên gia giáo dục đều cho rằng chương trình và sách giáo khoa hiện nay cần được xây dựng theo hướng phát triển năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp. Hiện nay, chương trình học chưa được thiết kế tích hợp một cách khoa học để tăng tính hiệu quả của hoạt động truyền thụ kiến thức, cũng đồng thời chưa đạt được mức phân hóa đáp ứng yêu cầu phát huy năng lực, sở trường của học sinh và cho hoạt động hướng nghiệp đảm bảo cơ cấu nhân lực cho xã hội.
Nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được thông qua tại hội nghị TƯ8 Khóa XI, đề ra mục tiêu Đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Trong đó, nội dung giáo dục nghề nghiệp được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học.
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết khi đã xác định được mục tiêu chung của giáo dục là phát triển con người một cách toàn diện thì cần phải áp dụng nguyên lý tích hợp trong dạy học. Theo ông: “ Chương trình cần quan tâm hơn đến những nội dung dạy học gắn với cuộc sống, phải tạo điều kiện, phải yêu cầu, phải kiểm tra đánh giá kết quả học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề gặp phải trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày. Bất kì một vấn đề gì của cuộc sống khi giải quyết cũng cần huy động tổng hợp đồng thời nhiều kiến thức khác nhau, do đó cần phải quán triệt phương châm dạy học tích hợp.”
Theo tiến trình đề ra, việc xây dựng chương trình và SGK sau năm 2015 sẽ hướng đến việc hình thành năng lực cho người học thay vì tập trung vào nội dung kiến thức như hiện nay với quan điểm chủ đạo là dạy học theo nguyên lý tích hợp. GS.TS Đinh Quang Báo – Thường trực ban chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau 2015 cho biết dạy học tích hợp đã trở thành nguyên lý cơ bản của giáo dục hiện đại.
Trước đó, tại Hội nghị “Tham vấn chuyên gia về chương trình, sách giáo khoa phổ thông” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia đã bàn luận quan điểm về dạy học phân hóa và dạy học tích hợp, phương thức dạy học phân hóa đối với giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới và phương án tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Nói về ưu điểm của đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo hướng tích hợp, các chuyên gia cho rằng có thể hình dung sẽ có những chuẩn về phẩm chất, nhân cách học sinh. Từ những chuẩn này, người viết sách giáo khoa, người dạy, người học sẽ tập trung vào đó để giáo dục, đánh giá. Nội dung đào tạo sẽ chỉ mang tính nguyên liệu để tạo ra các phẩm chất cần có, vì thế, có thể có nhiều bộ sách giáo khoa. Và cùng với việc thiết kế chương trình theo năng lực học sinh, các giáo viên trên lớp có thể phát huy sáng tạo tối đa.
Trước tiên, có thể thấy cách làm chương trình tích hợp có thể sẽ ít môn học hơn vì những kiến thức liên quan có thể xếp gần nhau. Tuy nhiên, đó chỉ là nhìn đơn thuần về mặt chương trình,còn bản chất của tích hợp vẫn phải là làm cho người học vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề. Với những tồn tại của hệ thống giáo dục, chương trình, sách giáo khoa như hiện nay, tích hợp sẽ được áp dụng như thế nào và liệu có mang lại những điều như kỳ vọng?
Có tự tin khi tích hợp?
Vấn đề đặt ra khi đổi mới chương trình theo hướng tích hợp và phân hóa là đội ngũ giáo viên hiện nay sẽ gặp khó khăn nhất định khi phải dạy môn học có tính tích hợp cao và cả khi phải dạy các chuyên đề phân hoá sâu. Giáo viên đang dạy từng môn riêng bây giờ bắt ghép vào môn chung, việc điều hành của nhà trường cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ngoài ra, với nhiều môn có tính tổng hợp cũng sẽ đặt ra những khó khăn cho người viết chương trình. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT tự tin sẽ khắc phục được vấn đề về giáo viên.
“Giáo viên sẽ phải đào tạo, bồi dưỡng lại. Nhưng nói thật, chủ yếu về mặt động cơ thôi, chứ giáo viên có khả năng làm. Tại sao lại không dạy được khi trước đây các kiến thức phổ thông đã học đủ rồi. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói – “Giáo viên trước đây dạy môn tự nhiên của cấp hai THCS là gồm các môn toán, lý, hóa hay giáo viên dạy văn, sử, địa. Về trình độ thì họ chỉ học hết có 10 cộng ba.”
Thực tế, đã có lúc các môn học được phân riêng rẽ, nhưng gần đây do nhu cầu từng địa phương khó sắp xếp giáo viên nên vẫn sắp xếp giáo viên dạy liên môn: giáo viên văn – sử, giáo viên sử – công dân, giáo viên toán – lý, hóa – sinh…
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thực tế, thế giới đã có cách làm tích hợp với các mức độ khác nhau. Ví dụ, chương trình của Úc tích hợp xuyên suốt từ dưới lên trên. Còn tại Hàn Quốc, có những môn ở THCS có phần kiến thức về sinh, hóa, lý, khoa học về trái đất riêng thì người ta bố trí giáo viên dạy riêng. Nhưng có những phần chung thì người ta sẽ phân công giáo viên anh nào dạy cái gì. Đó là cách tích hợp chưa sâu.
Nói về lộ trình, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết:“Trước hết chúng ta sẽ phải viết sách theo tích hợp nông, rồi sau này khi giáo viên năng lực hơn, kể cả người viết sách có điều kiện hơn thì mình sẽ hướng tới làm tốt hơn.”
Thừa nhận tích hợp là phổ biến trên thế giới nhưng cũng có những ý kiến cho rằng cần xem xét tùy theo tình hình thực tế giáo dục nước nhà. Trước những ý kiến băn khoăn khi vận dụng những kinh nghiệm của nước ngoài cần phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Chúng ta đã lường trước những khó khăn này để có thể chủ động giải quyết, bảo đảm từng bước có kết quả tốt hơn.” Ông đã bày tỏ quyết tâm đổi mới một cách mạnh mẽ và đầy hình ảnh: “Có người bảo: bình mới rượu cũ. Nhất định là rượu mới nhưng ngon chưa thì vẫn chưa ngon. Nhưng có làm thì sau này mới ngon được chứ không làm thì sau này càng không thể có rượu ngon.”
Ý kiến ()