Chương trình, SGK lớp 1 mới nặng: Nhà quản lý nói gì?
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1. Trước những ý kiến trái chiều của phụ huynh, giáo viên sau một tháng tổ chức dạy và học chương trình mới, đại diện Bộ GD&ĐT đã có nhiều lý giải.
Tiểu học là bậc học đầu tiên của một đời người nên nội dung chương trình, sách giáo khoa (SGK) lớp 1 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng tri thức và hình thành phẩm cách con người từ tuổi ấu thơ.
Với ý nghĩa là “giáo khoa”, nội dung chương trình, sách tiểu học đòi hỏi phải “chuẩn” không chỉ kiến thức, tri thức, mà còn cho cả thời lượng học, phù hợp mục tiêu bậc tiểu học.
Thực tiễn triển khai nội dung chương trình, SGK tiểu học qua các cuộc cải cách giáo dục cho thấy từ chủ trương cho đến thiết kế nội dung, chương trình, SGK tiểu học luôn đòi hỏi có sự điều chỉnh mới phù hợp thực tiễn giáo dục các vùng, miền từ đô thị đến miền núi, vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn và đặc biệt phù hợp tâm sinh lý trẻ em tiểu học.
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 1. Nhận định chung về 5 bộ SGK lớp 1 mới, một số giáo viên cho rằng, cả 5 bộ SGK đều có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ đẹp, rõ ràng. Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học dễ tạo hứng thú cho học sinh. Các bài giảng được thiết kế gắn với khám phá, hoạt động, trò chơi và vận dụng trong thực tiễn, đạt được mục tiêu của chương trình dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Tuy vậy, sau một tháng tổ chức dạy và học theo chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, bên cạnh những ưu điểm của các bộ sách, những ngày qua, nhiều phụ huynh đã chia sẻ trên các diễn đàn cho rằng chương trình lớp 1 năm nay nặng với trẻ, các con phải tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng vất vả trong việc dạy học.
Theo đó, khuyết điểm chung của một số bộ sách là lượng kiến thức đưa vào các bài học có phần nặng với năng lực của học sinh lớp 1, nhất là sách Tiếng Việt. Ngay từ tuần thứ nhất, học sinh lớp 1 đã học về thanh điệu, ghép vần. Các kiến thức khó như chữ in hoa, chữ nhỏ, kỹ năng đọc và đọc hiểu cũng được giới thiệu rất sớm, ngay trong nửa đầu học kỳ I.
Bài tập đọc trong một số SGK Tiếng Việt có nội dung khá dài. Phần viết cũng có ngữ liệu là những đoạn văn, chính tả khá dài, trong khi học sinh lớp 1 đang học âm, vần và đọc tiếng, từ, câu ngắn nên chưa thật sự phù hợp.
Đối với sách Toán, dù cách thức trình bày hiện đại, nhiều phần kiến thức đã được giảm tải phù hợp với học sinh nhưng vẫn còn nhiều bài toán “mẹo” tương đối khó so với học sinh lớp 1.
Các phụ huynh cũng băn khoăn khi thấy số lượng SGK các bé phải sử dụng nhiều hơn so với mọi năm. Nếu như bộ SGK cũ chỉ có 6 quyển thì năm nay có từ 9-10 quyển. Chưa kể còn có thêm sách bổ trợ cho các môn học.
Trước những ý kiến của phụ huynh, giáo viên, TS. Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ SGK đã được thẩm định bởi hội đồng quốc gia với những quy định chặt chẽ. Ví dụ môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ một phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao. Để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết.
Theo ông Tài, các sách giáo khoa Tiếng Việt đã được thẩm định cũng dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra để thiết kế cho phù hợp. Trong chương trình của khối 1 có 9 môn học thì chương trình quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học đó.
So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn.
“Dù lượng kiến thức đã được tinh giản hơn so với chương trình hiện hành, song thời lượng được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết khiến tần suất học số tiết Tiếng Việt trong một tuần của học sinh tăng so với trước đây nên phụ huynh dễ tưởng rằng chương trình nặng”, ông Tài lý giải.
“Nếu phụ huynh có con học lớp 1 năm ngoái rồi năm nay lại có con học lớp 1 sẽ dễ có tâm lý so sánh, từ đó đánh giá chương trình nặng, nhưng thực tế không phải vậy. Các chuyên gia giáo dục đã nghiên cứu, cố gắng bố trí để các em đọc thông viết thạo sớm rồi học các môn khác ở giai đoạn sau. Ví dụ với môn Toán, chương trình mới chỉ xếp 70 tiết ở lớp 1 và sẽ được sắp xếp học nhiều ở giai đoạn sau hơn”, TS. Thái Văn Tài cho biết.
Vụ trưởng Vụ Tiểu học khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện, vấn đề phát sinh, khi có đầy đủ căn cứ khoa học, qua các giai đoạn, đánh giá nhiều mặt, chương trình sẽ được điều chỉnh kịp thời.
Được biết, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành nhiều văn bản khẳng định quyền tự chủ chuyên môn của giáo viên. Vì vậy, vai trò của người giáo viên càng quan trọng, cần linh hoạt xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện, làm sao để học sinh đạt được chuẩn đầu ra.
Ý kiến ()