Chương trình nước sạch nông thôn: Dấu ấn năm 2014
LSO - Năm 2014, cho vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là một trong ba chương trình mà Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tập trung tuyên truyền, giải ngân. Nguồn vốn tăng trưởng cao, người dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Từ đó, góp phần quan trọng cải thiện chất lượng nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, từng bước hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Người dân xã Tân Liên, huyện Cao Lộc sử dụng vốn vay xây bể chứa nước
Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2006. Trong những năm qua, nhiều công trình bể chứa, giếng nước được xây dựng từ chương trình này. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vay vốn xây dựng các công trình nước sạch, nhà vệ sinh ở nông thôn còn nhiều. Hơn nữa, trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, cho vay nước sạch là một chương trình có vai trò quan trọng, trực tiếp góp phần vào hoàn thành tiêu chí môi trường. Do vậy, trong hai năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đẩy mạnh chương trình cho vay vốn nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ngay từ cuối năm 2013, đơn vị đã phối hợp rà soát nhu cầu vay vốn và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của chương trình.
Trên cơ sở kiểm tra, rà soát, đơn vị đã trình xin trung ương cấp bổ sung nguồn vốn cho vay. Năm 2014, tỉnh được bổ sung 2 đợt vốn, tổng số vốn nước sạch được cấp bổ sung 41 tỷ đồng. Để giải ngân kịp thời, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chỉ đạo các phòng giao dịch huyện tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn để tuyên truyền về chương trình vốn. Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến tại các buổi giao dịch, cán bộ tín dụng các phòng giao dịch đã chủ động phối hợp tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp của các đoàn thể và họp thôn, bản.
Mặt khác, các tổ chức hội cũng thực hiện tuyên truyền chương trình vốn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Nội dung tuyên truyền tập trung nêu ý nghĩa của chương trình vốn, đối tượng, thời hạn, lãi suất vay… Trong đó, phổ biến rõ mức lãi suất vay chương trình nước sạch năm 2014 giảm từ 0,9%/tháng xuống 0,8%/tháng, mức vay tăng từ 8 triệu đồng lên 12 triệu đồng/2 công trình. Từ sự quan tâm, phối hợp của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh với cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn và các tổ chức hội, đoàn thể, chương trình vốn nước sạch đã được tuyên truyền sâu rộng, cụ thể.
Người dân hiểu rõ chương trình vốn, được hướng dẫn tận tình về hồ sơ vay vốn nên đã chủ động làm thủ tục vay thông qua các tổ chức hội, đoàn thể. Để giải ngân kịp thời, trong tất cả các ngày giao dịch, các phòng giao dịch đều tạo điều kiện giải ngân các hồ sơ vay vốn cho người dân. Đến nay, chương trình đã hoàn thành trên 98% kế hoạch với tổng dư nợ hiện đạt 120 tỷ đồng, tăng 40,2 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2014, đạt mức tăng trưởng lớn nhất từ trước tới nay. Toàn tỉnh hiện có hơn 13 nghìn hộ dân sử dụng nguồn vốn này xây dựng các công trình nước sạch, môi trường gồm: xây giếng, bể chứa nước, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, lắp đường ống dẫn nước, mua téc nước với tổng số công trình được đầu tư hơn 24 nghìn công trình.
Qua khảo sát, kiểm tra vừa qua, các công trình đều phát huy tác dụng, góp phần cải thiện tình hình sử dụng nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, điều kiện chăn nuôi ở các hộ gia đình nông thôn. Ông Hoàng Văn Kỳ, thôn An Rinh I, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chưa có bể chứa nước nên phải bơm nước 4-5 lần/tháng từ giếng làng về nhà, rất tốn kém và mất công sức, thời gian. Từ khi được tạo điều kiện vay vốn, gia đình tôi xây được bể chứa nước có thể tích hơn 5 m3, đảm bảo cho sinh hoạt cả tháng, nên gia đình ổn định đời sống và yên tâm lao động sản xuất hơn.
Từ nguồn vốn, gia đình còn xây được nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường nông thôn”. Để phát huy hơn nữa hiệu quả chương trình vốn ưu đãi nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, năm 2015, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh tiếp tục rà soát, kiểm tra nguồn vốn đã sử dụng và xem xét nhu cầu vay mới. Từ đó, đảm bảo nguồn vốn cho người dân vay có hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, đẹp, nâng cao điều kiện sống, đảm bảo sức khỏe của người dân.
Bài, ảnh: Lâm Như
Ý kiến ()