Chương trình nghệ thuật "Huyền thoại con đường tiền tệ"
Tối 17-4, tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Huyền thoại con đường tiền tệ".
■ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến
Các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước; Trương Vĩnh Trọng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí lãnh đạo ngân hàng qua các thời kỳ cùng dự.
Tại chương trình, các đại biểu cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng của ngành ngân hàng qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, đồng thời thưởng thức những tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương, đất nước…
Phát biểu ý kiến tại chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sáng kiến tổ chức chương trình của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND thành phố Hồ Chí Minh nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành ngân hàng, tôn vinh những tập thể, cá nhân đã có những đóng góp to lớn cùng ngành ngân hàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Sau thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong muôn vàn khó khăn thử thách. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính quyền Cách mạng là phải xây dựng nền tài chính tiền tệ độc lập, tự chủ để góp phần vào công cuộc bảo vệ và kiến quốc. Trên cơ sở chủ trương, chính sách mới về tài chính, kinh tế của đại hội toàn quốc lần thứ hai (1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam. Ngay khi ra đời, trong giai đoạn đầu, Ngân hàng quốc gia Việt Nam được giao nhiệm vụ quan trọng là phát hành giấy bạc ngân hàng, thu hồi giấy bạc tài chính, thực hiện quản lý kho bạc nhà nước, góp phần thống nhất quản lý thu chi ngân sách, thực hiện tín dụng phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường năng lực kinh tế quốc doanh và đấu tranh với địch trên mặt trận tiền tệ. Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ cơ bản của ngành ngân hàng là củng cố và phát triển thị trường tiền tệ, bình ổn vật giá, khôi phục kinh tế trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền bắc, phát triển tín dụng phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh khôi phục và phát triển nông, công, thương nghiệp góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng nền kinh tế – xã hội chủ nghĩa ở miền bắc và đấu tranh giải phóng miền nam. Để phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị, T.Ư Đảng giao nhiệm vụ đặc biệt cho ngành ngân hàng là nhận và vận chuyển tiền tệ của hậu phương miền bắc và viện trợ quốc tế để chi viện cho chiến trường miền nam. Đây là nhiệm vụ bí mật, đặc biệt, nguy hiểm nhưng rất vẻ vang. Theo quyết định của Bộ Chính trị, ngành ngân hàng đã thành lập các tổ chức đặc biệt, như Quỹ ngoại tệ đặc biệt, Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục miền Nam,… Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, có lúc phải trực tiếp tham gia chiến đấu, các tổ chức đặc biệt này luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để chi viện hiệu quả cho chiến trường miền nam. Qua các thời kỳ, nhiều thế hệ các cán bộ ngân hàng đã nêu cao phẩm chất cách mạng, vượt mọi khó khăn trở ngại, bảo đảm yêu cầu cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và đấu tranh giải phóng miền nam.
Nhiều cán bộ ngân hàng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, góp phần vào chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Những chiến công thầm lặng của ngành ngân hàng đã góp công quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng đất nước, được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Sau chiến tranh, ngành ngân hàng đã khắc phục những hạn chế, yếu kém, khẩn trương thành lập hệ thống ngân hàng và thống nhất tiền tệ trong cả nước, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, hệ thống ngân hàng không ngừng đổi mới về cơ chế, chính sách và đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Đặc biệt, đã đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu, những cống hiến của ngành ngân hàng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()