Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn: Góp phần cải thiện sinh hoạt cho người dân nông thôn
– Xác định nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân, những năm qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn nhằm từng bước cải thiện điều kiện sinh hoạt, vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho dân cư nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đưa nước sạch về nông thôn
Những ngày cuối tháng 4/2023, chúng tôi có dịp cùng cán bộ xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia đến thăm công trình nước sạch tại thôn Pác Khuông. Ông Hoàng Văn Tùng, người dân trong thôn phấn khởi: Trước đây, gia đình tôi thường sử dụng nước giếng khoan, mỗi khi trời mưa nước rất đục và có mùi hôi tanh, không đảm bảo vệ sinh. Nhiều hộ dân trong thôn không có điều kiện khoan giếng còn phải lấy nước từ khe suối về để sử dụng. Năm 2020, được Nhà nước đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung từ Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, đến nay, nước được dẫn tới tận nhà, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho sức khỏe cả gia đình. Người dân trong thôn ai cũng phấn khởi và luôn nhắc nhở nhau bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước để sử dụng lâu dài.
Người dân thôn Hợp Nhất, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Không chỉ người dân thôn Pác Khuông, những năm qua, hàng trăm hộ dân trên địa bàn huyện Bình Gia đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bà Hoàng Thị Anh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bình Gia cho biết: Bình Gia là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, sửa chữa 3 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn từ Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn. Để đảm bảo các công trình được duy trì và phát huy hiệu quả, huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng các công trình cấp nước. Các công trình sau khi được nghiệm thu sẽ bàn giao cho UBND xã, UBND xã có trách nhiệm thành lập tổ tự quản ở các thôn để theo dõi, quản lý và bảo vệ các công trình. Để nguồn nước đảm bảo vệ sinh, huyện đã tổ chức lấy mẫu nước xét nghiệm, kịp thời phát hiện công trình có nguồn nước bị ô nhiễm để có giải pháp xử lý phù hợp. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn huyện đạt khoảng 97%.
Không chỉ huyện Bình Gia, những năm qua, công trình cấp nước sinh hoạt tại các huyện, thành phố đều đã và đang phát huy hiệu quả, từng bước đưa nước sạch đến với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2022, thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn của Ngân hàng Thế giới, Sở NN&PTNT đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa được 23 công trình với tổng kinh phí trên 160 tỷ đồng, hơn 13.000 hộ được hưởng lợi, tương đương khoảng trên 53.300 người sử dụng. Riêng trong năm 2023, Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) đầu tư nâng cấp 3 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Hiện nay, trung tâm đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình gửi Sở Xây dựng, dự kiến đến tháng 6/2023 các công trình bắt đầu khởi công.
Nỗ lực bảo vệ nguồn nước sạch
Ông Nguyễn Quang Huynh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường như: vận động Nhân dân thực hiện công tác vệ sinh, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn… Hằng năm, trung tâm phối hợp tổ chức từ 15 đến 20 lớp tập huấn và cấp phát tài liệu về cách vận hành, bảo dưỡng các loại hình cấp nước nông thôn; các mô hình quản lý công trình cấp nước hiệu quả; hướng dẫn cập nhật bộ chỉ số và chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng nông thôn mới; kỹ năng truyền thông các vấn đề về nước sạch và VSMT nông thôn…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, để nguồn nước đảm bảo vệ sinh, trung tâm đã tổ chức lấy mẫu nước xét nghiệm và cấp phép cho các nguồn nước tại địa phương đảm bảo vệ sinh để khai thác, sử dụng; kịp thời phát hiện công trình có nguồn nước bị ô nhiễm để có giải pháp xử lý phù hợp. Từ năm 2020 đến nay, trung tâm đã tổ chức lấy trên 1.200 mẫu xét nghiệm đánh giá chất lượng nước.
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục chỉ đạo sát sao Trung tâm Nước sạch &VSMTNT, các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về nước sạch và VSMTNT; tăng cường quản lý chất lượng nước, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước. Đồng thời, sở cũng chỉ đạo trung tâm tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ giải ngân, thi công xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt thuộc Chương trình Mở rộng quy mô nước sạch vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
Từ sự quan tâm của Nhà nước và sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, thời gian qua, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao. Đến nay, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đạt 97,2%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 58,9% (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế). Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương, nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngày 16/2/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Với mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu 60% dân số nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu từ 40 – 60 lít/người/ngày đêm; bảo đảm cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán… |
Ý kiến ()