Chương trình “Mẹ đỡ đầu”: Trao yêu thương cho trẻ mồ côi
– Sau 2 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu, hỗ trợ trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện.
Hội LHPN phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn trao kinh phí chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho trẻ mồ côi trên địa bàn
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động từ cuối năm 2021. Để triển khai chương trình, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, định hướng các cấp hội nội dung, cách thức triển khai. Bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, những người “Mẹ đỡ đầu” đã dang rộng vòng tay yêu thương, trở thành điểm tựa để trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt có thêm nghị lực, vững bước trên con đường phía trước.
Gần 700 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu
Dịch COVID-19 đã để lại mất mát, đau thương cho nhiều gia đình, trong đó có gia đình bà Khằm Thị Dì, thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. Năm 2021, con gái của bà đã mất vì dịch COVID-19, để lại hai cháu là cháu Lương Phương Uyên (sinh năm 2010), Lương Gia Huy (sinh năm 2015). Hiện hai cháu ở cùng bố và bà ngoại. Trước hoàn cảnh của hai cháu, từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 12 triệu đồng/năm cho cả hai chị em, thời gian hỗ trợ đến năm 2028. Bà Dì cho biết: Hai cháu mất mẹ nên có nhiều thiệt thòi. Gia đình rất xúc động và cảm ơn tình cảm của các đơn vị. Số tiền hỗ trợ giúp chúng tôi bớt khó khăn, chăm sóc các cháu tốt hơn, để các cháu được ăn học đầy đủ, khôn lớn trưởng thành.
Em La Thị Bảo Trâm, sinh năm 2013, học sinh Trường Tiểu học xã Hải Yến, huyện Cao Lộc mồ côi bố từ nhỏ, mẹ bỏ đi, em ở với ông bà nội già yếu và không có thu nhập ổn định. Từ cuối năm 2021 đến nay, em được Hội LHPN xã nhận đỡ đầu với mức hỗ trợ 200 nghìn đồng/tháng. Khoản hỗ trợ này đã giúp em phần nào vượt qua khó khăn trong sinh hoạt và học tập. Em Trâm cho biết: Cùng với số tiền nhận được hằng tháng, em còn được các bác, các cô ở Hội LHPN xã thường xuyên động viên, chỉ bảo em những điều hay, lẽ phải, tiếp thêm động lực cho em. Em sẽ cố gắng chăm chỉ học tập tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi, có ích cho xã hội.
Từ cuối năm 2021 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã nỗ lực kết nối, kêu gọi các tấm lòng hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận đỡ đầu 667 trẻ, trong đó có 14 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch COVID-19, còn lại là trẻ mồ côi khó khăn do nguyên nhân khác và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn |
Trên đây chỉ là 3 trong rất nhiều trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh được các cấp hội phụ nữ nhận đỡ đầu. Từ cuối năm 2021 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã nỗ lực kết nối, kêu gọi các tấm lòng hảo tâm, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận đỡ đầu 667 trẻ, trong đó có 14 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do dịch COVID-19, còn lại là trẻ mồ côi khó khăn do nguyên nhân khác và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bà Vũ Thị Huyền Trang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội về nội dung, cách thức triển khai chương trình, đồng thời chỉ đạo tập trung tuyên truyền đến toàn thể hội viên và các tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa của chương trình. Trong đó Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo hội LHPN các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc thực hiện ít nhất 1 mô hình, khuyến khích cấp cơ sở nhận đỡ đầu trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình đã mang yêu thương đến với trẻ mồ côi, để các cháu vượt qua khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống, giúp các cháu có tương lai tươi sáng hơn. Qua đó, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”.
Hỗ trợ thiết thực, lan tỏa sâu rộng
Sau 2 năm triển khai thực hiện, chương trình đã tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, hội viên. Với nhiều hình thức đỡ đầu đa dạng thiết thực, linh hoạt, ý nghĩa từ vật chất cũng như tinh thần, các “Mẹ đỡ đầu” đã và đang mang tình yêu thương của người mẹ đến với trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, các cấp hội phụ nữ đã huy động nguồn lực từ cán bộ, hội viên, các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận đỡ đầu trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, khó khăn hoặc nhận đỡ đầu gián tiếp, hỗ trợ sinh hoạt phí, chi phí học tập, các nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ tiền hằng tháng, quý; tặng sổ tiết kiệm, trao học bổng, thẻ bảo hiểm y tế; tặng quà dịp lễ, tết… Tùy điều kiện thực tế, thời gian hỗ trợ linh hoạt từ 6 tháng đến 5 năm hoặc đến khi trẻ mồ côi đủ 18 tuổi.
Từ cuối năm 2021 đến nay, chương trình đã hỗ trợ trên 2,4 tỷ đồng và trao hơn 14.500 suất quà cho trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, các cấp hội thường xuyên thăm hỏi, quan tâm đời sống tinh thần, việc học tập, hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ mồ côi. Điển hình một số hội LHPN cấp huyện phối hợp với các đơn vị hỗ trợ gạo ăn hằng tháng, mua máy vi tính để bàn, hỗ trợ gói cước sử dụng mạng Internet cho trẻ học tập thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Trong 2 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN tỉnh đã thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hoạt động hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của các cấp hội thông qua báo cáo định kỳ và các cuộc kiểm tra công tác hội. Đồng thời phối hợp giám sát lồng ghép với các nhiệm vụ chuyên môn khác. Từ cuối năm 2021 đến nay, các cấp hội đã tổ chức được hơn 200 cuộc kiểm tra, giám sát có liên quan đến công tác trẻ em và các chính sách của Nhà nước liên quan đến trẻ em. |
Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tràng Định cho biết: Triển khai chương trình, chúng tôi đã chú trọng vận động, kết nối cán bộ, hội viên phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống, huy đồng nguồn lực xã hội hóa nhận chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi. Hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu 59 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài việc vận động các hội viên, tiền hỗ trợ từ các đơn vị phối hợp, chúng tôi còn xây dựng mô hình “Ngôi nhà xanh” tại các xã để thu gom rác thải nhựa sau đó bán lấy tiền hỗ trợ thêm cho các em. Dù mức tiền hỗ trợ hằng tháng chỉ từ 200 đến 300 nghìn đồng nhưng cũng giúp các em vơi bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống.
Nhằm lan tỏa rộng rãi chương trình ý nghĩa này trong xã hội, từ tháng 10/2021 đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai tuyên truyền về chương trình “Mẹ đỡ đầu” thông qua các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi hội,… được hơn 360 cuộc tới hơn 21.000 lượt người tham dự. Đồng thời, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội facebook, zalo và trang thông tin điện tử của hội về mục đích, ý nghĩa của chương trình; giới thiệu các gương điển hình, mô hình, cách làm hay của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện chương trình để lan tỏa trong cộng đồng.
Qua triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã lan tỏa thông điệp nhân văn, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với trẻ mồ côi. Đồng thời, khẳng định vai trò của tổ chức hội phụ nữ trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. “Mẹ đỡ đầu” không hỗ trợ chỉ về vật chất, mà còn trở thành điểm tựa tinh thần chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Tin rằng với những hiệu ứng tích cực từ chương trình, thời gian tới sẽ có thêm nhiều trẻ em bất hạnh, thiệt thòi được nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng và yêu thương, giúp các em có thêm động lực, chỗ dựa trong cuộc sống để tự tin viết tiếp ước mơ của mình
Ý kiến ()