Chương trình kiên cố hóa trường lớp học: Đến bao giờ mới hoàn thành?
Đề án thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học bắt đầu được triển khai từ năm 2002 với mục tiêu đến cuối năm 2003 xóa bỏ tình trạng học ba ca và đến năm 2005 không còn lớp học tạm… Đây là chương trình lớn, hợp lòng dân và đã có tác dụng rất tích cực trong việc bảo đảm cơ sở vật chất cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà đến thời điểm này, chương trình vẫn tiếp tục được kéo dài và chẳng biết bao giờ kết thúc.
Nhớ lại thời điểm đầu thế kỷ này, lúc đó kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, nhưng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục còn rất nhiều khó khăn, tình trạng học sinh học ba ca, học trong nhà tạm… diễn ra ở nhiều địa phương. Trước những vấn đề bức xúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án kiên cố hóa trường lớp học và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án này vào cuối năm 2002 với mục tiêu đến cuối năm 2003 xóa bỏ tình trạng học ba ca và đến năm 2005 không còn lớp học tạm thời tranh, tre, nứa, lá…
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này rất chậm. Tháng 11-2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình, nhưng mãi đến tháng 8-2003, các tỉnh, thành phố mới có hướng dẫn thực hiện và đến tận 22 tháng sau mới có mẫu thiết kế cho những vùng khó khăn. Đã vậy, một số địa phương lại sử dụng vốn sai mục đích. Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính ở 36 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong giai đoạn 2002-2006, đã có hơn 513 tỷ đồng trong chương trình kiên cố hóa trường lớp học bị sử dụng để thực hiện các công việc khác. Trong đó tỉnh Hà Giang đã sử dụng hơn 59 tỷ đồng để thanh toán nợ.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 4 năm thực hiện chương trình, số phòng học tạm cần được xây dựng lại gần bằng với số phòng cần xây cách đó 4 năm. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đề nghị được thực hiện tiếp chương trình từ năm 2008 đến năm 2012.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện đề án đến năm 2015 và bổ sung vốn để hoàn thành mục tiêu đề án đã phê duyệt và bổ sung danh mục mới cho các địa phương thực sự khó khăn. Lý do xin được kéo dài của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “ do biến động về giá nên tổng số vốn đã được phê duyệt không thể giải quyết hết số phòng học và nhà công vụ giáo viên đã được phê duyệt”. |
Theo báo cáo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua hai năm thực hiện (2008-2009), các địa phương tổ chức thực hiện đề án Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên đã cơ bản hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ giao. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án trong 2 năm là 12.072,74 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương là 8.275,6 tỷ đồng. Kết quả, vốn trái phiếu Chính phủ đã thực hiện giải ngân là 7.844,230 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 94,79% số vốn được giao. Các địa phương đã triển khai xây dựng được 55.723 phòng học, đạt 89,79%; số phòng học đã hoàn thành đưa vào sử dụng là 32.496 phòng, đạt 52,36% so kế với hoạch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc thực hiện đề án ở một số địa phương vẫn còn một số tồn tại như thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng vẫn còn chậm, chưa chủ động ngay từ đầu năm. Năng lực quản lý, điều hành, thực hiện của các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ở một số huyện vẫn còn bất cập. Một số tỉnh chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện dành nguồn vốn của địa phương và huy động xã hội hóa tham gia thực hiện Đề án theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Một số địa phương thực hiện phân bổ nhiều lần, không gắn với việc thanh toán khối lượng hoàn thành của từng dự án, dẫn đến thiếu vốn khi thanh quyết toán công trình để dứt điểm việc bàn giao đưa vào sử dụng. Chưa chủ động điều chuyển vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ từ huyện có tiến độ thực hiện chậm sang huyện có tiến độ thực hiện nhanh; điều chuyển vốn của các công trình, dự án triển khai chậm cho các công trình thực hiện có khối lượng hoàn thành để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn và hoàn thành dứt điểm. Công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc tuyên truyền vận động, chủ động tìm các giải pháp tích cực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng xây dựng.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến về thực hiện đề án chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Năm nay vốn cho trương trình này không thiếu, điều quan trọng là các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Được biết, vốn chủ yếu để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nếu giải ngân chậm, Nhà nước vẫn phải chịu lãi suất và điều quan trọng là nếu các địa phương không đẩy nhanh tiến độ xây dựng thì không biết khi nào đề án sẽ kết thúc.
Ý kiến ()