Chương trình kiên cố hóa ở Hữu Lũng: Khi cấp huyện làm chủ đầu tư
LSO-Nhìn cơ ngơi 3 trường học của địa phương, đồng chí Nguyễn Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Yên Bình (Hữu Lũng) nói rằng, nhờ chương trình kiến cố hóa (KCH) giai đoạn 2008-2012, xã Yên Bình được đầu tư xây dựng 21 phòng học và 3 phòng công vụ giáo viên, tạo điều kiện cho tách trường và nâng cao chất lượng.
Công trình Trường Tiểu học xã Yên Bình do UBND huyện làm chủ đầu tư |
Cô giáo Nguyễn Thị Nam, Phó Hiệu trưởng Trường MN nói rằng, nhờ chương trình KCH nên nhà trường mới có các phòng học khang trang để tổ chức chương trình giáo dục mầm non mới và thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Còn cô giáo Hoàng Thị Minh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Bình tâm sự: “Hai năm học trước câu chuyện học hai buổi/ ngày đối với Yên Bình cũng chỉ là những “giấc mơ xanh” của các thầy cô giáo, chưa nói đến tổ chức bán trú cho các cháu. Vậy mà nhờ chương trình KCH, nhà trường đã thực hiện bán trú cho trên 400 học sinh với điều kiện nuôi dạy ngày càng đi vào nền nếp.
Triển khai Chương trình KCH, trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, huyện Hữu Lũng được đầu tư 345 phòng học và 250 phòng công vụ, trong đó UBND huyện được giao làm chủ đầu tư 14 danh mục dự án với 75 phòng học và 53 phòng công vụ. Phải nói rằng, những hạng mục công trình mà UBND huyện được giao làm chủ đầu tư hầu hết là các công trình “khó” và phức tạp như địa hình, địa chất và công tác giải phóng mặt bằng; mặt khác là những công trình nhỏ lẻ, vốn đầu tư ít, nên hầu như các nhà thầu đều ngại.
Được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư, lãnh đạo UBND huyện Hữu Lũng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đây là cơ hội bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục; cũng là để cấp huyện thể hiện năng lực của mình. Lo vì đây là những công trình dân sinh thuộc loại đặc biệt, làm sao vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng để các công trình phát huy công năng nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho các nhà trường. Để có thể hoàn thành nhiệm vụ, Ban quản lý dự án của huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng và Trưởng phòng GD&ĐT làm phó trưởng ban, các thành viên được phân công phân nhiệm rõ ràng. Công tác lập danh mục đầu tư, các bước tiến hành đầu tư được tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật. Sau 3 năm triển khai (2009-2011), đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 9 danh mục dự án gồm 50 công trình phòng học và 40 công trình phòng công vụ. Sau khi được đưa vào sử dụng, theo đánh giá của các đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát, các công trình này đều đảm bảo chất lượng, phát huy công năng và cùng với các công trình do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư đã cải thiện rõ rệt công tác dạy, học và nâng cao chất lượng sống của đội ngũ giáo viên ở nội trú. Trong đợt thanh tra năm 2012 của Thanh tra tỉnh, tổng số công trình phòng học và phòng công vụ sai phạm bị phạt ở Hữu Lũng là 5 công trình, trong đó có 3 công trình do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư và 2 công trình do huyện làm chủ đầu tư với tổng số tiền phạt là trên 36 triệu đồng. Điều đáng nói là trong 3 công trình do Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư, có 1 công trình bị phạt do thi công không đúng thiết kế (công trình trường THCS Cai Kinh); trong khi đó 2 công trình do huyện làm chủ đầu tư chỉ bị phạt vì quyết toán không đúng quy định. Tiếp xúc với nhiều cán bộ giáo viên của 3 trường học ở Yên Bình và một số trường khác, chúng tôi đều cảm thấy sự hài lòng của chính những người trực tiếp sử dụng công trình. Điều đó chứng tỏ những công trình do UBND huyện Hữu Lũng làm chủ đầu tư đã đáp ứng được những tiêu chuẩn và những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật đã đặt ra. Tuy nhiên, những khiếm khuyết do thiết kế (phòng học MN không có nhà vệ sinh khép kín) và những khiếm khuyết nhỏ do kỹ thuật xây dựng như nền gạch tầng 2 của khối nhà học trường Tiểu học đã bị bong… vẫn như là một tồn tại của công tác kiểm tra, nghiệm thu.
Nhiều người cho rằng, nhà thầu bao giờ cũng tìm mọi cách để “cắt giảm” tối đa nhằm thu lợi nhuận cao nhất. Và chính các công trình nhỏ lẻ ở vùng khó khăn lại dễ bị làm ẩu nhất. Vì vậy, vai trò của chủ đầu tư có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công trình và sự phối hợp tốt giữa chủ đầu tư (UBND huyện), với cấp ủy chính quyền xã và nhà trường đã hạn chế được tình trạng bớt xén nguyên vật liệu, thay đổi chủng loại vật liệu và tình trạng làm bừa, làm ẩu. Ở Yên Bình, ngoài sự sâu sát của lãnh đạo UBND xã, vai trò của Ban giám sát đầu tư cộng đồng là rất to lớn. Đã có chuyện khi chuẩn bị đổ bê tông sàn trường Tiểu học, Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Yên Bình thấy cát quá bẩn đã lập biên bản dừng thi công và gọi điện cho Ban quản lý dự án huyện; và đích thân đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phải vào tận nơi yêu cầu nhà thầu đổi vật liệu.
Làm việc với chúng tôi, ông Trần Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng, cấp huyện làm chủ đầu tư có ưu thế hơn, vì họ chính là những lãnh đạo địa phương nên có thể tháo gỡ nhiều khó khăn đột xuất, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng. Chủ đầu tư xây dựng không nhất thiết phải là kỹ sư xây dựng giỏi, mà vấn đề là họ biết lựa chọn các nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, uy tín để làm cho họ.
Ý kiến ()