Chương trình hành động của Chính phủ phát triển giao thông đường sắt
Chính phủ ban hành Nghị quyết 178/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình hành động của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền phổ biến; hoàn thiện thể chế, chính sách; hoàn thiện quy hoạch đường sắt và các quy hoạch có liên quan; huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt; kiện toàn mô hình tổ chức, quản lý khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt;…
Trong đó, về hoàn thiện thể chế, chính sách, từ năm 2024-2026, Bộ Giao thông vận tải chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đường sắt và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút đầu tư.
Từ năm 2023-2025, Bộ Tài chính chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước để phát triển khoa học, công nghệ đường sắt; Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực đường sắt;…
Về hoàn thiện quy hoạch đường sắt và các quy hoạch có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; UBND các tỉnh/thành phố chủ trì lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch tỉnh đồng bộ với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì hoàn thiện quy hoạch hệ thống du lịch gắn kết với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về huy động nguồn lực để đầu tư vận tải giao thông đường sắt, từ 2025 – 2045, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì ưu tiên phân bổ ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt (đặc biệt là đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam).
Từ năm 2025 – 2045, Bộ Tài chính ưu tiên tăng phân bổ ngân sách nhà nước bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; ưu tiên bố trí nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt.
Từ năm 2023 – 2045, Bộ Giao thông vận tải kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; tham gia đầu tư, kinh doanh phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải;…
Theo danh mục dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm đường sắt cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, chiều dài đường sắt hiện có là 2.440 km; đường sắt xây dựng mới có chiều dài 2.417 km; đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có chiều dài 1.545 km,…
Ý kiến ()