Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII
LSO – Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025 diễn ra từ ngày 25 đến 27/9/2020 đã thông qua các văn kiện do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội; thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Căn cứ Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện nghị quyết với 5 chương trình công tác trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Báo Lạng Sơn trân trọng giới thiệu nội dung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng 05 Chương trình công tác trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện như sau:
I.CÁC CHƯƠNG TRÌNH CỤ THỂ
1. Chương trình 1: Tiếp tục tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh
1.1.Mục tiêu cụ thể
-Đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt khoảng 6.650 triệu USD, trong đó xuất khẩu 3.890 triệu USD, nhập khẩu 2.760 triệu USD.
-Hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu trung chuyển hàng hóa (giai đoạn 1), Khu chế xuất 1 và các khu chức năng khác của Khu kinh tế cửa khẩu.
1.Nhiệm vụ, giải pháp
-Tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch các khu chức năng chủ yếu và các khu vực cửa khẩu phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng phát triển. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu và các khu chức năng.
-Tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn. Phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ và các lối mở biên giới để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh; thực hiện đồng bộ các dịch vụ logistics để rút ngắn thời gian kiểm hoá, kiểm soát, bốc xếp, trung chuyển hàng hoá qua biên giới, nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa. Giữ vững và tăng thị phần đối với các sản phẩm, thị trường xuất khẩu truyền thống, tích cực phát triển các sản phẩm, thị trường xuất khẩu mới. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu; từng bước mở rộng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Phát triển các loại hình dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu như: Khai báo hải quan, tư vấn pháp luật, kiểm nghiệm, kiểm dịch theo hướng chất lượng, văn minh, hiện đại, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn.
-Tập trung xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông tạo sự thông suốt giữa các khu chức năng; xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính, viễn thông đồng bộ, hiện đại. Đầu tư xây dựng hoàn thiện đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn và kết nối cửa khẩu Tân Thanh; nâng cấp hoàn chỉnh Quốc lộ 4A, 4B, 3B. Tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu lập quy hoạch, nâng cấp tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội – Lạng Sơn, đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng Ga đường sắt Đồng Đăng. Nghiên cứu mở rộng tuyến Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại khu vực mốc 1119-1120 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Xây dựng khu trung tâm hành chính của thị trấn Đồng Đăng quy mô khoảng 5 – 6ha. Tập trung phát triển các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu: Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất I, dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng Phúc Khang thuộc Khu phi thuế quan (giai đoạn I)… Nghiên cứu, xem xét xây dựng hình thành các Khu thương mại – công nghiệp thuộc các khu vực cửa khẩu: Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng; Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình; Bình Nghi, xã Đào Viên, huyện Tràng Định.
Duy trì hiệu quả cơ chế trao đổi thông tin, tiếp xúc, hợp tác với lực lượng chức năng phía Trung Quốc để cùng tháo gỡ, giải quyết nhanh chóng các vấn đề vướng mắc phát sinh, nhất là trong thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thực hiện các thỏa thuận, đàm phán với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để thí điểm mô hình thông quan “Một cửa, một điểm dừng” đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) – Hữu Nghị Quan (Trung Quốc). Nghiên cứu, phối hợp với phía Trung Quốc vận hành có hiệu quả mô hình “luồng xanh thông quan nhanh” và “cửa khẩu kiểu mẫu”. Tiếp tục trao đổi, phối hợp với phía Trung Quốc để hoàn chỉnh các thủ tục quy định, báo cáo đề xuất Chính phủ quyết định nâng cấp cặp cửa khẩu Bình Nghi (Việt Nam) – Bình Nhi Quan (Trung Quốc) lên thành cửa khẩu song phương (cửa khẩu chính). Đấu nối đường giao thông tại cặp cửa khẩu Pò Nhùng (Việt Nam) – Ái Dầu (Trung Quốc).
2.Chương trình 2: Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
1.Mục tiêu cụ thể
-Giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp bình quân hằng năm tăng 3-3,5%.
-Trồng rừng mới 9.000 ha/năm; độ che phủ rừng đạt 65% vào năm 2025.
-Tỷ lệ dân cư ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 99% vào năm 2025.
-Đến năm 2025, có trên 30 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; xây dựng được 25 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, 4 chỉ dẫn địa lý, 20 nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm của tỉnh.
-Đến năm 2025, có 115/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
2.Nhiệm vụ, giải pháp
-Triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh đã ban hành; nghiên cứu xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
-Phát triển sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và kết nối với thị trường tiêu thụ; xây dựng vùng nguyên liệu, cây ăn quả, nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGap, GlobalGap) và truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tận dụng tối đa mặt nước hiện có để mở rộng diện tích nuôi các loài cá truyền thống; quan tâm đầu tư, mở rộng mô hình nuôi cá lồng tại các địa phương có tiềm năng. Chủ động ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
-Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020 – 2030. Quản lý, sử dụng có hiệu quả về tài nguyên rừng; khai thác tối đa nguồn lực, lợi thế đất đai, đồi rừng để phát triển lâm nghiệp trở thành kinh tế trọng tâm. Nâng cao năng suất, chất lượng rừng, tăng giá trị rừng sản xuất theo hướng thâm canh rừng gỗ lớn, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến sản phẩm, thiết lập chuỗi liên kết giữa trồng rừng, chế biến lâm sản và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chức năng phòng hộ bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học của rừng; phát huy sự tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
-Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân có điều kiện về vốn, kỹ thuật có thể liên kết với người dân tích tụ ruộng đất để sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt. Tăng cường xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, đối tác chiến lược đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, kết nối thị trường để định hướng sản xuất và quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Chú trọng xây dựng các kênh tiêu thụ, kết nối cung cầu giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối ở trong và ngoài nước.
-Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản trị hợp tác xã để đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại theo hướng tổ chức liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp và các đối tác khác trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
-Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các vấn đề căn bản, then chốt trong chuỗi sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu, tuyển chọn các cây giống, con giống và nhập một số giống cây, con có năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao vào các vùng quy hoạch. Thực hiện tốt các quy định về sở hữu trí tuệ, chú trọng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có nhãn mác, bao bì đúng quy chuẩn, cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm; tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp.
-Đẩy mạnh thực hiện toàn diện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh, tập trung xây dựng nông thôn mới ở các xã khó khăn, biên giới, xã phấn đấu đạt chuẩn theo từng năm. Tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất; thực hiện thiết thực hơn nữa phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; thúc đẩy triển khai tích cực, hiệu quả Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn”, nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
3.Chương trình 3: Tập trung phát triển ngành du lịch, phấn đấu đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
1.Mục tiêu cụ thể
-Năm 2025, thu hút trên 4,4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt trên 5.200 tỷ đồng.
-Đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 5.400 buồng lưu trú, trong đó có 1.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 – 5 sao; có trên 15.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp.
-Đến năm 2025, toàn tỉnh có 01 khu du lịch quốc gia (Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn); 02 – 04 khu du lịch cấp tỉnh, 08 – 10 điểm du lịch và 04 – 06 điểm du lịch cộng đồng.
2.Nhiệm vụ, giải pháp
-Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Lạng Sơn đến năm 2030; xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Chỉ đạo phát triển du lịch cấp tỉnh và cấp huyện; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; nâng cao năng lực, trình độ, chất lượng cán bộ quản lý nhà nước về du lịch; hoàn thiện các quy định, quy chế quản lý du lịch; quản lý tốt công tác quy hoạch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vi phạm về lĩnh vực du lịch; cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch.
-Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch: Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực du lịch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch khoa học, phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng các hình thức đào tạo theo hướng chuyên môn hóa…
-Phát triển sản phẩm và thị trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, lễ hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch biên giới cửa khẩu kết hợp mua sắm; du lịch cộng đồng. Phát triển sản phẩm đi đôi với tái đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững.
-Đầu tư hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, kết nối phát triển hệ thống các trung tâm, khu, điểm, tuyến du lịch. Tập trung huy động các nguồn lực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch. Từng bước hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án Quần thể khu du lịch sinh thái, cáp treo Mẫu Sơn; Khu di tích Chi Lăng; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill (thành phố Lạng Sơn); Khu du lịch sinh thái danh thắng Thác Bản Khiếng (huyện Lộc Bình); các điểm du lịch, các khu du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố.
-Tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Chú trọng hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch.
4.Chương trình 4: Phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp
1.Mục tiêu cụ thể
-Đến năm 2025, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, 80% số thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa, có 300 trường học đạt chuẩn quốc gia, 60% số thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn, 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
-Đến năm 2025, tỉnh Lạng Sơn có 16 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại II (thành phố Lạng Sơn); 01 đô thị loại IV (thị trấn Đồng Đăng mở rộng); 14 đô thị loại V.
-Đến năm 2025, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, từng bước đưa vào hoạt động ít nhất 01 Khu công nghiệp và 3 – 4 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2.Nhiệm vụ, giải pháp
-Tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới.
-Hoàn thành đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị; hoàn thành giai đoạn 1 dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (đoạn trên địa bàn tỉnh dài khoảng 52 km, đi qua huyện Văn Lãng, huyện Tràng Định). Hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn Km3 700 đến Km18). Nghiên cứu, đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Lạng Sơn – Quảng Ninh. Đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông ra các cửa khẩu, các tuyến chính đường nội thị, tuyến đường giao thông vành đai của thành phố Lạng Sơn. Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện; cứng hóa đường xã, thôn, bản; phối hợp với Bộ Quốc phòng hoàn thành dự án Đường tuần tra biên giới giai đoạn 2; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường ra biên giới, đường nối từ đường vành đai biên giới lên đường tuần tra biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn.
-Hoàn thành đề án nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Lạng Sơn. Hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung thành phố Lạng Sơn; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết thị trấn các huyện cho phù hợp với tình hình mới. Hoàn thành đầu tư dự án Khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, Khu đô thị mới Hữu Lũng, Khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn và một số khu đô thị, dân cư khu vực thành phố, thị trấn các huyện đã được phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư.
-Hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ổn định Nhà máy Nhiệt điện Na Dương giai đoạn 2 công suất 100 MW, các nhà máy thuỷ điện nhỏ thuộc bậc thang sông Kỳ Cùng. Hoàn thành xây dựng, triển khai thực hiện đề án thành lập Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Hữu Lũng, trong đó hoàn thành xây dựng hạ tầng và đưa vào hoạt động 01 khu công nghiệp tại Hữu Lũng; tập trung phát triển, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng cụm công nghiệp Hợp Thành 1, 2 (huyện Cao Lộc); các cụm công nghiệp tại huyện Hữu Lũng, Chi Lăng và những nơi thuận lợi để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn.
-Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành dự án Hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1. Tiếp tục phát triển mạng lưới thủy lợi, ưu tiên đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống kênh, mương hiện có; tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh, mương; đầu tư các công trình thuỷ lợi quy mô vừa và nhỏ phục vụ sản xuất và đời sống gắn với nuôi trồng thuỷ sản. Đầu tư một số dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư.
-Bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu nước sinh hoạt và nước sản xuất cho các khu dân cư và các khu, cụm công nghiệp; triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư cấp nước tại các thị trấn, nâng cấp các dự án cấp nước hiện có. Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải sinh hoạt và công nghiệp tại các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp.
-Tiếp tục phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ thông tin.
5.Chương trình 5: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới
1.Mục tiêu cụ thể
– Kết nạp đảng viên mới hằng năm là 2.000 đảng viên.
-Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 90%.
-Tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 90%.
-Tỷ lệ đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ trở lên hằng năm đạt 95%.
2.Nhiệm vụ, giải pháp
-Tiếp tục đổi mới nội dung, biện pháp để làm chuyển biến căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
-Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
-Tập trung chỉ đạo uỷ ban kiểm tra các cấp phối hợp với các cơ quan thanh tra, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, quy chế làm việc của cấp ủy; nhiệm vụ của cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội. Chỉ đạo uỷ ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm trên các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cán bộ, đảng viên bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời.
-Lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng tinh thần “không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.Thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn.
-Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận, chú trọng đổi mới công tác dân vận chính quyền. Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên, các tầng lớp Nhân dân trong tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.
Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chung và 05 Chương trình công tác trọng tâm, yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả ba khâu đột phá sau:
1.Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh.
2.Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, năng lực chỉ đạo, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
3.Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy nhanh tiến độ hình thành các khu, cụm công nghiệp, cảng cạn, cơ sở logistics hiện đại.
II.TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công chỉ đạo thực hiện
1.1.Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Thường vụ Tỉnh uỷ căn cứ 05 chương trình công tác trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và cụ thể hoá thành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án… trong Chương trình công tác hằng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
1.2.Giao Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban đảng Tỉnh uỷ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nội dung thuộc Chương trình 1, 2, 3, 4.
1.3.Giao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện các nội dung thuộc Chương trình 5.
2.Nhiệm vụ của các chủ thể được phân công chủ trì, phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình
2.1.Căn cứ nội dung công việc được phân công, chủ động tổ chức việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ xem xét, quyết định hoặc trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét, quyết định việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, đề án và văn bản liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo chậm nhất trong quý I năm 2021.
2.2Tham mưu, giúp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án và văn bản đã được thông qua.
3. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan
3.1.Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm giúp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình hành động này; tham mưu cụ thể hóa các nội dung trong Chương trình công tác hằng năm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
3.2.Các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào chủ trương của Trung ương và tình hình thực tiễn của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu để bổ sung hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
T/M TỈNH UỶ
BÍ THƯ
Lâm Thị Phương Thanh
N.T.T
Ý kiến ()