Tối qua 20-6, Chương trình Giao lưu và Lễ trao giải cuộc thi viết: “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Lớn Hà Nội, do các cơ quan báo chí: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Lao Động phối hợp phát động. Đây là hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; chào mừng Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII sẽ diễn ra vào cuối năm nay; đồng thời là hoạt động thiết thực kỷ niệm 85 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2010).
Tới dự, có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Đinh Thế Huynh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Hoàng Ngọc Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Trần Thị Bích Thủy, Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Phụ nữ Việt Nam; Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; đồng chí Vương Văn Việt, Tổng Biên tập Báo Lao Động, đồng Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; các nhà báo lão thành: Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN; các tác giả đoạt giải và nhiều nhân vật điển hình được phát hiện qua các tác phẩm báo chí dự thi.
Phát biểu ý kiến khai mạc Chương trình Giao lưu và Lễ trao giải cuộc thi, đồng chí Đinh Thế Huynh đã nêu bật mục đích của cuộc thi viết: “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, là nhằm phát hiện những điển hình tiên tiến, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân ta. Đồng chí cho biết, cách đây hơn hai năm, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2008) và hưởng ứng Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các báo: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Lao Động có sáng kiến tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Tại lễ phát động cuộc thi ngày 22-4-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu ý kiến, nêu rõ: “Đây là dịp để chúng ta giáo dục, bồi dưỡng, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Sau gần một năm phát động (từ ngày 22-4-2008 đến 28-2-2009), Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 899 tác phẩm báo chí gửi về dự thi và đã trao: Hai giải nhất, ba giải nhì, năm giải ba và 12 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc nhất. Từ hiệu quả xã hội của giai đoạn I, Ban tổ chức quyết định phát động Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giai đoạn II, từ ngày 19-5-2009 đến hết ngày 28-2-2010, nhằm tiếp tục phát hiện những điển hình tiên tiến, những tấm gương thi đua yêu nước tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước. Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” đã nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, kể cả những người tàn tật. Các tác phẩm được viết công phu, theo đúng yêu cầu thể lệ, bảo đảm tính chân thật, có ảnh minh họa, có tên tác giả, địa chỉ rõ ràng. Kết thúc giai đoạn II, Ban tổ chức đã nhận được 858 tác phẩm gửi đến dự thi. Qua các tác phẩm dự thi, các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, các bạn đọc từ mọi miền đất nước đã phát hiện hàng trăm tấm gương của những con người bình dị, nhưng đã làm được rất nhiều việc thật tốt, thật cao quý vì đất nước, vì cộng đồng, có ảnh hưởng và sức lan tỏa sâu sắc trong xã hội. Ban tổ chức cuộc thi đã quyết định trao: Một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và 10 giải khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc nhất.
Tại Chương trình giao lưu và Lễ trao giải Cuộc thi viết: “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giai đoạn II, Ban tổ chức đã mời một số nhân vật điển hình được phát hiện qua cuộc thi đến dự, giao lưu nhằm tôn vinh những con người bình dị, đã có những đóng góp lớn, giàu ý nghĩa đối với cộng đồng và đất nước. Qua chương trình này, khán giả được trực tiếp gặp mặt và giao lưu với những nhân vật trong các tác phẩm, trong đó có những người tưởng chừng như chỉ có trong cổ tích, trong huyền thoại. Họ đến từ nhiều vùng, miền của đất nước, kể cả những vùng đất xa xôi còn nhiều gian khó, nhưng họ có việc làm tốt đẹp, luôn đấu tranh trước cái xấu, ngày đêm âm thầm làm việc, cống hiến, sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng để cuộc sống của chúng ta hôm nay ngày càng nhân hậu hơn, tốt đẹp hơn. Đó là truyền thống quên mình, vượt khó, siêng năng, sáng tạo trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất, không ngại hy sinh, gian khổ, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Như các ông Lê Công Diễn, ở thôn Đô Lương, xã Tân An, huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An). Ông Phạm Văn Tỏ, quê ở thôn Bến đò Hàng Da, phường Long Bình, quận 9 (TP Hồ Chí Minh). Ông Phạm Văn Lứu quê ở ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang); chị Nguyễn Thị Kim Cương, ở số nhà 23, đường Đặng Thái Thân, phường Thống Nhất, tổ 11 (TP Kon Tum). Bác sĩ Vũ Văn Thân, ở thôn Giai Lệ, xã Lệ Xá, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên). Thượng tá, Bác sĩ Vũ Tiến Hoạt, Trưởng khoa Bảo hiểm y tế Bệnh viện 4 (Binh đoàn Cửu Long, Quân khu 7). Ông Quách Trọng Hoan, ở số nhà 23, đường Đặng Thái Thân, tổ 11, phường Thống Nhất, TP Plây Cu – Gia Lai. Chị Mai Anh, ở phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Cùng với những nhân vật trong tác phẩm, khán giả còn được giao lưu với một số tác giả, những nhà báo đã phát hiện và phản ánh những con người có việc làm tốt đẹp qua các tác phẩm báo chí. Nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Tổng Biên tập TTXVN; thành viên Hội đồng chấm chung khảo cuộc thi đã tham gia giao lưu, trao đổi ý kiến với các nhân vật và các tác giả có tác phẩm đoạt giải. Tâm sự về những vấn đề của nghề báo hôm nay, về phẩm chất sẵn sàng dấn thân, vượt qua khó khăn, gian khổ để bám sát thực tế đời sống của các nhà báo, từ đó phát hiện và phản ánh nhiều hơn nữa Những tấm gương bình dị mà cao quý, nhân rộng các điển hình tiên tiến đó, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Phát biểu ý kiến tại Lễ trao giải, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu dương các tác giả đã đoạt giải cuộc thi viết về Những tấm gương bình dị mà cao quý và hoan nghênh, đánh giá cao ba cơ quan báo chí: Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Lao Động đã có sáng kiến tổ chức thành công cuộc thi viết đầy ý nghĩa này. Chủ tịch nước khẳng định, đây là việc làm rất có ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Cuộc thi đã thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia và có ý nghĩa lan tỏa sâu sắc. Việc đi sâu, phát hiện để phản ánh những tấm gương có những việc làm cao đẹp trên các tác phẩm báo chí đã nói lên tâm huyết của các tác giả muốn giới thiệu những tấm gương người tốt việc tốt, những việc làm cao quý để mọi người học tập noi theo. Đó là những con người tiêu biểu trong Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức mẫu mực, trong sáng, hết lòng vì đất nước, vì nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, những bài viết giới thiệu Những tấm gương bình dị mà cao quý đã khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy lòng yêu thương con người, hướng tới tương lai, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước. Các tác giả viết những tác phẩm phản ánh gương người tốt, việc tốt là việc làm đáng trân trọng, thể hiện ngòi bút và tấm lòng trong sáng, không vụ lợi. Chủ tịch nước mong rằng, các cá nhân điển hình được phát hiện, tôn vinh hôm nay tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được. Đồng thời đề nghị, các cơ quan báo chí sau cuộc thi này, cần có thêm nhiều bài viết hơn nữa phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta, góp phần đưa các phong trào thi đua phát triển lên tầm cao mới.
Thay mặt Ban tổ chức, các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Lê Phúc Nguyên, Vương Văn Việt đã trao giải thưởng và hoa cho những tác giả có tác phẩm đoạt giải. Giải nhất thuộc về tác phẩm “Người thương binh nhận giải thưởng Ka-du-ô I-tô-ga (Nhật Bản), của tác giả Lê Quang Nhung, phóng viên Báo Nhân Dân; hai giải nhì thuộc về các tác giả: Tiến Phú, phóng viên Báo Nhân Dân với tác phẩm “Viết tiếp chuyện cổ tích giữa đời thường” và tác giả Nguyễn Anh Tuấn với tác phẩm “Đứa con” của Bản Khà; ba giải ba thuộc về các tác giả: Trần Kim Sơn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum với tác phẩm “Cây kơ-nia ở làng phong Đăk Kia”; Trương Đăng Hải, phóng viên Báo Lao Động, với tác phẩm “30 năm đưa trẻ vượt sông tìm chữ”; Xuân Vui, TP Đồng Hới, Quảng Bình, với tác phẩm “Tổ ấm giữa rừng”; và 10 tác giả đoạt giải khuyến khích.
Ý kiến ()