Chương trình giáo dục STEM: Bước phát triển mới của phương pháp dạy học tích cực
(LSO) – Giáo dục STEM là chương trình dạy học liên môn khoa học tự nhiên nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống.
Một giờ học lý thú
Cuối học kỳ 1 năm học 2018 – 2019, cô giáo Lưu Thị Oanh và học sinh lớp 10A5, Trường THPT Pác Khuông (Bình Gia) có một giờ học đặc biệt. Gọi là đặc biệt vì học sinh phải cùng nhau giải quyết yêu cầu của bài học là thực hiện dưới dạng bản vẽ và thực hành mô hình cây cầu Pác Khuông với tỷ lệ 1:150 bằng vật liệu đơn giản. Nó cũng đặc biệt bởi lẽ các em phải dùng kiến thức các môn khoa học, toán học, vật lý và công nghệ để giải quyết vấn đề.
Với sự nghiêm túc trong công việc và tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn trong gia công, chế tạo, trong thời gian quy định, 4 nhóm học sinh của lớp đã hoàn thành 4 mô hình cây cầu. Sau đó, từng nhóm cử đại diện “bảo vệ luận án”, có thuyết minh, giải trình, tranh luận trước những ý kiến phản biện của nhóm khác. Buổi học đã đạt kết quả rất tốt. Trao đổi với chúng tôi về giờ học này, thầy giáo Tô Mạnh Thường, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học trước, đội ngũ giáo viên đã áp dụng dạy học theo chủ đề như: “Ứng dụng giải tam giác trong thực tế” như đo chiều cao của cây, chiều rộng của sông hồ bằng định lý sin, cosin đã tạo được nhiều hứng thú đối với học sinh; nay với STEM, học sinh say mê hơn và mong muốn có được nhiều giờ học như thế.
Học sinh Trường THPT Pác Khuông, huyện Bình Gia trong giờ thí nghiệm thực hành
Thành công của giờ học là kết quả của công tác tập huấn giáo viên về dạy học STEM, cũng là kết quả của sự nỗ lực trong nghiên cứu bài giảng kết hợp nhiều môn học. Với giờ học STEM, học sinh không chỉ củng cố kiến thức các môn liên quan, biết vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề, mà còn hình thành nhiều kỹ năng như: xây dựng quy trình sản xuất, chấp hành kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng thuyết trình, phản biện… điều cần thiết đối với công dân trẻ, hiện đại.
STEM – mới nhưng không lạ
Chương trình giáo dục STEM đã manh nha từ cấp học mầm non với những bước cho trẻ quan sát, làm quen với tự nhiên, con người và cảnh vật. Cấp tiểu học và THCS được nâng lên một bước cao hơn bằng những buổi trải nghiệm sáng tạo, dạy học thực tế, đặc biệt là mô hình VNEN. Phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột”, dạy kết hợp liên môn, học đi đôi với hành… ở những loại hình và phương pháp dạy học tích cực như trên, học sinh đã qua các bước nhận thức từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy từu tượng đến thực tiễn.
Dạy học lấy học sinh làm trung tâm, vai trò của người thầy đã thay đổi: từ người cung cấp kiến thức cho học sinh trở thành người tổ chức, hướng dẫn học sinh tìm tòi, phát hiện thông qua nghiên cứu, thực hành. Cách học của học sinh cũng thay đổi: từ ghi ghép, học nhớ những kiến thức hàn lâm nay chuyển sang nghiên cứu, thực hành, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề cụ thể. Chính vì vậy, phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh cấp trung học đã nở rộ; nhiều dự án nghiên cứu khoa học đã đạt giải cấp tỉnh, cấp quốc gia xuất phát từ sự đam mê nghiên cứu và nắm vững kiến thức liên môn.
Chương trình STEM là bước phát triển cao của cách thức dạy và học tiên tiến; là sự tổng hợp của trải nghiệm sáng tạo, phương pháp “ bàn tay nặn bột” ở cấp trung học. Thay vì dạy từng môn tách biệt, STEM đã kết hợp một số môn khoa học tự nhiên và công nghệ lại thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Cách học STEM ngoài việc trang bị kiến thức cho học sinh còn rèn kỹ năng; rèn luyện con người có thể làm việc tức thì trong môi trường làm việc có tính sáng tạo cao.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một mặt Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND tỉnh và triển khai đề án phát triển giáo dục STEM; mặt khác chỉ đạo tập huấn đội ngũ một cách chu đáo để các thầy cô áp dụng vào thực tiễn dạy học. Chương trình giáo dục STEM dựa trên nguyên lý “Học đi đôi với hành – giáo dục gắn với thực tiễn” rất phù hợp với công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Tin rằng trong một vài năm tới, STEM sẽ trở thành chương trình giảng dạy phổ biến tại các nhà trường trên địa bàn Lạng Sơn.

Ý kiến ()