Chương trình giáo dục mới: Cần đánh giá đúng để triển khai phù hợp
Nhiều ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá sát thực tế về một năm thực hiện chương trình giáo dục mới để có chỉ đạo phù hợp, nhất là khi học sinh lớp 1 sẽ phải học trực tuyến.
Sau năm đầu tiên dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá học sinh mạnh dạn và tự tin hơn, đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1.
Tuy nhiên, từ kết quả học tập của học sinh và con em của mình, nhiều ý kiến phụ huynh và giáo viên cho rằng đánh giá của Bộ có phần lạc quan. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đánh giá đúng để triển khai các hoạt động giáo dục phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh học sinh lớp 1 sẽ phải học online ngay từ đầu năm học mới.
Đánh giá “lạc quan”?
Theo chị Lê Quỳnh Liên (Thanh Trì, Hà Nội), con chị đã học xong lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. “Hết lớp 1, con đã biết đọc, biết viết, nhưng để nói con đọc thông viết thạo ngay từ học kỳ 1 thì chắc chắn là không thể vì đến bây giờ có khi con vẫn còn nhầm giữa dấu huyền và dấu sắc,” chị Liên chia sẻ.
Đây cũng là ý kiến của chị Nguyễn Thị Quyên (Gia Lâm, Hà Nội): “Đã kết thúc năm học nhưng con tôi vẫn còn lập bập khi đọc.”
Theo cô Nguyễn Hồng Minh, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội, đánh giá “học sinh đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1” của Bộ Giáo dục và Đào tạo “có chút lạc quan.”
Đánh giá chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm tích cực và đẩy tốc độ học môn Tiếng Việt lên nhanh hơn, nhưng theo cô Minh, đa số các học sinh đạt được kết quả như vậy đều phải nhờ vào phụ huynh rất nhiều, từ việc phải cho con đi học trước, biết đọc ráp vần cơ bản, biết viết nét trước khi vào lớp 1, phải kèm cặp sát sao ở nhà, không hẳn do chương trình mới.
Theo chị Lê Quỳnh Liên, năm học 2020-2021 là một năm học nhiều khó khăn của ngành giáo dục, nhất là với lớp 1, khi vừa là năm đầu tiên triển khai chương trình mới và không tránh khỏi những lúng túng, vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
“Trong quá trình học, các con có thời gian phải học trực tuyến. Cuối năm lại phải nghỉ học rất dài mới thi hết năm học. Vì thế, để đánh giá chính xác hiệu quả của chương trình mới là rất khó và chưa hoàn toàn công bằng. Tuy nhiên, có thực tế là trong giai đoạn đầu của năm học, dù học trực tiếp, gia đình tôi và con cũng chịu nhiều áp lực khi chương trình mới dạy môn Tiếng Việt rất nhanh,” chị Liên cho hay.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới tăng 70 tiết môn Tiếng Việt so với chương trình cũ. Thời lượng môn học này vì thế tăng với 12 tiết mỗi tuần. Việc này nhằm giúp học sinh nhanh biết đọc, biết viết, từ đó có thể học tốt các môn học khác. Tuy nhiên, giáo viên được quyền chủ động điều chỉnh kế hoạch học tập phù hợp với đối tượng học sinh của mình.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nguyên nhân việc phụ huynh, học sinh bị áp lực do cha mẹ học sinh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình mới. Giáo viên và nhà trường còn lúng túng, thiếu tự tin khi lần đầu tiên được tự chủ trong kế hoạch xây dựng chương trình học phù hợp với từng đối tượng học sinh
Điều chỉnh phù hợp với dạy trực tuyến
Theo cô Minh, ý tưởng để học sinh sớm biết đọc của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tốt. Tuy nhiên, nếu dồn chương trình sẽ khiến cho học sinh vất vả.
“Bản thân tôi, năm học vừa qua, khi dạy chương trình mới được hai tuần, tôi thấy chương trình đi quá nhanh, học sinh không đủ thời gian thực hành để kịp ghi nhớ âm này đã chuyển sang âm khác, khiến các con bị nhầm lẫn. Vì thế, tôi đã chủ động kéo dãn chương trình học, đi chậm hơn, san bớt sang học kỳ 2. Học sinh học trực tiếp còn thấy nhanh, học trực tuyến sẽ còn áp lực hơn,” cô Minh cho hay.
Cũng theo cô Minh, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên được phép chủ động về kế hoạch nhưng sẽ xảy ra hiện tượng trường này dạy nhanh gấp rút, trường kia lại từ từ.
Cùng quan điểm này, cô Lê Thu Hương (giáo viên dạy lớp 1 tại Hà Nội) cho rằng dạy lớp 1 không thể vội vàng. Học trực tuyến lại càng phải từ từ, tỷ mỷ. “Năm ngoái, trong học kỳ 1, học sinh học trực tiếp nhưng đã có áp lực, năm nay có dịch bệnh, phải học trực tuyến sẽ càng dễ bị áp lực hơn do thời lượng học ít hơn, giáo viên không thể sát sao với học sinh bằng học trực tiếp. Vì thế, tốc độ lại càng phải giảm,” cô Hương nói.
Đánh giá chương trình mới, sách giáo khoa mới, cô Minh cho rằng có rất nhiều điểm mới tích cực, với phương pháp giảng dạy tích cực hơn, vật liệu cho bài giảng phong phú hơn, hay hơn. Các bài học được thiết kế theo hướng mở và từ đó, học sinh được mở rộng tư duy theo nhiều hướng, nhiều chiều thay vì khuôn mẫu như trước đây. Học sinh vì thế mạnh dạn hơn, tự tin hơn. Giáo viên được quyền chủ động, linh hoạt trong kế hoạch dạy và học.
“Tuy nhiên, để giáo viên có thể chủ động theo kế hoạch riêng phù hợp với phương pháp dạy học của mình, khả năng tiếp nhận của học sinh mình, giáo viên cũng cần sự đồng hành của cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh để không bị áp lực vì những khác biệt trong chương trình dạy học,” cô Minh nói.
Cùng chia sẻ này, cô Lê Thu Hương cho rằng theo quy định, giáo viên được quyền chủ động trong kế hoạch dạy học, chỉ cần cuối năm học sinh đạt yêu cầu đặt ra của chương trình.
“Vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá học sinh đọc thông, viết thạo ngay từ học kỳ 1 sẽ vô tình dễ khiến phụ huynh so sánh đồng thời gây áp lực cho giáo viên phải đạt mục tiêu này, nhất là trong bối cảnh lớp 1 năm học tới sẽ thêm nhiều khó khăn khi phải dạy và học trực tuyến ngay từ đầu năm,” cô Hương nói./.
Ý kiến ()