Chương trình Đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp vừa, nhỏ Đức-Việt
Hội thảo giới thiệu “Chương trình Đổi mới sáng tạo” dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức nghiên cứu của hai nước Đức-Việt Nam đã diễn ra ngày 12/6.
Ngày 12/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án AiF, Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức (BMWi) tổ chức hội thảo giới thiệu “Chương trình Đổi mới sáng tạo” dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và các tổ chức nghiên cứu của hai nước Đức-Việt Nam , hay còn gọi là Chương trình ZIM.
Tham dự hội thảo có ông Đặng Chung Thủy, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Đức; ông Trần Đông-Tham tán, Trưởng Đại diện Khoa học và Công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức ; bà Claudia Fluegel – cán bộ chuyên trách, đại diện Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức; ông Felix Richter – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Dự án AiF cùng đại diện một số doanh nghiệp, nhà khoa học đến từ các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu và hiệp hội tại Đức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tham tán Đặng Chung Thủy đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác, nghiên cứu phát triển và thương mại hóa công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức và Việt Nam, đặc biệt trong kỷ nguyên số hóa.
Ông cho biết với một nền kinh tế khá năng động như hiện nay cùng sự nỗ lực của chính phủ, đầu tư của tư nhân và những lợi thế về nhân lực, Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông cũng hy vọng qua cuộc hội thảo này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước Việt Nam-Đức sẽ có thêm nhiều cơ hội để trao đổi và tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Trong khi đó, Tham tán Trần Đông cho biết sự kiện lần này nằm trong chuỗi ba cuộc hội thảo giới thiệu Chương trình ZIM do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.
Hai cuộc hội thảo trước đó đã diễn ra tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 28/5 và 30/5 vừa qua.
Theo ông Đông, với mục đích hỗ trợ các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước có đầy đủ thông tin và có thể tham gia hiệu quả Chương trình ZIM, cuộc hội thảo lần này nhằm giới thiệu và hướng dẫn về quy trình xét duyệt, cơ chế tài chính cũng như cách thức hỗ trợ kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp hai nước.
Và đặc biệt trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmeier, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị phía Đức hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như một vài lĩnh vực khác, gồm công nghệ số, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Chương trình ZIM – được thực hiện trong khuôn khổ Ý định thư về Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ VIệt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức ký tháng 12/2012, góp phần chuyển giao công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực kỹ thuật cho lực lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các tổ chức khoa học-công nghệ của Việt Nam.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Felix Richter – Đại diện Ban Quản lý Dự án AiF, cho biết ngoài Việt Nam, Chương trình ZIM cũng đã hợp tác với 25 quốc gia trên thế giới. Hằng năm, chương trình này sẽ tổ chức các đợt thông báo kêu gọi các doanh nghiệp đề xuất các dự án khả thi để xin tài trợ.
Ông cũng hy vọng Chương trình ZIM lần này sẽ mở rộng lĩnh vực tài trợ hơn, qua đó thu hút được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
Tại cuộc hội thảo, các đại biểu tham dự cũng được nghe phần trình bày của một số doanh nghiệp Đức về các dự án hợp tác với Việt Nam, cũng như có các cuộc trao đổi, thảo luận về những nội dung liên quan đến Chương trình ZIM, trong đó có cơ chế hỗ trợ cũng như việc tìm kiếm các đối tác tin cậy tại Việt Nam và Đức./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()