Chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo: “Đòn bẩy” giúp người dân Lộc Bình vươn lên
- Thời gian qua, từ nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo do Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Bình triển khai, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế. Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng,...
Trước đây, gia đình bà Vi Thị Nguyện, thôn Phiêng Ét, xã Đông Quan là hộ nghèo, thiếu vốn để phát triển sản xuất. Năm 2019, được sự hướng dẫn của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn cũng như cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, gia đình bà đã làm hồ sơ vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư trồng, chăm sóc cây thông. Bà Nguyện chia sẻ: Nhờ có vốn, gia đình tôi đã mua phân bón, thuê người phát dọn một số diện tích rừng thông sắp đến tuổi khai thác, đồng thời trồng mới một phần cây thông. Trong quá trình sử dụng vốn, tôi còn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp tổ chức, nhờ đó, rừng thông của gia đình phát triển tốt, từ năm 2022 đến nay, một số diện tích thông cho khai thác, đem lại thu nhập cho gia đình tôi 90 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống từng bước được nâng lên.
Không chỉ gia đình bà Nguyện, hiện nay, trên địa bàn xã Đông Quan có gần 200 hộ nghèo đang vay vốn chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện với tổng dư nợ trên 13,4 tỷ đồng; đây là xã có dư nợ chương trình lớn nhất toàn huyện. Ông Âu Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông Quan cho biết: Những năm qua, nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo trên địa bàn xã đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ dân vay vốn để đầu tư trồng rừng thông, keo, bạch đàn. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo của xã. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 10,31%, giảm 4,12% so với năm 2022.
Cùng với xã Đông Quan, tính đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Bình đã cho vay chương trình cho vay hộ nghèo với tổng dư nợ 116,6 tỷ đồng cho trên 1.500 hộ vay. Đây là huyện có dư nợ cho vay chương trình hộ nghèo lớn nhất tỉnh.
Bà Bế Thị Viện, khu 3 Khòn Tòng, thị trấn Na Dương chia sẻ: Gia đình tôi trước đây thuộc diện hộ nghèo, năm 2015, tôi mạnh dạn vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê và trồng bưởi diễn. Nhờ có vốn, gia đình tôi trồng được trên 400 cây bưởi, duy trì đàn dê khoảng 25 - 30 con mỗi lứa (một năm nuôi được 2 lứa). Đến năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo và trả hết nợ cho ngân hàng. Năm 2021, tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng để mở rộng chuồng trại chăn nuôi cũng như chăm sóc cây bưởi. Từ đó, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng.
Ông Triệu Việt Quý, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Để chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo phát huy hiệu quả, những năm qua, Phòng Giao dịch đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tích cực tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình vốn đến các hộ nghèo. Hằng năm, đơn vị còn phối hợp cùng UBND các xã chủ động lập danh sách các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn, trên cơ sở đó, ngân hàng giải ngân nguồn vốn nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng. Đặc biệt, đơn vị phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan tuyên truyền lồng ghép về hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của huyện; các chương trình khuyến nông, lâm nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình.
Ngoài ra, Phòng Giao dịch còn phân công cán bộ tín dụng phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn, các tổ chức hội nhận ủy thác và tổ TK&VV nắm bắt nhu cầu vay vốn cũng như hoàn cảnh từng hộ nghèo để hướng dẫn và định hướng các hộ sử dụng vốn phù hợp, hiệu quả. Trong quá trình triển khai chương trình, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với chính quyền địa phương cùng các tổ chức hội, đoàn thể, tổ TK&VV nên các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Theo đó, tính từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp trên 6.200 lượt hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh đánh giá: Những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Bình luôn triển khai hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, nhờ đó, đơn vị luôn nằm trong tốp các phòng giao dịch có dư nợ cao của tỉnh. Đặc biệt, đây là huyện có dư nợ cho vay hộ nghèo và số hộ nghèo được vay vốn nhiều nhất tỉnh, qua đó đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn để vươn lên phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Từ những hiệu quả trên, có thể khẳng định, nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công tác giảm nghèo của huyện. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 7%, bình quân mỗi năm giảm trên 3%.
Ý kiến ()