Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Tiếp vốn kịp thời để người dân vươn lên
- Những năm qua, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã triển khai tốt chương trình cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, đây là chương trình cho vay có dư nợ tăng trưởng cao nhất của chi nhánh. Nguồn vốn được chuyển tải đến các đối tượng thụ hưởng đã góp phần chuyển đổi nghề, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.
Quỹ quốc gia về việc làm được thành lập từ năm 1992, là nguồn tín dụng ưu đãi cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. Hiện nay, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đang được thực hiện theo Nghị định 74 ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 ngày 9/7/2015 của Chính phủ (quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm).
Dẫn vốn đến người dân
Đối với những người lao động chưa có việc làm, thiếu vốn để phát triển sản xuất, nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được ví như “cần câu” để người dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập. Do đó, thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nỗ lực tuyên truyền, giải ngân kịp thời vốn vay đến các đối tượng thụ hưởng.
Theo Nghị định 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ (quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm), mức cho vay đối với người lao động được nâng lên tối đa 100 triệu đồng (trước đây là 50 triệu đồng); đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án (trước đây là 1 tỷ đồng/dự án). Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng). Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm). |
Ông Phan Anh Thắng, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Để triển khai hiệu quả chương trình cho vay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền về chương trình, mức vay, đối tượng thụ hưởng, mục đích sử dụng vốn vay. Hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các huyện, thành phố. Đồng thời, chỉ đạo phòng giao dịch NHCSXH các huyện giao chỉ tiêu đến các xã, phường, thị trấn; phối hợp với các tổ chức hội nhận ủy thác các cấp, UBND các xã, phường, thị trấn, các tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của người dân.
Ông Nguyễn Thanh Lạng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền để người dân nắm bắt rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình. Ngoài ra, đơn vị luôn chủ động rà soát nhu cầu vay vốn để tham mưu, đề xuất với ban đại diện cấp huyện, NHCSXH tỉnh cấp bổ sung vốn theo nhu cầu thực tế của người dân. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 1.280 hộ dân đang sử dụng vốn chương trình với dư nợ trên 70,5 tỷ đồng, tăng 16,3 tỷ đồng so với 31/12/2023.
Cùng với Phòng Giao dịch NHCSXH Bắc Sơn, tất cả các huyện trong tỉnh đều triển khai hiệu quả chương trình cho vay này và là chương trình cho vay có dư nợ tăng trưởng cao tại các đơn vị. Theo số liệu của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, tính đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ thuộc chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng trên 275 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Tổng số hộ còn dư nợ thuộc chương trình này là 15.326 hộ; bình quân số tiền vay là 66 triệu đồng/hộ. Trong đó, doanh số cho vay từ đầu năm đến nay là trên 458 tỷ đồng, với trên 6.100 hộ được vay.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Từ nguồn vốn vay của chương trình, nhiều hộ dân đã sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, qua đó, từng bước nâng cao thu nhập. Gia đình ông Hoàng Văn Cửu, thôn Bản Xả, xã Bính Xá, huyện Đình Lập là một trong những hộ tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn để phát triển kinh tế đồi rừng.
Ông Cửu chia sẻ: Gia đình tôi có diện tích rừng thông đã trồng lâu năm, tuy nhiên thiếu vốn để chăm sóc nên cây phát triển chậm. Năm 2018, được sự hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân xã và cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để mua phân bón cũng như thuê người phát dọn gần 5 ha rừng thông đã trồng trước đó. Nhờ đó, rừng thông phát triển tốt. Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm gia đình có thu nhập 200 triệu đồng từ khai thác nhựa thông và tạo việc làm cho 4 - 5 lao động thời vụ. Năm 2022, gia đình tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng từ chương trình này để trồng mới hơn 3 ha thông.
Tương tự, gia đình ông Đoàn Văn Công, hộ kinh doanh tại đường Bắc Sơn, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi chủ yếu kinh doanh các đồ dùng phục vụ gia đình, đặc biệt là bán buôn cho các tiểu thương tại các huyện trong tỉnh, do vậy rất cần vốn để xoay vòng. Năm 2023, trong lúc đang gặp khó khăn về vốn, gia đình tôi được cán bộ Chi nhánh NHCSXH tỉnh giải ngân cho vay 100 triệu đồng để đầu tư mua hàng hóa, mở rộng quy mô nhà kho, nhờ đó, hoạt động kinh doanh của gia đình tôi ổn định, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn của chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh đã được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế như trồng rừng, trồng cây ăn quả, sản xuất kinh doanh... Đặc biệt, khoảng 3 năm trở lại đây, đây là chương trình cho vay có dư nợ tăng trưởng cao nhất của Chi nhánh NHCSXH tỉnh. Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ vay đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, nhờ đó, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình chỉ chiếm 0,04%/tổng dư nợ chương trình.
Từ nguồn vốn vay chương trình này, tính từ năm 2014 đến nay đã giúp tạo việc làm mới cho hơn 56.000 lao động. Qua đó, giúp các hộ dân có thêm điều kiện để vươn lên phát triển kinh tế.
Những năm gần đây, nhu cầu vay vốn của người dân đối với chương trình này rất lớn, do đó, bên cạnh nguồn vốn được trung ương cấp, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 589 ngày 9/3/2021 về Đề án cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời ban hành Quyết định số 915 ngày 23/5/2024 về việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Đề án cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, từ đó tạo cơ sở để UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay.
Có thể thấy, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm thực sự đã tạo điều kiện để các hộ dân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu. Thời gian tới, để nguồn vốn chương trình phát huy hiệu quả, Chi nhánh NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các sở, ngành liên quan rà soát nhu cầu vay vốn của người dân để giải ngân kịp thời. Qua đó, giúp cho các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()