Chương trình cho thiếu nhi: Cần cả yếu tố giải trí và giáo dục
Nhiều chuyên gia cho rằng để chương trình thiếu nhi thực sự thu hút cần nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là được xã hội ủng hộ, có chính sách cởi mở về nội dung, đảm bảo tính giáo dục, giải trí.
Giải trí, giáo dục và an toàn là ba tiêu chí hàng đầu đối với các sản phẩm dành cho đối tượng thiếu nhi. Tuy nhiên, trước vụ việc YouTube không an toàn với trẻ em gây bức xúc vừa qua, nhiều người làm chương trình truyền hình cho thiếu nhi, người làm sân khấu, đạo diễn bày tỏ nỗi lo, đồng thời đưa ra giải pháp để các chương trình được đầu tư đúng mực, hấp dẫn.
Chưa kiểm soát nội dung chặt chẽ
Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội, YouTube, trẻ dễ dàng tìm kiếm đoạn video có nội dung như Heo Peppa Pig thử thách treo cổ, cầm dao hoặc Spiderman & Elsa có những hành động phản cảm, tự tử theo Momo…
Những nội dung độc hại này đều lựa chọn các nhân vật hoạt hình được nhiều trẻ em yêu mến. Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, các em không thể phân biệt được clip đó tốt hay nguy hại. Các em xem vì thích những thứ màu sắc, mới lạ, mang hình tượng mình yêu quý như công chúa, siêu nhân, anh hùng…
Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cho biết thay vì đưa trẻ tới rạp hát, lựa chọn kênh thiếu nhi phong phú, hấp dẫn, không ít phụ huynh có thói quen giao tivi, điện thoại cho con. Vì vậy, việc trẻ sử dụng công nghệ là điều không tránh khỏi, tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng chú ý, kiểm soát con mình đang xem gì.
Dẫn chứng về thực trạng trên, theo nghệ sỹ ưu tú Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu Nhỏ, chương trình thiếu nhi định kỳ sáng thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần bắt đầu từ ngày 14/3 phải hủy suất diễn vì chỉ bán được 3 vé do khoảng 70% trẻ sau giờ học chính khóa, cuối tuần sẽ đi học năng khiếu, học thêm, chỉ còn khoảng 30% phụ huynh nghĩ đến việc đưa trẻ đến nhà hát.
Con số này cũng giảm dần vì nhiều cha mẹ bận công việc, nhà xa. Trước đó, chương trình dự định chiếu 8 suất/tháng, sau đó rút xuống còn 4 suất/tháng.
Tương tự, ông Huỳnh Anh Tuấn, quản lý Sân khấu Kịch Idecaf cũng cố gắng duy trì suất diễn thiếu nhi định kỳ hàng tuần tại Nhà hát Nụ Cười với đa dạng loại hình từ kịch, ca nhạc tới múa rối, múa rối nước. Tuy nhiên do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng nhiều khó khăn nên chương trình đang tạm dừng.
Đạo diễn Hoàng Duẩn, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng YouTube hiện nay gần như không được kiểm soát, bên cạnh kho tri thức bao la là nhiều clip mang tính chất độc hại, dựa vào yếu tố “hot trend” nhằm thu hút trẻ.
Vì vậy, ông Hoàng Duẩn đề xuất nên có một kênh thiếu nhi do Nhà nước đầu tư mang tính bài bản, chất lượng. Theo đó, mỗi số cần làm thật sinh động với nhiều loại hình ca múa nhạc, kịch nói, múa rối, xiếc, cải lương…
Bên cạnh đó, cha mẹ khi giao thiết bị có kết nối internet cho con trẻ cũng cần kiểm soát nội dung, nghiêm cấm xem các kênh không được phép.
Nâng cao khả năng “tự miễn dịch” cho trẻ
Nhiều chuyên gia cho rằng, để chương trình thiếu nhi thực sự thu hút cần nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là được xã hội ủng hộ, có chính sách cởi mở về nội dung và đầu tư tài chính.
Theo đạo diễn Quách Khoa Nam, người từng làm 90 phim cổ tích lẻ và 100 tập cổ tích trên các chương trình truyền hình, các phim cổ tích vẫn được khán giả, đặc biệt là khán giả nhí yêu thích.
Chính vì thế, nếu có những phim hay, chương trình tốt, trẻ vẫn thích thú theo dõi. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần chú trọng đầu tư chương trình một cách chỉn chu, đúng chất cổ tích, tạo cho trẻ những sản phẩm gần gũi mà lạ lẫm, kích thích thị giác, nội dung thu hút, đi kèm với tính giáo dục nhằm kéo trẻ ra khỏi chiếc điện thoại thông minh.
Tương tự, ông Vũ Phong, Giám đốc Vietfilm Media, đơn vị từng sản xuất loạt phim hoạt hình dành cho trẻ em là “Chuyện của Đốm” cách đây 6 năm và “Cổ tích Việt Nam” đang phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long cho biết, hầu hết các nền tảng mạng xã hội đều được cung cấp bởi các hãng phương Tây nên cách tiếp cận của họ là tự do thông tin.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang có ý tưởng làm kênh thiếu nhi trên mạng xã hội nhưng đến nay chưa thể bắt tay vì những sản phẩm được đưa lên YouTube đòi hỏi phải mang tính “toàn cầu,” sử dụng tiếng Anh, nhân vật hoạt hình hấp dẫn.
Bà Lê Thị Phương Thủy, người từng phụ trách nội dung kênh thiếu nhi HTV3, cho rằng làm nội dung cho thiếu nhi phải chọn lọc và đảm bảo yếu tố giáo dục, chứ không chỉ đơn thuần là giải trí.
Theo đó, ngoài lựa chọn theo dõi các chương trình thiếu nhi trên truyền hình cũng có thể cho trẻ xem tivi kết nối internet để mở chương trình mà cha mẹ có thể kiểm soát được nhằm hạn chế việc sử dụng điện thoại, máy tính bảng.
Ở góc độ giáo dục, thầy Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10), cho biết ở độ tuổi trung học cơ sở và trung học phổ thông, học sinh đã bắt đầu nhận thức được và biết cách lựa chọn thông tin. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng tới những buổi sinh hoạt về cách sử dụng mạng xã hội để học sinh tiếp cận kiến thức tích cực.
Song song với đó, cha mẹ cũng nên giáo dục con mình hằng ngày, nhắc nhở các em không tương tác với những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm duyệt. Theo thầy Phú, giáo dục luật an ninh mạng là rất cần thiết và phải áp dụng hình thức kỷ luật mạnh để đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành, môi trường số cũng giống như ngoài đời thực, mỗi người đều phải học cách thích nghi với những niềm vui cũng như nguy cơ.
Để bảo vệ trẻ khỏi những điều nguy hiểm, chính cha mẹ, nhà trường cần quan tâm, sát sao nhiều hơn khi trẻ sử dụng các nền tảng. Gia đình và nhà trường cùng phối hợp nâng cao khả năng “tự miễn dịch” với các thông tin xấu trên mạng của các em.
Đồng quan điểm này, tiến sỹ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, người từng có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về trẻ em cho rằng, cha mẹ cần chủ động làm bạn với công nghệ, tạo thói quen cùng con vào mạng, xem một đoạn phim, YouTube và thảo luận một cách hài hước, vui vẻ. Trong quá trình ấy, cha mẹ sẽ có cơ hội hướng con đến những nội dung thú vị, có ích, mang tính giáo dục mà vẫn đáp ứng nhu cầu giải trí.
Bên cạnh đó, cần hướng sở thích của trẻ đến những hoạt động cụ thể, bổ ích. Trong thời đại công nghệ số, cha mẹ không thể cấm trẻ tiếp cận các thiết bị công nghệ nhưng nhất thiết phải giám sát để định hướng cho trẻ khỏi ảnh hưởng bởi các nội dung thiếu lành mạnh./.
Ý kiến ()