Chương trình 135 ở Tràng Định: Bước chuyển tích cực
LSO- Tràng Định là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh với 7 xã vùng III, 81 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 93%. Những năm qua, chương trình 135 được thực hiện đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng
Tôi từng có dịp theo đoàn công tác của tỉnh đi trao nhà tình nghĩa tại thôn Khau Slâm, một thôn còn nhiều khó khăn của xã biên giới Đội Cấn. Những tưởng con đường chúng tôi đi sẽ lầy lội bùn đất hoặc phải cuốc bộ nhiều giờ đồng hồ, thế nhưng hiện ra trước mắt lại là con đường bê tông thẳng tắp dẫn đến từng nhà. Chị Nguyễn Thị Huế, người dân thôn Khau Slâm chia sẻ: “Trước đây, đường vào xã đều là đường đất, đi lại rất khó khăn. Từ nguồn vốn chương trình 135 nhiều tuyến đường được xây dựng, bà con nhờ thế có cơ hội giao lưu, mua bán và trao đổi hàng hóa với địa phương khác”.
Được biết, hiện tại công trình làm đường bê tông xi măng giai đoạn II tại xã Đội Cấn đang trong quá trình thi công, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng đầu tháng 12/2015. Đây là điều kiện thuận lợi giúp nhân dân trong xã tiếp cận khoa học kỹ thuật, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Người dân huyện Tràng Định sơ chế sắn
Ông Triệu Hữu Hương, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tràng Định cho biết: từ năm 2014 đến nay, toàn huyện có 31 công trình được đầu tư xây dựng gồm đường giao thông nông thôn, trạm y tế, nhà văn hóa, điện… Riêng trong năm 2015, huyện đã khởi công xây mới 11 công trình, gồm 7 đường giao thông, 3 trạm hạ thế và 1 công trình nước với tổng nguồn vốn trên 10,1 tỷ đồng.
Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất
Năm 2015, huyện Tràng Định được phân bổ nguồn vốn thuộc hợp phần hỗ trợ sản xuất là gần 2,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn dành cho các xã thụ hưởng 135 là 1,7 tỷ, vốn cho các thôn ĐBKK là 700 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, việc hỗ trợ phân bón, cây, con giống và máy nông cụ đã mang lại lợi ích thiết thực cho bà con. Nếu như trước đây, nhân dân chỉ độc canh cây lúa, cây ngô thì nay đã đa dạng nhiều mô hình sản xuất phù hợp với đặc thù địa phương như: chăn nuôi dê, bò, trồng nấm, trồng rừng…
Ông Nông Văn Thành, người dân xã Chí Minh cho biết: gia đình tôi đông nhân khẩu, diện hộ nghèo của xã nhiều năm nay. Từ chương trình 135, cuối năm 2014, gia đình tôi được hỗ trợ một số giống cây ngô mới và phân bón… Ông Thành rất vui mừng và cho biết sẽ cùng các thành viên trong gia đình tích cực lao động sản xuất, tăng thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững.
Có thể thấy, chương trình 135 đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo nên diện mạo, sức sống mới tại vùng đồng bào DTTS của huyện Tràng Định. Điều này được thể hiện ở việc trên 90% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước hợp vệ sinh; 98% số xã có đường ôtô đi được 4 mùa; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4-5%/ năm, hộ nghèo vùng DTTS giảm từ 3%/ năm, đến nay còn 10%.
Bài, ảnh: KHÁNH TRANG
Ý kiến ()