LSO-Là huyện vùng cao biên giới, trong những năm qua, kinh tế của Tràng Định luôn được duy trì và phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 10%. Trong đó, chủ yếu là phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ và một số ngành nghề khác. Đạt được kết quả nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành chức năng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn phải kể đến sự đóng góp rất lớn từ Chương trình (CT) 135 của Chính phủ. Có thể nói, CT 135 như một chiếc đòn bẩy cho các xã đặc biệt khó khăn của Tràng Định vươn lên.Con đường được mở từ Chương trình 135 ở xã Tân Yên (Tràng Định)Thực hiện CT 135 giai đoạn I, từ năm 1999 đến năm 2005, huyện Tràng Định có 13 xã được thụ hưởng, gồm: Bắc Ái, Cao Minh, Chí Minh, Khánh Long, Đoàn Kết, Tân Yên, Kim Đồng, Vĩnh Tiến, Tân Minh, Quốc Khánh, Trung Thành, Đội Cấn và Đào Viên. Trong những năm qua, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã được...
LSO-Là huyện vùng cao biên giới, trong những năm qua, kinh tế của Tràng Định luôn được duy trì và phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao, trên 10%. Trong đó, chủ yếu là phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ và một số ngành nghề khác.
Đạt được kết quả nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành chức năng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn còn phải kể đến sự đóng góp rất lớn từ Chương trình (CT) 135 của Chính phủ. Có thể nói, CT 135 như một chiếc đòn bẩy cho các xã đặc biệt khó khăn của Tràng Định vươn lên.
|
Con đường được mở từ Chương trình 135 ở xã Tân Yên (Tràng Định) |
Thực hiện CT 135 giai đoạn I, từ năm 1999 đến năm 2005, huyện Tràng Định có 13 xã được thụ hưởng, gồm: Bắc Ái, Cao Minh, Chí Minh, Khánh Long, Đoàn Kết, Tân Yên, Kim Đồng, Vĩnh Tiến, Tân Minh, Quốc Khánh, Trung Thành, Đội Cấn và Đào Viên. Trong những năm qua, các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường đến trung tâm xã, đường liên thôn, trường học, nước sạch sinh hoạt, đường điện hạ thế, trạm y tế…bằng nguồn vốn CT 135 lồng ghép với một số nguồn vốn khác…Những công trình 135 được đầu tư xây dựng đang từng bước góp phần làm thay đổi diện mạo các xã đặc biệt khó khăn vùng cao biên giới. Qua đó, đã tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế-xã hội, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho nhân dân các dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn đi lại, giao lưu hàng hoá được dễ dàng, thuận lợi. Đến năm 2007, đã có 4 xã được ra khỏi CT 135, gồm: Kim Đồng, Đào Viên, Quốc Khánh và Đội Cấn. Năm 2008 thêm 1 xã được ra khỏi CT 135 là Chí Minh và bổ sung thêm 4 thôn ĐBKK thuộc 3 xã khu vực II được đầu tư theo CT 135 giai đoạn II của Chính phủ.
Trong cả 2 giai đoạn của CT 135, huyện Tràng Định đã được đầu tư trên 70 tỷ đồng, chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, sửa chữa nâng cấp đường giao thông đến trung tâm xã trên 13 km; mở mới đường liên thôn, liên xã gần 140 km; xây dựng ngầm gần 10 công trình và nhiều công trình trường học, thuỷ lợi, đập, mương dẫn nước, nước sinh hoạt, đường điện, trụ sở UBND xã, san ủi mặt bằng, xây dựng trường học, phòng học…Việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của địa phương.
|
Đường giao thông đi lại thuận tiện góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn của Tràng Định |
Hơn 10 năm qua, các công trình được xây dựng mới và sửa chữa đều phát huy hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, góp phần xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, tạo cơ sở vật chất cho các bước phát triển tiếp theo. Đến nay, 100% các xã đặc biệt khó khăn có đường ôtô đến trung tâm xã có thể đi được 4 mùa. Các công trình thuỷ lợi đã phát huy ngay hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm tăng diện tích canh tác, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng của địa phương. Kết cấu hạ tầng phát triển nhanh bước đầu đã đáp ứng phát triển sản xuất và phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân. CT 135 đã tạo nên bước chuyển về chất trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo tiền đề để nhân dân sống ở các xã đặc biệt khó khăn vững bước vươn lên trong cuộc sống.
Việc thực hiện có hiệu quả CT 135 trên địa bàn huyện Tràng Định đã góp phần thiết thực làm cho nền kinh tế-xã hội của địa phương có nhiều đổi thay rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đời sống nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện, nhất là các xã ĐBKK. Và có lẽ điều quan trọng hơn cả là tạo được niềm tin của đồng bào các xã ĐBKK vào Đảng và Nhà nước.
Đức Anh
Ý kiến ()