1
89
5019113
113
Chương mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc - Báo Lạng Sơn: Tin tức mới nhất, chính xác, uy tín
https://baolangson.vn/chuong-moi-trong-quan-he-lang-gieng-huu-nghi-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-quo-5019113.html
longform
Chương mới trong quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc

Cover

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu Nhân.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm góp phần quan trọng thúc đẩy định hướng xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Ưu tiên hàng đầu, lựa chọn chiến lược

Tại thủ đô Bắc Kinh, trong không khí chân thành, hữu nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chương trình làm việc phong phú và có ý nghĩa quan trọng, nổi bật là cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; các cuộc hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh và Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế.

Trên nền tảng quan hệ đã được lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, hai bên chia sẻ nhận định về những bước phát triển lớn của quan hệ hai nước, nhất là sau hai chuyến thăm lịch sử của các nhà lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước trong các năm 2022 và 2023.

Nhấn mạnh phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, hai bên cùng chia sẻ mong muốn thực hiện nghiêm túc phương hướng “6 hơn” với nhận thức chung và những kết quả đạt được trong các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước. Đặc biệt là “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.

Ảnh tràn viền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu quan trọng của Việt Nam đạt được trong gần 40 năm đổi mới, gần 15 năm thực hiện “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, đặc biệt là những thành quả quan trọng, nổi bật, toàn diện kể từ sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay, thúc đẩy sức mạnh tổng hợp và ảnh hưởng quốc tế của Việt Nam đạt tới tầm cao chưa từng có.

Ảnh tràn viền

Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng chúc mừng Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tổ chức thắng lợi, đánh giá cao những thành tựu vĩ đại mà Trung Quốc đạt được trong thời kỳ mới.

Hai bên cùng khẳng định sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại của mỗi nước. Trong đó, Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Ảnh tràn viền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: TTXVN)

Ảnh tràn viền

Hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đạt nhất trí cao về việc tăng cường tin cậy chính trị, duy trì giao lưu, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.

Khẳng định vai trò định hướng chiến lược của kênh Đảng đối với tổng thể quan hệ hai nước, hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ mong muốn tiếp tục đi sâu hợp tác lý luận, thông qua các cơ chế như Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, kịp thời chia sẻ những thành quả mới nhất về lý luận và thực tiễn của mỗi Đảng, mỗi nước, có ý nghĩa thiết thực đóng góp vào sự nghiệp của mỗi Đảng, mỗi nước.

Đồng thời, hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ mong muốn tiếp tục tăng cường giao lưu hữu nghị và phát huy vai trò của các cơ chế Ủy ban hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức ở Trung ương và các tỉnh biên giới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.

Đặc biệt là tăng cường điều phối tổng thể, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hai nước xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, tăng cường các cơ chế, hình thức trao đổi, hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng, an ninh... thông qua Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.

Ảnh tràn viền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: TTXVN)

Nhấn mạnh việc hai nước đang hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2025, hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhất trí về sự cần thiết tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân, thúc đẩy hiểu biết, tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ. Hai bên thống nhất xác định năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc” và tiến tới cùng tổ chức chuỗi hoạt động chúc mừng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc.

Cùng hướng đến tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền và 15 năm ký ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp thực hiện hiệu quả các văn kiện pháp lý, đồng thời, tăng cường hợp tác tại khu vực biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Chia sẻ mong muốn duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, hai bên nhất trí không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, tích cực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên cùng chấp nhận được. Nhất là phù hợp với “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Tại thủ đô Bắc Kinh, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc.

Nhân chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến các ban, bộ, ngành, địa phương hai nước ký kết các văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực hợp tác trường đảng, xuất nhập khẩu nông sản, phát thanh truyền hình, nghiệp vụ truyền thông báo chí, y tế, cơ sở hạ tầng, kinh tế thương mại, công nghiệp, ngân hàng...

Ảnh tràn viền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến Lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước. (Ảnh: TTXVN)

14 văn kiện hợp tác được ký kết tại Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh

1. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (Học viện Hành chính Quốc gia) nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

2. Bản ghi nhớ về việc hợp tác công nghiệp giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

3. Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả dự án viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

4. Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Y tế Quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hợp tác y tế.

5. Bản ghi nhớ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc về tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin về nghiệp vụ ngân hàng.

6. Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

7. Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

8. Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

9. Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về thúc đẩy các dự án hợp tác phát triển trong lĩnh vực xã hội và dân sinh.

10. Công thư giữa Bộ Giao thông Vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về nghiên cứu tính khả thi của Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắc khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn–Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hà Nội.

11. Thỏa thuận hợp tác nghiệp vụ giữa Thông tấn xã Việt Nam, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và Tân Hoa xã, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

12. Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh truyền hình Trung ương Trung Quốc.

13. Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Quản lý trung y dược quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hợp tác trong lĩnh vực y dược cổ truyền.

14. Bản ghi nhớ về Chương trình trao đổi Báo chí-Truyền thông giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Toàn quốc Trung Quốc giai đoạn năm 2024-2029.

Cùng 2 văn kiện được tuyên bố tại lễ ký kết:

1. Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

2. Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Sơn Đông nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Khuôn khổ hợp tác, hạ tầng kết nối

Khẳng định mong muốn tăng cường và phát huy các lĩnh vực hợp tác thực chất, hai đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư, tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng đường sắt, đường bộ, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng...

Cùng khẳng định hợp tác quốc phòng-an ninh là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thông qua các kênh, như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, Đối thoại quốc phòng an ninh, tăng cường giao lưu các cấp giữa quân đội hai nước... Qua đó, làm sâu sắc giao lưu biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực như công tác chính trị, công nghiệp quốc phòng, tàu hải quân thăm lẫn nhau, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị hai bên tăng cường hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao, tương xứng với tin cậy chính trị, thể hiện được trình độ phát triển và khoa học công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Đồng chí đề nghị Trung Quốc hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư chất lượng vào các công trình cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm của Việt Nam, tăng cường hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực Trung Quốc có nhiều ưu thế như kinh tế xanh, kinh tế số...

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tăng cường nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam, mở rộng các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Nhằm thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, qua đó, thực hiện tốt Kế hoạch hợp tác kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hai bên nhất trí thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu, đồng thời, nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh.

Ảnh tràn viền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: TTXVN)

Trung Quốc đồng ý cung cấp hỗ trợ để Việt Nam lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn-Hà Nội và Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng, xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 (Tân Thanh-Pò Chài).

Hai bên cùng mong muốn khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia, trọng điểm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, kết cấu hạ tầng; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo....

Đồng thời, phát huy tốt vai trò của “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP) và Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA); sử dụng tốt các nền tảng về thương mại điện tử, hội chợ triển lãm; tăng cường hợp tác hải quan, mở rộng xuất khẩu hàng hóa thế mạnh của nước này sang nước kia.

Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền
Ảnh tràn viền

Trên bình diện đa phương, hai bên nhất trí tăng cường điều phối, hợp tác, phối hợp trong các cơ chế, diễn đàn như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), ủng hộ nhau ứng cử vào các tổ chức quốc tế. Trung Quốc khẳng định ủng hộ ASEAN xây dựng Cộng đồng đoàn kết, thống nhất, tự cường và phát triển, duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực. Đồng thời, ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC 2027.

Hai bên đồng ý thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến lớn như Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu… với mục tiêu bảo vệ lợi ích chung của toàn nhân loại, vì sự nghiệp hòa bình, chính nghĩa và tiến bộ của nhân dân thế giới, đáp ứng mong muốn xây dựng thế giới tốt đẹp của nhân dân các nước.

Khẳng định sự cần thiết tăng cường hơn nữa giao lưu nhân dân, thúc đẩy hiểu biết, tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước, hai bên nhất trí phát huy vai trò của Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Việt Nam, đồng thời, hoan nghênh Việt Nam đặt Trung tâm văn hóa tại Trung Quốc. Hai bên cùng chia sẻ mong muốn tăng cường giao lưu văn hóa, hợp tác về truyền thông, tin tức, xuất bản, phát thanh, truyền hình; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, y học cổ truyền, phòng chống, giảm thiểu tác hại thiên tai…

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp gỡ đại diện các tổ chức hữu nghị, thân nhân các gia đình tướng lĩnh cách mạng, chuyên gia, cố vấn từng tham gia giúp đỡ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, cũng như các cán bộ, nhân viên tham gia công tác bảo tồn các di tích liên quan đến cách mạng Việt Nam, cùng nhân sĩ trí thức, thanh niên tiêu biểu của Trung Quốc.

Ảnh tràn viền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân thăm Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. (Ảnh: TTXVN)

Diễn ra vào dịp kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Quảng Châu trên hành trình tìm đường cứu nước, hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Quảng Châu thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam về sự phối hợp, hỗ trợ của Trung Quốc với cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử.

Ảnh tràn viền

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị mới là hoạt động quan trọng trong triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, trong đó có chính sách coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc.

Với những thỏa thuận cấp cao và kết quả cụ thể đạt được, chuyến thăm góp phần củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mang lại nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đề ra.