Chuỗi thực phẩm an toàn và khâu giết mổ không an toàn
Lướt qua thông tin của một vài địa phương trong thời gian qua về chuyện lò giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư, không khỏi giật mình bởi những thực tế “Quản lý an toàn thực phẩm, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư vẫn còn nhiều cái khó” hoặc “Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tiền tỷ đắp chiếu”! Làm sao lại có những nghịch lý như vậy?
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Thực tế, nhiều hộ dân khi tham gia vào giết mổ gia súc, gia cầm đều tự phát, phần lớn lấy điểm tựa là sân vườn hoặc trái bếp, gian nhà của chính mình làm lò mổ. Khi khởi nghiệp bằng cái nghề này, trong một vài tuần đầu, họ đo đếm lượng thịt đưa ra thị trường tiêu thụ và số đầu con gia súc, gia cầm giết mổ, cũng là khoảng thời gian tập nghề cho quen tay. Tuy nhiên, khi đạt được sản lượng đặt ra, hài lòng với thu nhập, thì cũng là lúc những mâu thuẫn âm ỉ phát sinh. Chất thải từ lò mổ tự phát ngày càng lớn không còn chỗ xử lý xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nặng, cả nguồn nước, không khí…
Rõ ràng dù là lò mổ tập trung hay điểm giết mổ nhỏ lẻ cũng cần phải đặt ra tiêu chí rõ ràng, có cam kết vệ sinh, cam kết thời gian cụ thể, không để một nhà hưởng lợi, cả xóm bịt khẩu trang. Thí dụ, tại huyện Núi Thành (Quảng Nam) mới chỉ có 2 cơ sở giết mổ tập trung và vẫn còn tồn tại 108 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư. Tại tỉnh Thanh Hóa, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh, các cơ sở giết mổ tập trung mới chỉ đạt 0,5%, số còn lại vẫn ở trong khu dân cư.
Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư vẫn ngang nhiên tồn tại và có phần “ương bướng” không chịu di dời, ngay cả khi sát nách là nhà anh em, bà con thân thích của họ. Thậm chí vì lợi ích cá thể, họ còn thách thức cả những người có ý định đầu tư một lò mổ tập trung. Bởi họ biết lò mổ tập trung sẽ khó tồn tại trong bối cảnh “tranh tối tranh sáng” lợn chết, bò bệnh, gà dù… như hiện nay.
Còn một lý do không kém phần quan trọng gây khó cho việc ra đời các lò mổ tập trung là vì dân kinh doanh giết mổ tự phát còn có những lợi nhuận “luật bất thành văn”.
Về phía người có vốn muốn đầu tư lò mổ tập trung, thì băn khoăn khi làm xong hạ tầng, các cấp chính quyền có khẩn trương vào cuộc để đưa những lò mổ rải rác kia vào điểm tập trung không? Việc kiểm soát súc vật đầu vào cũng như đầu ra là vận chuyển cung ứng thị trường, có bảo đảm minh bạch hay không?… Những vấn đề này cần thời gian, cần cam kết cụ thể thì nhà đầu tư mới yên tâm triển khai.
Còn một lý do không kém phần quan trọng gây khó cho việc ra đời các lò mổ tập trung là vì dân kinh doanh giết mổ tự phát còn có những lợi nhuận “luật bất thành văn”. Lợi nhuận này sẽ biến mất từ vòng “gửi xe”, nếu họ tham gia lò mổ tập trung đàng hoàng minh bạch. Thí dụ, lợn nái già thải được thu mua với giá rẻ bèo, sau khi giết mổ, thịt sẽ được “hô biến” thành thịt bò hoặc thịt trâu bán giá cao hơn. Đôi chỗ, lò mổ liên kết với những hộ chăn nuôi bò sữa, để thu mua bò sữa chết với giá rẻ. Sau công đoạn xe tải chở bò sữa chết vào buổi tối, sáng ra, người tiêu dùng đâu biết được loại thịt nào là bò cỏ, loại nào là bò sữa, lại được người bán bớt cho năm mười giá mỗi cân thì ai cũng lấy làm vui mừng.
Hiện tại, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đang tìm quỹ đất và đầu tư hạ tầng kêu gọi các chủ doanh nghiệp đầu tư thiết bị cho lò mổ tập trung, thu phí trên số lượng hoặc kg thực phẩm. Lò mổ tập trung cũng giúp cho việc thu gom mỡ vụn, ruột thừa chế biến thức ăn cho lươn, cá. Quy hoạch các chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư vào các điểm tập trung, xa khu dân cư cần rốt ráo và thực hiện càng nhanh càng tốt.
Khảo sát một số huyện, thị trấn, không những cán bộ thú y kiểm dịch kêu khó khăn, khi lực lượng thì mỏng mà lò mổ thì quá nhiều, rải rác. Các cán bộ vẫn luôn muốn né câu hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là câu hỏi về lò mổ trong khu dân cư. Họ luôn trả lời cho qua chuyện, rằng chúng tôi đang tìm quỹ đất, chúng tôi rất mong có doanh nghiệp đầu tư…
Thứ nhất, môi trường sống của người dân bên cạnh hoặc gần lò mổ được trong lành. Thứ hai là kiểm soát được an toàn thực phẩm. Thứ ba là kiểm soát được dịch bệnh lây trên đàn vật nuôi. Thứ tư là, góp phần giải tỏa được những mâu thuẫn cộng đồng. Thứ năm là giúp cho cán bộ thú y thuận lợi trong kiểm dịch gia súc, gia cầm, giúp người tiêu dùng không mua nhầm sản phẩm chứa mầm bệnh.
Khảo sát một số huyện, thị trấn, không những cán bộ thú y kiểm dịch kêu khó khăn, khi lực lượng thì mỏng mà lò mổ thì quá nhiều, rải rác. Các cán bộ vẫn luôn muốn né câu hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là câu hỏi về lò mổ trong khu dân cư. Họ luôn trả lời cho qua chuyện, rằng chúng tôi đang tìm quỹ đất, chúng tôi rất mong có doanh nghiệp đầu tư…
Một chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc minh bạch, rõ ràng và an toàn không thể thiếu lò mổ tập trung. Ngay một lúc không thể bỏ hết chợ dân sinh truyền thống để thay bằng siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Cũng như vậy cũng không thể một lúc đòi hỏi công nghệ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phủ khắp các làng, xã, thôn bản. Song quản lý theo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường là tiêu chí phải kiểm soát, dù là truyền thống hay hiện đại. Đây cũng là lúc chúng ta phải đi đến cam kết an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ý kiến ()