Chủng virus corona mới tại Việt Nam có độ lây lan nhanh hơn trước
Trong bốn ngày qua, Việt Nam ghi nhận thêm hàng chục ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi có liên quan tới ba bệnh viện tại Đà Nẵng. Virus được phát hiện từ những ca bệnh này được xác định là chủng mới xuất hiện tại Việt Nam.
Xác định chủng virus corona thứ 6 lây lan nhanh hơn trước
Kết quả phân tích nguồn gene từ các bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng cho thấy, Việt Nam ghi nhận thêm chủng virus mới, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận.
Như vậy, sau khi phát hiện năm chủng Covid-19 khác nhau lưu hành trên những bệnh nhân Covid-19 trong nước, với những ca bệnh vừa được xác định tại Đà Nẵng, Việt Nam xác định thêm chủng Covid-19 thứ 6. Hiện, Bộ Y tế đã đưa lên ngân hàng gene thế giới để so sánh
GS, TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bản chất virus corona luôn có đột biến và hiện nay trên thế giới đã xác định được gần 99 chủng virus corona lan tràn trên thế giới. Việt Nam mới ghi nhận chủng thứ 6, còn quá ít so với các chủng này trên thế giới.
Theo BS Kính, chủng mới có độ lây lan nhanh hơn rất nhiều nhưng độc lực so với virus ban đầu không tăng lên.
“Với chủng virus mới có độ lây lan nhanh, sẽ có thêm nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng chỉ 5% trong số đó diễn biến thành nguy kịch. Điều đó lý giải vì sao ở thế giới vọt lên một triệu ca trong ba ngày và cán mốc hơn 16 triệu ca mắc trong thời gian qua nhưng số tử vong đang dần được kiểm soát”, BS Kính nói.
Khi xác định được độ lây lan của virus chủng mới, Việt Nam sẽ cố gắng truy vết, cách ly từ F0 đến F3, cắt đứt dường lây truyền để nó không lây lan nhanh. Những vùng có nhiều bệnh nhân thực hiện phong tỏa tạm thời quy mô nhỏ. Trong địa bàn có dịch phải giãn cách xã hội, tăng cường hoạt động dự phòng đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay, khuyến cáo người dân không tụ tập đông người.
GS Kính khẳng định, thế giới còn ca bệnh thì vẫn có nguy cơ lọt ca bệnh vào Việt Nam. Nhưng chúng ta không hoang mang, không sợ hãi và phải bình tĩnh chiến đấu. “Chúng ta có kinh nghiệm giai đoạn 1 trong truy vết các ca bệnh. Về phong tỏa, chúng ta cũng đạt trình độ cao hơn, không cần phải phong tỏa cả nước như một số quốc gia. Chúng ta phong tỏa từng vùng có dịch để kiểm soát tình hình, giúp người dân yên ổn”, GS Kính cho hay.
Chỉ trong tháng 7, Đà Nẵng đón 80 nghìn lượt khách và hiện nay chúng ta phải truy vết 80 nghìn người này.
Về tình hình điều trị, GS Nguyễn Văn Kính cho hay, bệnh nhân 418 có diễn biến nặng hơn bệnh nhân 416 đang phải sử dụng ECMO. Đây là người vừa mắc tiểu đường, tăng huyết áp, thở máy, toan hô hấp rất nặng. Tại cuộc hội chẩn gần nhất, các chuyên gia cũng đã bàn luận về việc điều trị cá thể hóa cho bệnh nhân này.
“Càng nhiều ca chạy ECMO việc cung ứng máy móc và nhóm chuyên gia thực hiện cũng là vấn đề. Chúng ta phải dồn sức, triển khai điều phối quyết liệt nhanh chóng theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo và Tiểu Ban Điều trị, cố gắng cứu chữa hiệu quả cao nhất. Không ai trong cuộc chiến này nói một cách duy ý chí là cứu được hết vì việc phục hồi còn phụ thuộc vào từng cá thể”, PGS Kính cho hay.
BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, để xác định virus SARS-CoV-2 có biến chủng hay không phải làm giải trình tự gen xem virus đó bản chất ban đầu có khác biệt gì không.
“Ngày trước, chúng ta nghĩ virus khó sống trong môi trường không khí nóng. Nhưng thời gian gần đây, dịch phức tạp hơn. Ngay cả những nơi nóng như châu Phi vẫn tồn tại virus này. Có vẻ có sự thay đổi về điều kiện lây nhiễm virus”, BS Hùng nói.
Đã có lây nhiễm chéo trong cộng đồng
Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng cho rằng, về bản chất, việc lây nhiễm chéo tại các bệnh viện ở Đà Nẵng cũng diễn biến như Bệnh viện Bạch Mai.
Đến nay, Đà Nẵng đã phong tỏa ba bệnh viện gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng yêu cầu người dân tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá hai người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
“Đây là mức độ cao nhất, thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập cũng như áp dụng triệt để mọi biện pháp. Điều này tương tự cách chúng ta đã triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai”, PGS, TS Trần Đắc Phu cho hay.
Hiện nay đã xác định 15 ca mắc mới có sự lây nhiễm chéo trong cộng đồng, trong đó có bốn cán bộ y tế.
“Chúng ta chưa phát hiện được nguồn lây và là các ca lây nhiễm trong cộng đồng nên sẽ phức tạp. Tôi cho rằng phải điều tra kỹ xem họ có triệu chứng từ ngày nào. Tuy nhiên, hiện tại, chắc chắn là có sự lây chéo trong bệnh viện vì ca dương tính trong những bệnh viện này nhiều”, ông Phu nói.
Theo đó, chuyên gia này cũng nhấn mạnh, các bệnh viện khác trong cả nước phải tiếp tục tăng cường chống dịch. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn biện pháp chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Trong tình hình hiện nay, các cơ sở này càng phải thực hiện quyết liệt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()