Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính: Tiện ích cho người dân
– Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí giao dịch. Qua đó, đem lại sự tiện lợi, hài lòng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC).
Từ ngày 1/7/2020, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai đồng loạt trên toàn quốc. Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị thay thế cho bản chính được ký số, đóng dấu, bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác, có giá trị sử dụng thay cho bản chính, dùng để đối chiếu trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người dân chỉ cần làm một lần, dữ liệu được lưu trữ trên tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia, có thể sử dụng bất cứ khi nào.
Công chức tư pháp – hộ tịch phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn hướng dẫn công dân chuẩn bị hồ sơ để chứng thực bản sao điện tử từ bản chính
Chị Nguyễn Hoài Thu, khối 11, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng sơn cho biết: Cuối năm 2022, tôi đến UBND phường làm thủ tục chứng thực bản sao điện tử căn cước công dân. Từ khi có bản sao điện tử, mỗi khi làm TTHC gì cần có căn cước công dân thì tôi sử dụng bản sao này, không cần cầm bản giấy đi như trước đây. Tôi thấy bản sao điện tử rất thuận tiện, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại, công việc được giải quyết nhanh, gọn hơn.
Để người dân quan tâm, biết đến và sử dụng dịch vụ này, ngành tư pháp đã đẩy mạnh tuyên truyền về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Theo đó, Sở Tư pháp, phòng tư pháp các huyện, thành phố đã quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân, doanh nghiệp về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. UBND cấp xã cũng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: trực tiếp hướng dẫn, phổ biến khi người dân đến bộ phận “một cửa” để thực hiện các TTHC; lồng ghép qua họp thôn, tổ dân phố; hệ thống loa truyền thanh; mạng xã hội…
Ông Nguyễn Minh Chí, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: So với bản giấy thì bản sao điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Khi sử dụng bản sao chứng thực điện tử, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các TTHC đã được cung cấp trên môi trường điện tử, không phải nộp bản sao chứng thực hoặc xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ. Với một bản sao chứng thực điện tử, công dân sử dụng được cho nhiều bộ hồ sơ, thay vì mỗi bộ phải có một văn bản chứng thực riêng, do vậy, tiết kiệm được rất nhiều về công sức, thời gian đi lại, chi phí. Thời gian qua, phòng đã tham mưu lãnh đạo sở trình UBND tỉnh thực hiện các giải pháp có hiệu quả nhằm triển khai thực hiện tốt quy định cấp bản sao chứng thực điện tử từ bản chính. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, tập huấn về nội dung này cho đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch. Đơn cử năm 2022, Sở Tư pháp đã tổ chức 6 lớp tập huấn công tác chứng thực, hộ tịch cho 240 đại biểu là lãnh đạo phòng tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã; công chức tư pháp làm công tác chứng thực của 11/11 phòng tư pháp các huyện, thành phố; công chức tư pháp – hộ tịch của 200/200 xã, phường, thị trấn.
Không chỉ cấp tỉnh, tại cấp huyện cũng đã chú trọng tổ chức các cuộc tập huấn chuyên đề về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Đơn cử năm 2022 có Phòng Tư pháp thành phố và UBND huyện Đình Lập tổ chức tập huấn chuyên đề về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính…
Cùng với đó, để tăng cường việc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu tỷ lệ thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại các cơ quan thực hiện chứng thực trên địa bàn tỉnh từ quý IV/2022 và năm 2023. Cụ thể: phòng tư pháp các huyện, thành phố; UBND các xã, phường thuộc thành phố Lạng Sơn; UBND các thị trấn thuộc các huyện tỷ lệ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đạt từ 10% trở lên/tổng số chứng thực bản sao từ bản chính. Đối với UBND các xã còn lại đạt từ 5% trở lên.
Bà Triệu Thị Hồng Nhung, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hữu Lũng cho biết: Phòng đã tăng cường tuyên truyền cho người dân về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc chứng thực bản sao điện tử. Đến nay, đa số các xã trên địa bàn huyện đã phát sinh hồ sơ chứng thực bản sao điện tử đạt và vượt theo chỉ tiêu đề ra. Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành văn bản giao chỉ tiêu về tỷ lệ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên tổng số chứng thực bản sao từ bản chính cho phòng tư pháp huyện và UBND các xã, thị trấn cao hơn chỉ tiêu của tỉnh giao. Đối với phòng, UBND thị trấn là 20% (cao hơn tỉnh 10%); các xã còn lại 10% (cao hơn tỉnh 5%). Trong quá trình triển khai, trong quý IV/2022, tỷ lệ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính của phòng, UBND thị trấn đạt trên 30%.
Với sự nỗ lực, quyết liệt của các cấp chính quyền, việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính đã có tín hiệu tích cực, mang lại hiệu quả, tiện ích cho công dân. Nếu như từ năm 2020 đến tháng 9/2022, toàn tỉnh chưa phát sinh hồ sơ về chứng thực bản sao điện tử từ bản chính thì từ ngày 17/10/2022 đến ngày 31/12/2022, các cơ quan chứng thực trên địa bàn tỉnh đã chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 9.026/53.292 việc chứng thực bản sao từ bản chính, đạt trên 16% (chỉ tiêu về chứng thực bản sao điện tử UBND tỉnh giao cho phòng tư pháp huyện là 10%; cấp xã là 5%). Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh chứng thực bản sao điện tử từ bản chính được hơn 4.000 việc.
Để phát huy tiện ích của chứng thực bản sao điện tử, thời gian tới, ngành tư pháp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Qua đó, góp phần thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Ý kiến ()