Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
LSO-Ngày 10 tháng 8 năm 1961, quân đội Mỹ bắt đầu cho máy bay rải chất độc hóa học, mở màn cho chiến dịch “khai quang” suốt 10 năm ở miền Nam, nhằm hủy diệt môi trường sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam.
LSO-Ngày 10 tháng 8 năm 1961, quân đội Mỹ bắt đầu cho máy bay rải chất độc hóa học, mở màn cho chiến dịch “khai quang” suốt 10 năm ở miền Nam, nhằm hủy diệt môi trường sinh thái và sức khỏe con người Việt Nam. Gần 5 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, với khoảng hơn 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ 3. Hàng triệu người đã chết trong đau khổ, hàng vạn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật không được sống như người bình thường; hàng nghìn chị em phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Chiến tranh kết thúc đã hơn 38 năm, nhưng vết thương chiến tranh do hóa chất độc của Mỹ gây ra không chỉ gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái Việt Nam, mà còn để lại hậu quả rất nặng nề cho sức khỏe của hàng triệu người Việt Nam.
Đoàn thanh niên Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với Tỉnh đoàn Lạng Sơn tặng quà nạn nhân chất độc da cam/dioxin |
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lạng Sơn có hàng chục nghìn thanh niên tình nguyện lên đường nhập ngũ, “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường B, C,K; hàng ngàn thanh niên hưởng ứng phong trào thanh niên “ba sẵn sàng” đã tham gia lực lượng thanh niên xung phong, trong đó nhiều người đã xung phong vào Trường Sơn, các chiến trường miền Nam phục vụ chiến đấu. Chỉ tính riêng năm 1965, trong tổng số hơn 21.000 thanh niên làm đơn tình nguyện nhập ngũ, đã có 1.918 người được gọi nhập ngũ và tính đến cuối năm 1971 Lạng Sơn đã có: 4.694 hộ gia đình có con em tham gia chiến đấu ở chiến trường B; 320 bộ gia đình có con em tham gia chiến đấu ở chiến trường C, trong đó có 128 hộ gia đình có 2 con nhập ngũ, 21 gia đình có 3 con nhập ngũ trở lên. Bên cạnh niềm tự hào và vinh dự đó, hàng nghìn bộ đội, nhiều thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ, phục viên, xuất ngũ trở về đã mang trong mình những căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm, có tính di truyền đang đeo đẳng theo suốt cuộc đời họ. Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay Lạng Sơn mới có 732 nạn nhân được hưởng chế độ da cam của nhà nước, trong đó có 356 nạn nhân trực tiếp và 376 là nạn nhân gián tiếp, ngoài ra còn hàng ngàn người là các cựu chiến binh, từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường B, C, K trở về mang theo các căn bệnh nguy hiểm nghi nhiễm chất độc da cam chưa được giám định, xem xét để có chính sách trợ giúp, nên cuộc sống họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách và các chủ trương, chính sách đó đang tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện nhằm giúp các gia đình, các nạn nhân da cam ngày một bớt đi những khó khăn trong cuộc sống. Ở tỉnh ta, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, chúng ta cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể, chỉ đạo quyết liệt; cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng đã ra sức ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần giúp các gia đình, nạn nhân da cam vượt lên khó khăn, xoa dịu nỗi đau, tự tin hòa nhập cộng đồng. Nhưng hậu quả thảm họa da cam do Mỹ gây ra là rất nặng nề và phức tạp, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của, chủ trương của Đảng ta là: “giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề cấp bách hiện nay. Do vậy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề phức tạp này”.
Ngày 10 tháng 8 năm nay đánh dấu 52 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lạng Sơn thiết tha kêu gọi các tổ chức, các nhà hảo tâm, cả cộng đồng trong và ngoài tỉnh hãy chung tay, biểu lộ sự đồng tình, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc sống, trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
Cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lạng Sơn đề nghị chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm trước những thiệt hại do họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam; yêu cầu các công ty hóa chất Mỹ đã từng cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam hãy tự nhìn nhận sai lầm của mình và đền bù thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lạng Sơn mong đợi và hoan nghênh những tình cảm, nghĩa cử cao đẹp đã hưởng ứng, chung tay vì nạn nhân chất độc da cam của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong tỉnh và ngoài tỉnh. Sự ủng hộ, giúp đỡ dành cho nạn nhân chất độc da cam cũng chính là nghĩa cử cao đẹp chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
HÀ VĂN THANH
Ý kiến ()