Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Vào đầu những năm 60 của thế kỷ hai mươi, trước những thất bại liên tiếp trong âm mưu đàn áp phong trào cách mạng, Chính phủ Mỹ (với sự đồng ý của chính quyền Ngô Đình Diệm), ráo riết chuẩn bị cho việc sử dụng chất khai quang vào chiến trường miền nam Việt Nam. Ngày 11-5-1961, Tổng thống Mỹ Giôn Ken-nơ-đi họp Hội đồng An ninh Quốc gia và ra tuyên bố: "để ngăn chặn Cộng sản xâm lược Nam Việt Nam, quyết định dùng chất diệt cỏ... và các kỹ thuật tân kỳ khác để kiểm soát các đường bộ và đường thủy dọc biên giới Việt Nam...". Ngày 20-11-1961, Giôn Ken-nơ-đi chính thức phê chuẩn cho quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch khai quang, nhưng trước đó đã có nhiều chuyến bay thử nghiệm. Ngày 10-8-1961, máy bay của quân đội Mỹ bắt đầu chiến dịch rải chất khai quang ở miền nam Việt Nam, dọc theo đường 14, từ bắc Kon Tum đến Đắc Tô. Thảm họa da cam ở Việt Nam bắt đầu từ đây.Những tác hại do chất độc da cam/đi-ô-xin gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và...
Những tác hại do chất độc da cam/đi-ô-xin gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam đã được nhiều nhà khoa học nhắc đến và bị dư luận thế giới lên án gay gắt. Khoảng 5.000 nhà khoa học, trong đó có 17 người từng đoạt giải Nô-ben và 129 thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đã ký tên phản kháng, yêu cầu Tổng thống Mỹ phải chấm dứt ngay hành động hủy diệt môi sinh này. Nhà khoa học Béc-tơ-răng Ruýt-xen tố cáo việc sử dụng hóa chất của quân đội Mỹ có khả năng gây ra bệnh ung thư cho con người. Với những người bị nhiễm độc nhiều lần và còn sống sót thì có những biểu hiện mờ mắt, nhức đầu, mất ngủ dai dẳng; sẩy thai, đẻ con quái thai, dị tật… Vấn đề này đã được Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch và Giáo sư Tôn Thất Tùng nêu ra từ tháng 12-1970 trong một hội nghị khoa học tại Óoc-xay – Pa-ri. Hội nghị này đã ra một tuyên ngôn về tính chất hủy diệt (thiên nhiên và sự sống) của chiến tranh hóa học và lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh này. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Mỹ Ri-sa Ních-xơn ngày 25-8-1969, có đoạn viết: “Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chà đạp lên các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, đến nay vẫn kéo dài ở miền Nam Việt Nam. Mỹ vẫn đẩy mạnh các cuộc hành quân càn quét, tăng cường các cuộc đánh phá bằng máy bay B.52 và chất độc hóa học, gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam…”.
Ngày 30-6-1971, Tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng sử dụng vũ khí hóa học, nhưng quân đội Mỹ vẫn chấp thuận cho quân đồng minh và quân đội Sài Gòn tiếp tục rải chất khai quang cho đến trước ngày miền nam hoàn toàn được giải phóng tháng 4-1975.
Trong suốt mười năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam chứa 366 kg đi-ô-xin xuống gần một phần tư tổng diện tích miền nam Việt Nam bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng đồi núi cao đến vùng thấp ven biển.
Đi-ô-xin là chất độc nhất trong các chất độc mà con người biết đến. Nhiều nhà khoa học cho rằng, chỉ cần 85 gram đi-ô-xin hòa vào hệ thống cấp nước có thể giết chết tám triệu dân một thành phố.
Chất độc da cam/đi-ô-xin (CĐDC/D) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn ba triệu người là nạn nhân, trong đó có nhiều nạn nhân thuộc thế hệ con, cháu. Nhiều gia đình có đến bốn, năm nạn nhân, không lao động được để duy trì cuộc sống, lại bệnh tật triền miên, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Không chỉ người Việt Nam mà nhiều binh sĩ Mỹ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC.
Với trách nhiệm của mình, từ lâu Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm sâu sắc đến vấn đề CĐDC.
Tháng 10-1980, Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được thành lập, nhằm xác định quy mô, tác hại của cuộc chiến tranh hóa học đối với môi trường và con người.
Ngày 1-3-1999, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam được thành lập, nhằm triển khai kế hoạch hành động khắc phục hậu quả CĐDC từ trung ương đến địa phương.
Năm 2002, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kết luận: Giải quyết hậu quả chất độc da cam (đi-ô-xin) là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay… Do vậy, thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này.
Ngày 5-2-2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định về trợ giúp đối với hộ gia đình có hai người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả chất độc hóa học.
Ngày 29-6-2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động, là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Từ năm 2005 đến nay, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện dần nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân.
Cùng với việc ban hành các chủ trương, chính sách, Nhà nước đã dành những khoản chi phí lớn hằng năm để chăm sóc sức khỏe nạn nhân, phục hồi môi trường sinh thái.
Riêng tiền trợ cấp cho các nạn nhân CĐDC mỗi năm tới hàng nghìn tỷ đồng… Hiện có hơn 200.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; có hơn 50% số hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân CĐDC được hưởng chế độ bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí.
Cả nước hiện có 17 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị, Làng Cam, nhiều cơ sở và trung tâm dưới hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng CĐDC.
Ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động. Hội là tổ chức duy nhất đại diện cho các nạn nhân CĐDC trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, trong đấu tranh buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do họ gây ra.
Tính đến tháng 6-2011, tổ chức hội đã được thành lập ở 58 tỉnh, thành phố, 432 huyện, quận, 3.820 xã, phường. Quỹ Nạn nhân CĐDC/D đã được thành lập ở trung ương và hàng chục địa phương. Hội đã vận động, quyên góp Quỹ được 233 tỷ đồng và vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ nạn nhân bằng hình thức trao tặng hiện vật, đầu tư trực tiếp, quy thành tiền hơn 40 tỷ đồng. Số tiền trên đã được sử dụng để xây dựng các cơ sở bán trú, trung tâm phục hồi chức năng, xây dựng nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng, tìm việc làm, trợ vốn sản xuất, khám, chữa bệnh cho nạn nhân và hàng trăm nghìn suất quà… Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam đã vinh dự được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng Bức trướng mang dòng chữ “Đoàn kết – Nghĩa tình – Trách nhiệm Vì nạn nhân chất độc da cam”, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho nhiều tập thể, cá nhân.
Nhiều nhà khoa học quốc tế có uy tín trong các lĩnh vực độc học, y học, hóa học, môi trường, pháp lý… đã cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ và tham gia triển khai các dự án khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam. Hội đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các hội hữu nghị với Việt Nam ở nhiều nước, của nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, nhiều Đại sứ quán các nước ở Việt Nam…
Sự giúp đỡ của xã hội đã là niềm động viên to lớn để các nạn nhân giảm bớt mặc cảm, vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng. Có nhiều tấm gương vượt khó vươn lên. Đó là ông Lê Bá Phán ở Thanh Hóa, tham gia chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ từ năm 1968, có năm con đều bị di nhiễm CĐDC, nay làm rẫy, trồng điều ở xã Phú Riềng (Bù Gia Mập, Bình Phước), sẵn sàng nhường nhà tình nghĩa cho hộ khác khó khăn hơn, xây dựng kinh tế gia đình khá lên và còn trợ giúp vốn sản xuất cho nhiều gia đình khác. Đó là ông Nguyễn Như Khoa, dân tộc Mường, ở xã Tiền Phong (Đà Bắc, Hòa Bình), đi chiến trường Tây Nguyên về, có ba con đều bị di nhiễm CĐDC, đã trồng rừng, lập trại chăn nuôi, có cửa hàng thu mua sản phẩm, xây dựng hợp tác xã có ba chục xã viên là con em cựu chiến binh, bảo đảm thu nhập hằng tháng hai triệu đồng/người. Đó còn là các em Trần Sơn Lâm (Cần Thơ), Trần Tuấn Kiệt (Quảng Ngãi), Nguyễn Chiến Thắng (Hà Nội) tuy bị khuyết tật bẩm sinh, đã cố gắng học lên đại học, có em có hai bằng về điện tử, tin học, có em đạt năm chứng chỉ sau đại học về an ninh mạng.
Ngày 30-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam và một số nguyên đơn gửi tới Tòa án sơ thẩm quận Brúc-kơ-lin bang Niu Oóc, Hoa Kỳ đơn kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp hóa chất độc cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Qua hơn năm năm (từ 30-1-2004 – 2-3-2009), qua ba cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Tòa án tối cao liên bang, nhưng các cấp tòa án Mỹ đã từ chối, không thụ lý vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam. Họ cho rằng đặc trưng của chất da cam là chất diệt cỏ, không thừa nhận chất da cam là chất độc hại đối với con người. Quyết định phi lý, bất công, đảo ngược thực tế khách quan của tòa án Mỹ đã làm dấy lên làn sóng bất bình cùng với đợt đấu tranh sôi nổi phản đối không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở nhiều nước, kể cả Mỹ.
Từ ngày 16 – 17-5-2009, Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế tổ chức tại Pa-ri (Pháp) ra phán quyết, khẳng định: Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất da cam/đi-ô-xin mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể coi là “hủy diệt sinh thái”; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong các hành động của Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất cung cấp CĐDC phải bồi thường toàn bộ cho các nạn nhân CĐDC và gia đình họ, phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch CĐDC khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam…
Vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam tuy bị tòa án Mỹ từ chối thụ lý, nhưng đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn.
Vì nhiều lý do, Chính phủ và các công ty hóa chất Mỹ không dám công khai thừa nhận trách nhiệm pháp lý của họ. Tuy nhiên, dưới một góc nhìn nhất định, vụ kiện và sức ép của công luận bước đầu đã có tác động đến thái độ và hành động của ngành lập pháp và ngành hành pháp Mỹ, thể hiện ở những động thái gần đây của Quốc hội và Chính phủ Mỹ trong việc giải quyết hậu quả CĐDC/D ở Việt Nam.
Từ năm 2007-2009, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua khoản viện trợ ba triệu USD/năm; năm 2010 là 15 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam. Năm 2011, Chính phủ Hoa Kỳ thông báo khoản tài trợ 34 triệu USD để tẩy độc Sân bay Đà Nẵng.
Tuy Hoa Kỳ đã có chuyển biến trong nhìn nhận, đánh giá và tham gia khắc phục hậu quả CĐDC, nhưng sự đóng góp còn quá nhỏ bé so với hậu quả vô cùng to lớn mà họ đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam. Cũng cần biết rằng, mỗi năm Chính phủ Mỹ phải trợ cấp cho các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị bệnh liên quan đến CĐDC số tiền hàng tỷ USD, riêng năm 2010 là 13,5 tỷ USD.
Theo Nhandan
Ý kiến ()