Chung tay xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình
Nhân dân xã An Ninh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) làm kênh mương nội đồng. Là một tỉnh đồng bằng ven biển, Thái Bình có hơn 100 nghìn ha đất nông nghiệp, dân số gần 1,8 triệu người, trong đó có gần 90% số dân sống ở nông thôn và hơn 70% lao động làm nông nghiệp.Dù không phải địa phương nằm trong danh sách 11 xã điểm về mô hình nông thôn mới, song ngay khi có Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Thái Bình chủ động bắt tay vào thí điểm mô hình này trên tám xã (Thanh Tân, huyện Kiến Xương, Vũ Phúc, TP Thái Bình; Thụy Trình, Thái Thụy; An Ninh, Tiền Hải; Nguyên Xá, Vũ Thư; Trọng Quan, Đông Hưng; Hồng Minh, Hưng Hà và Quỳnh Minh, Quỳnh Phụ). Sau ba năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian không phải là dài đối với một chủ trương lớn, nhưng tỉnh Thái Bình đã thu được những kết quả khá vững chắc, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về...
Nhân dân xã An Ninh, huyện Tiền Hải (Thái Bình) làm kênh mương nội đồng. |
Dù không phải địa phương nằm trong danh sách 11 xã điểm về mô hình nông thôn mới, song ngay khi có Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Thái Bình chủ động bắt tay vào thí điểm mô hình này trên tám xã (Thanh Tân, huyện Kiến Xương, Vũ Phúc, TP Thái Bình; Thụy Trình, Thái Thụy; An Ninh, Tiền Hải; Nguyên Xá, Vũ Thư; Trọng Quan, Đông Hưng; Hồng Minh, Hưng Hà và Quỳnh Minh, Quỳnh Phụ). Sau ba năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian không phải là dài đối với một chủ trương lớn, nhưng tỉnh Thái Bình đã thu được những kết quả khá vững chắc, trở thành một trong những điểm sáng của cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới, bước đầu đã có sự chuyển biến nhanh cả về lực lượng và quy mô sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; nhất là sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nông thôn mới được nâng cao, thể hiện bằng sự đồng tình ủng hộ, góp ngày công, kinh phí, đất đai. Đến nay, cả tám xã điểm đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bố trí cây trồng có chất lượng hiệu quả cao, phù hợp điều kiện tự nhiên và lợi thế sẵn có, diện tích và năng suất các loại cây trồng đều cao, chất lượng tốt hơn. Tại các vùng sản xuất hàng hóa, thu nhập của nông dân cao hơn so những năm trước, trong đó vùng trồng ớt, khoai tây có thu nhập cao hơn từ hai đến ba lần.
Đồng thời, để thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các cấp, các ngành đã lồng ghép các chương trình và huy động mọi nguồn lực. Có lẽ chưa bao giờ, tại Thái Bình, chỉ trong một thời gian ngắn, các nguồn vốn để xây dựng các công trình hạ tầng được huy động lớn như thời gian vừa qua. Từ năm 2009 đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho tám xã điểm đạt 559,452 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân đóng góp 91 tỷ đồng.
Từ các nguồn vốn trên, các xã tập trung xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi để tạo bước đột phá về sản xuất nông nghiệp và các công trình phúc lợi chung như: công trình văn hóa, giáo dục, y tế, cấp nước sạch… Bên cạnh đó, các phong trào hiến đất, công trình, ngày công lao động diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương. 100% số xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, Thái Bình đang tập trung cho công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, với mục tiêu đến năm 2013 sẽ có 100% số xã hoàn thành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; tổ chức sản xuất nông nghiệp theo các vùng đã quy hoạch, hình thành các trang trại và tổ hợp sản xuất ở nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới, giai cấp nông dân được xác định là chủ thể, là lực lượng quan trọng. Tuy nhiên, Đảng ta đã khẳng định “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bao gồm cả công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn là trách nhiệm của cả hai giai cấp: Công nhân (bao gồm cả trí thức) và nông dân, trong đó giai cấp công nhân giữ vai trò đi đầu và quyết định. Bởi lẽ, chỉ có bằng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo phương thức thủ công là chủ yếu sang phương thức cơ giới hóa, thủy lợi hóa, điện khí hóa, sinh học hóa, hóa học hóa toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ… thì sản xuất nông nghiệp nước ta mới phát triển vững chắc, nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại tỷ suất lợi nhuận cao và giảm đến mức thấp nhất sự lệ thuộc vào thiên nhiên cũng như phát triển được các ngành nghề ở nông thôn.
Trách nhiệm của giai cấp công nhân đối với xây dựng nông thôn mới vừa phải thông qua Nhà nước của mình, vừa bằng những việc làm cụ thể, trực tiếp của công nhân và trí thức, trước hết và chủ yếu là những đơn vị và cá nhân trực tiếp phục vụ nông nghiệp và nông thôn. Với quan điểm và cách nhìn nhận như vậy, hiện nay, đội ngũ trí thức ở Thái Bình, với hơn 31.800 người có trình độ từ cao đẳng trở lên (trong đó có 55 tiến sĩ, 655 thạc sĩ) đang công tác tại các cơ quan trong tỉnh, nếu được khai thác và phát huy, sẽ trở thành nguồn lực lớn về con người, trí tuệ, góp phần xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình.
Thái Bình, với 90% dân số sống ở nông thôn cho nên hầu như mỗi cán bộ, công chức, trí thức đều có quan hệ gia đình với nông dân, nông thôn. Vì vậy, trước hết mỗi trí thức phải coi sự nghiệp xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm, là mệnh lệnh của trái tim mình, là lực lượng giúp nông dân kế thừa và phát huy có chọn lọc tốt nhất tinh hoa văn hóa dân tộc. Đồng thời đóng vai trò “cầu nối” giữa cơ quan nhà nước, đơn vị kinh tế, sự nghiệp, các doanh nghiệp với nông thôn và nông dân. Tổ chức các phong trào công nhân, viên chức, trí thức, lao động phục vụ nông nghiệp, phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Để làm được điều đó, về phần mình, mỗi người trí thức trước hết cần làm tốt hơn các nhiệm vụ, các phần việc đang trực tiếp đảm nhận, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng Thái Bình ngày càng văn minh, hiện đại. Ngoài ra, mỗi trí thức có thể góp phần trực tiếp phục vụ nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng của nông dân, nông thôn. Chế tạo các công cụ cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp, lai tạo các giống mới về cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn và giúp nông dân kịp thời nắm bắt, áp dụng và cải tiến các công cụ nông nghiệp và nhân rộng các giống cây trồng, vật nuôi mới. Hỗ trợ công cụ sản xuất và giúp đỡ về tay nghề để phát triển các ngành nghề ở nông thôn theo phương châm: “Ly nông bất ly hương”. Điều này vừa giải quyết được nạn thất nghiệp cho nông dân và cả công nhân phải ra khỏi dây chuyền sản xuất công nghiệp và các khu công nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm cho xã hội, hạn chế được tiêu cực xã hội trong thanh niên, nông dân. Quản lý tốt các công tác tài chính, ngân sách, các hoạt động kinh tế, đất đai, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng, bảo đảm ổn định ở nông thôn.
Đối với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thái Bình, cần phải trở thành đầu mối quy tụ các trí thức có tâm huyết, muốn mang sức lực, hiểu biết của mình góp phần vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Có thể thành lập câu lạc bộ “Trí thức Thái Bình chung tay xây dựng nông thôn mới” để các trí thức tham gia sinh hoạt góp ý kiến, thảo luận về các vấn đề trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đồng thời, thông qua Câu lạc bộ này tạo điều kiện và khuyến khích các trí thức về tham gia cùng các xã, với vai trò “tư vấn” cho cấp ủy và chính quyền các xã trong thực hiện triển khai xây dựng nông thôn mới. Với 655 thạc sĩ, 55 tiến sĩ, nếu động viên các trí thức để mỗi xã có được từ một đến hai thạc sĩ, mỗi huyện có được từ hai đến ba tiến sĩ trực tiếp tham gia với tư cách phản biện, tư vấn cho cấp ủy và chính quyền về xây dựng nông thôn mới, thì chắc chắn quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình sẽ được đẩy nhanh, có những bước tiến vững chắc và đúng hướng.
Cuối cùng để hoạt động này đạt được hiệu quả tốt, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của cấp ủy và chính quyền địa phương; sự tạo điều kiện, động viên của cơ quan, các tổ chức, doanh nghiệp nơi trí thức đang công tác, làm việc.
Được như vậy thì chắc chắn trí thức Thái Bình sẽ thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, trở thành một trong những nguồn lực quyết định trong phong trào “chung tay xây dựng nông thôn mới”, xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt, như lời căn dặn và mong muốn của Bác Hồ khi về thăm Thái Bình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()