Với phương châm xây dựng nhà giá thấp nhưng chất lượng không thấp, việc các doanh nghiệp (DN) hợp tác giải quyết bài toán hạ giá thành nhà ở xã hội là một tín hiệu đáng mừng đối với nhiều người dân, thể hiện rõ trách nhiệm của DN đối với xã hội. Tuy nhiên, còn cần những giải pháp đồng bộ, linh hoạt để sớm đưa các công trình đến đúng đối tượng, phù hợp chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nỗ lực giảm giá thành sản phẩm
Vừa qua, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cùng Tổng Công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) đã ký Thỏa thuận hợp tác phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, hai bên sẽ tận dụng tối đa lợi thế, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội do mỗi bên là chủ đầu tư hoặc là nhà tổng thầu thi công nhằm từng bước hạ giá thành sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường. Theo Chủ tịch HĐQT Vinaconex Nguyễn Văn Tuân, thỏa thuận hợp tác này là cơ sở để hai bên cùng phối hợp đưa ra các sản phẩm phục vụ cho các dự án nhà ở xã hội đồng bộ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần hoàn thiện Đề án tiêu chuẩn hóa nhà ở xã hội từ khâu thiết kế, xây dựng, sản phẩm ứng dụng do Vinaconex làm chủ đề tài. Cùng chung quan điểm, Tổng giám đốc Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Xây dựng nhà giá thấp với chất lượng không thấp là một bài toán khó. Để giải bài toán này, Viglacera đã tập trung nghiên cứu bộ sản phẩm vật liệu xây dựng dùng cho nhà thu nhập thấp, nhằm giảm giá thành công trình từ 10% đến 15%. Đồng thời, tổng công ty cũng không ngừng tìm kiếm và ứng dụng các công nghệ xây dựng mới, đẩy nhanh tiến độ thi công để có thể tiết kiệm chi phí ở mức tối đa nhất. Việc xây dựng nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ cần có vai trò của các tổng công ty lớn. Sự hợp tác giữa hai đơn vị sẽ phát huy được thế mạnh của mỗi bên để đưa lại sản phẩm chất lượng tốt nhất với giá thành thấp nhất, đồng thời thể hiện trách nhiệm và năng lực của mỗi DN.
Có thể nói đây là một tín hiệu đáng mừng cho người dân vì hai tổng công ty đều là những DN mạnh trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản. Hiện nay, cả hai tổng công ty đều đã triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên dù đã hết sức cố gắng nhưng giá thành sản phẩm vẫn đứng ở mức trên dưới 10 triệu đồng/m2. Dự án đầu tiên sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác là dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, có quy mô và số căn hộ lớn nhất tại Hà Nội hiện nay do Liên danh Công ty cổ phần Bê-tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty cổ phần Xây dựng số 21 Vinaconex làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp cho xã hội 1.512 căn hộ có diện tích trung bình từ 65 đến 70 m2/căn và mức giá dự kiến đã hạ xuống 8 triệu đồng/m2.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Trong khi nhiều DN đang nỗ lực hoàn thành các dự án nhà ở xã hội thì việc đưa những loại nhà ở này đến tay người dân vẫn gặp nhiều vướng mắc. Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, theo kế hoạch đến năm 2015, Hà Nội phấn đấu xây dựng được 15.500 căn hộ với tổng mức đầu tư 7.000 đến 9.000 tỷ đồng, diện tích bình quân 70 m2/căn hộ. Hiện nay, số lượng căn hộ mà DN đăng ký xây đã lên hơn 25.000 căn. Bắt đầu từ ngày 26-9, Hà Nội bắt đầu cho người thu nhập thấp mua và thuê nhà theo Thông tư 36/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 16-11-2009 về việc Hướng dẫn việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND ngày 16-8-2010 của UBND TP Hà Nội quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Tuy nhiên, tại nhiều phường, cán bộ tiếp nhận hồ sơ rất lúng túng trong việc xử lý văn bản xin xác nhận của người dân theo mẫu đã được Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư 36/2009/TT-BXD. Nhiều phường còn chưa cập nhật các thông tin và thủ tục liên quan đến việc bán, cho thuê, thuê mua nhà cho người thu nhập thấp. Điều này gây không ít khó khăn cho người dân và có thể khiến một số đối tượng thuộc diện này bỏ lỡ cơ hội tại những dự án mà họ đã lựa chọn.
Theo Tổng Giám đốc Vinaconex Xuân Mai Đặng Hoàng Huy, chủ đầu tư và đơn vị thi công nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, một vấn đề gây khó khăn cho DN nữa là việc thu hồi vốn. Thủ tục giải ngân cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội còn nhiều bất cập, đến nay còn nhiều DN đã và đang triển khai xây dựng loại hình nhà ở này chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ. Hơn nữa, khi hoàn thành công trình thì việc quyết định cho thuê mua lại do các Sở xây dựng xét duyệt đối tượng nên chỉ cần “tắc” ở khâu này một khoảng thời gian sẽ gây khó khăn cho việc quay vòng nguồn vốn. Hiện Vinaconex Xuân Mai đã bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ khách hàng đối với dự án Chung cư CT1 tại Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông tại trụ sở công ty tại xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội và thời hạn thu nhận hồ sơ sẽ kết thúc vào ngày 10-9, tuy nhiên còn rất nhiều hồ sơ không đúng quy định, đối tượng và nhiều người nộp hồ sơ không hiểu rõ về Thông tư 36/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Quyết định 34/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.
Những khó khăn nêu trên có thể sẽ sớm được giải quyết, tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất trong xây dựng nhà ở xã hội vẫn là tìm kiếm nguồn đất sạch. Con số đăng ký xây nhà thu nhập thấp vượt gần 10.000 căn hộ so với kế hoạch năm 2015 cho thấy tiềm năng phát triển của phân khúc thị trường này. Nguồn đất sạch hiện nay chỉ còn trông chờ vào 10% quỹ đất tại các khu quy hoạch đô thị nên về lâu dài phải có biện pháp tìm kiếm nguồn đất sạch mới. Một số chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng nên thành lập một quỹ bất động sản, giao cho Bộ Xây dựng hoặc UBND TP quản lý. Nguồn vốn của quỹ này có thể huy động từ nguồn xã hội hoặc bằng việc chênh lệch giá thành bán sản phẩm ở mức người thuê mua chấp nhận được trong các dự án nhà ở xã hội và phải được quản lý một cách công khai, minh bạch.
Ý kiến ()