Chung tay vì an ninh lương thực
Người dân Xô-ma-li-a nhận nước cứu trợ.
Báo cáo mới đây của Cộng đồng phát triển miền nam châu Phi (SADC) cho thấy, tổng lượng mưa tại các quốc gia SADC trong vụ mùa 2018-2019 giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1982. Ăng-gô-la, Na-mi-bi-a, Bốt-xoa-na, Dăm-bi-a, Dim-ba-bu-ê là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán. Từ tháng 10-2018 đến hết tháng 3-2019, lượng mưa thấp kỷ lục làm giảm đáng kể diện tích trồng trọt. Tình trạng khô hạn gây khó khăn cho quá trình nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng nông nghiệp. Không những vậy, hạn hán còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích và chất lượng đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc, đồng thời làm giảm lượng nước tưới và nước dùng cho sinh hoạt của người dân.
Tháng 5-2019, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, hạn hán kéo dài tại Ăng-gô-la khiến hơn 2,3 triệu người dân phải sống trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm. Hàng nghìn trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp cần được chăm sóc y tế kịp thời. Cùng Ăng-gô-la, Na-mi-bi-a và Dăm-bi-a đã công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán, đồng thời thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân, như thu mua gia súc, gia cầm, cung cấp thùng đựng nước và tăng cường khoan giếng… Trong khi đó, Hội đồng tị nạn Na Uy cảnh báo, hạn hán khiến khoảng hai triệu người Xô-ma-li-a cần viện trợ lương thực khẩn cấp, hàng triệu người rời quê hương tìm nguồn lương thực. Ngân hàng Thế giới (WB) tháng 4 vừa qua hạ dự báo tăng trưởng cả năm 2019 của Kê-ni-a, từ 5,8% còn 5,7%, với lý do hạn hán trầm trọng.
Ngoài hạn hán, xung đột cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất an ninh lương thực ở “lục địa đen”. Bạo lực triền miên làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân. Không những thế, xung đột còn gây khó khăn cho việc đi lại, đồng thời cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Điều đáng nói, xung đột là nguyên nhân, nhưng cũng là hậu quả của đói nghèo. Tình trạng mất an ninh lương thực càng nghiêm trọng, bạo lực càng có nguy cơ kéo dài. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược châu Phi, trong số 12 nước châu Phi hiện có xung đột, 11 nước phải đối mặt tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
Mới đây, Chính phủ Nam Xu-đăng phối hợp Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Chương trình lương thực Thế giới (WFP) và UNICEF công bố Báo cáo phân đoạn an ninh lương thực tích hợp, trong đó chỉ ra rằng, số người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực tại Nam Xu-đăng tăng thêm 13% kể từ tháng 1-2018. Cũng theo báo cáo này, khu vực miền đông và miền trung của Nam Xu-đăng đang phải gánh chịu tình trạng thiếu lương thực ở mức cực kỳ nghiêm trọng. Khoảng 50 nghìn người dân Nam Xu-đăng đối mặt “thảm họa thiếu lương thực” vào giữa tháng 5 và tháng 7-2019.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia “lục địa đen” đứng trước bờ vực đói nghèo, Hội nghị quốc tế về kỹ thuật và an ninh lương thực châu Phi, diễn ra tại thủ đô Tuy-nít của Tuy-ni-di, được đánh giá là sáng kiến và nỗ lực đáng ghi nhận của các nước châu Phi trong việc chung tay giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Một trong những mục tiêu chính của hội nghị là xác định sự đóng góp của các ngành kỹ thuật cho sự phát triển của nông nghiệp ở châu Phi, thúc đẩy vai trò của công nghệ trong mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực. Hội nghị cũng cung cấp nền tảng kiến thức, ý tưởng và kinh nghiệm đổi mới trong cuộc chiến chống đói nghèo.
Tại hội nghị nêu trên, các đại biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của các kỹ sư trong cải thiện sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực. Hội nghị cũng kêu gọi các kỹ sư châu Phi nỗ lực nhằm xác định giải pháp phù hợp, giúp châu lục có thể sớm vượt qua các thách thức lớn liên quan mất an ninh lương thực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()