Chung tay phòng chống tội phạm mua bán người
Lực lượng biên phòng kiểm tra giấy tờ tùy thân người dân đi đến khu vực cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình
Nhận thức được tình hình trên, trong năm qua, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã phối hợp, triển khai đồng bộ các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh với bọn tội phạm MBN. Với quan điểm lấy công tác phòng ngừa là chính, toàn tỉnh đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về pháp luật, những kiến thức cơ bản về đấu tranh phòng chống tội phạm MBN. Ngay từ đầu năm, Ban chỉ đạo 138 của tỉnh đã xây dựng các kế hoạch thực hiện công tác phòng chống tội phạm MBN, triển khai các đợt cao điểm; đồng thời thường xuyên cung cấp thông tin có liên quan đến MBN cho các sở, ban, ngành thành viên trong tỉnh.
Nhờ đó, công tác phòng chống tội phạm MBN được các đơn vị triển khai tích cực và mang lại kết quả đáng ghi nhận. Năm 2014, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, điều tra làm rõ 10 vụ có 19 đối tượng với 11 nạn nhân bị lừa bán; tổ chức tiếp nhận, giải cứu và hỗ trợ 20 nạn nhân bị mua bán trở về. Bà Lương Thị Thì, Trưởng Ban Chính sách luật pháp- Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh cho biết: “Xác định tội phạm MBN là một loại tội phạm nguy hiểm, gây nguy hại cho trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, đạo đức và lối sống của nhân dân, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng công tác phòng chống MBN đến các đối tượng có nguy cơ cao bằng nhiều hoạt động tuyên truyền phong phú, nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống MBN cho hàng ngàn lượt hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn”.
Theo đó, năm 2014, các cấp hội đã tổ chức được 753 cuộc truyền thông, thu hút trên 38.000 lượt hội viên tham gia; phối hợp với công an tỉnh tổ chức tập huấn về di cư lao động an toàn được 13 lớp với 630 hội viên là lao động ở nông thôn… Ngoài ra, Hội còn duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình CLB phụ nữ như: CLB phòng chống tệ nạn xã hội; CLB gia đình hạnh phúc phòng chống tệ nạn xã hội; CLB phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em… Hằng tháng sinh hoạt với các chủ đề phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc… Qua đó, giúp cho các thành viên nâng cao kiến thức về phòng chống tội phạm, nhất là nhận biết được những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của bọn MBN; đề cao cảnh giác, tuyên truyền cho gia đình, người thân của mình để nhận biết, kịp thời phát hiện, trình báo với cơ quan chức năng.
Đi đôi với tuyên truyền, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã tích cực triển khai các hoạt động nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm MBN. Lực lượng công an đã chủ động nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn; tăng cường công tác quản lý cư trú, xuất nhập cảnh, cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; làm tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác có liên quan đến tội phạm MBN… đảm bảo mọi trường hợp có dấu hiệu của tội phạm đều được xác minh làm rõ và xử lý triệt để. Lực lượng biên phòng cũng tăng cường công tác quản lý biên giới, cửa khẩu, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm MBN khu vực biên giới. Đồng thời, kết hợp công tác trinh sát với tuần tra kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, phòng ngừa các đối tượng MBN lợi dụng hoạt động phạm tội…
Nhờ vậy, công tác đấu tranh với tội phạm MBN trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Năm 2014 phát hiện, điều tra làm rõ 10 vụ với 19 đối tượng, giảm 4 vụ, 10 đối tượng phạm tội MBN so với năm 2013. Thêm nữa, lực lượng công an, biên phòng còn duy trì liên lạc qua đường dây nóng, gặp gỡ nhanh tại khu vực cửa khẩu, hội đàm với các lực lượng chức năng Trung Quốc để trao đổi thông tin phục vụ công tác điều tra, xác minh, bắt giữ tội phạm, giải cứu và tiếp nhận nạn nhân trở về. Năm qua, hai bên đã tổ chức 5 lần gặp gỡ, trao đổi tại khu vực biên giới; thực hiện gần 100 cuộc liên lạc thông qua đường dây nóng, sỹ quan liên lạc… Qua đó, đã xác minh về 4 vụ MBN; phía Trung Quốc đã bắt, bàn giao cho Công an Lạng Sơn 2 đối tượng truy nã, phối hợp giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ 20 nạn nhân bị mua bán. Bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết: Những nạn nhân ngay sau khi trở về đều được ngành chức năng hỗ trợ và tư vấn ban đầu như ổn định tinh thần, kiểm tra sức khỏe, trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn đi đường, liên hệ với gia đình người thân đến đón nạn nhân… Về địa phương, các nạn nhân tiếp tục được quan tâm về nơi ở, việc làm, nguồn vốn… giúp họ có hướng đi đúng đắn nhất trong việc giải quyết những khó khăn mà họ đang phải trải qua.
Từ đó, giúp họ giảm bớt mặc cảm, ổn định tâm lý để hoà nhập cộng đồng, từng bước vận động họ tham gia công tác phòng, chống tội phạm MBN ở địa phương. Phát huy kết quả đạt được, năm 2015, Ban chỉ đạo 130 của tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm MBN trên địa bàn. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông, lấy người thật việc thật để tuyên truyền; kiên quyết, liên tục tấn công, trấn áp tội phạm MBN, nhất là trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới, cửa khẩu; tiến hành xét xử điểm, xét xử lưu động các đối tượng bị bắt giữ để tạo sức răn đe, phòng ngừa tội phạm.
Ý kiến ()