Chung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19
– Dịch COVID-19 đang có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy, thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều giải pháp trong tuyên truyền, cấp phát thuốc, điều trị nhằm tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19, qua đó duy trì các hoạt động và chủ động ngăn chặn tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Chị H.T.N (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng) bị lây nhiễm HIV từ chồng cách đây hơn 15 năm. Khi phát hiện bị lây nhiễm, sức khoẻ và tinh thần chị sa sút rõ rệt. Nhưng nhờ được tư vấn, tuyên truyền và điều trị bằng thuốc ARV để ức chế sự phát triển của vi rút nên chị N đã giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do vi rút HIV gây ra và cải thiện sức khoẻ, chất lượng cuộc sống. Chị N chia sẻ: Thời gian qua, tôi vẫn tích cực điều trị thuốc ARV tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện. Vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đã được chuyển về điều trị tại trạm y tế xã, giúp tôi không phải vất vả đi lại mà còn góp phần phòng, chống COVID-19 hiệu quả.
Cán bộ Phòng khám và điều trị ngoại trú ARV, Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc khám, tư vấn cho trường hợp đến điều trị ARV.
Cũng như chị H.T.N, thời gian qua, anh T.V.H (thành phố Lạng Sơn) đang điều trị HIV bằng thuốc ARV tại Phòng khám và điều trị ngoại trú ARV, TTYT huyện Cao Lộc. Anh H cho biết: Tôi đã điều trị ARV được 20 năm, đến phòng khám, tôi được các cán bộ y tế tư vấn về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt nên hiện nay sức khỏe tôi vẫn ổn định, tải lượng HIV luôn thấp ở dưới ngưỡng ức chế nên tôi thấy rất yên tâm.
Tại Lạng Sơn, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/1993. Tính đến ngày 31/10/2021, tổng số người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 3.073 trường hợp, trong đó đã có 2.135 người tử vong do AIDS; số người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống là 938 người (730 bệnh nhân AIDS còn sống). Tổng số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV trong toàn tỉnh là 139/200 đơn vị, HIV/AIDS không chỉ xuất hiện ở thành phố, thị trấn mà còn xuất hiện ở các vùng sâu, vùng xa.
Thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở điều trị và 9 cơ sở cấp phát thuốc với 1.685 bệnh nhân đang điều trị (số liệu đến ngày 28/11/2021). Toàn tỉnh có 651 bác sĩ có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện trong các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.
Bác sĩ Hoàng Thị Đặng, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở điều trị và điểm cấp phát thuốc như: thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang; đảm bảo giãn cách đúng khoảng cách; phân chia thời gian hợp lý để giảm tình trạng bệnh nhân tập trung đến uống thuốc và điều trị trong cùng một khoảng thời gian. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường mở rộng các dịch vụ có liên quan đến HIV/AIDS như: tư vấn xét nghiệm HIV; phối hợp các hoạt động lồng ghép như lao/HIV; điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con…
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội cho các hội viên phụ nữ thôn Nà Lái, xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình
Đối với công tác điều trị bệnh nhân bằng thuốc ARV, các đơn vị cũng đã triển khai nghiêm túc công tác điều trị đi đôi với hoạt động phòng, chống dịch. Tính đến ngày 31/10/2021, toàn tỉnh có 760 trường hợp đang điều trị ARV (743 bệnh nhân điều trị tại tỉnh; 17 bệnh nhân đang điều trị ở ngoại tỉnh). Trong đó, Phòng khám và điều trị ngoại trú ARV, TTYT huyện Cao Lộc đang điều trị cho 479 bệnh nhân – số lượng đông nhất toàn tỉnh. Trong giai đoạn dịch bệnh, đơn vị đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả.
Bác sĩ Đinh Hoàng Giang, Phó Giám đốc TTYT huyện Cao Lộc cho biết: Đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, việc gián đoạn điều trị ARV trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe và khả năng lây nhiễm HIV cho cộng đồng. Do vậy, Phòng khám và điều trị ngoại trú ARV, TTYT huyện Cao Lộc đã chủ động các biện pháp đảm bảo cho bệnh nhân không bị ngắt quãng điều trị như: triển khai cấp thuốc 3 tháng/1 lần cho bệnh nhân sau khi họ đi vào điều trị ổn định; đảm bảo giãn cách khi tư vấn điều trị…, qua đó, các bệnh nhân điều trị ARV tại đơn vị đều có sức khỏe và tâm lý ổn định.
Theo thống kê của CDC Lạng Sơn, năm 2019, toàn tỉnh phát hiện mới 53 trường hợp dương tính trong tổng số mẫu xét nghiệm là 32.836 mẫu, trong đó, 35 trường hợp được đưa vào quản lý. Năm 2020, phát hiện mới 47 trường hợp dương tính trong tổng số mẫu xét nghiệm là 39.996 mẫu, trong đó, 36 trường hợp đưa vào quản lý. Tính đến hết tháng 10/2021, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ phát hiện 15 trường hợp dương tính trong tổng số mẫu xét nghiệm là 24.212 mẫu, giảm cả về số lượng phát hiện sớm và số lượng mẫu xét nghiệm HIV được thực hiện so với hai năm trước đây.
Bác sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc CDC Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, tỷ lệ người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh biết tình trạng nhiễm HIV của mình đạt 85,27%; tỷ lệ người nhiễm HIV diện quản lý được điều trị ARV đạt 90,4%; 100% tỷ lệ phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Trong 2 năm xảy ra dịch COVID-19, tính đến hết tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp người nhiễm HIV nào bị mắc COVID-19 và tử vong.
Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thiết nghĩ, mỗi tổ chức, cá nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình vì sức khỏe cộng đồng, tham gia tích cực các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của địa phương. Đặc biệt là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nhiễm HIV mới và đảm bảo 100% trường hợp nhiễm HIV đều được điều trị ARV cũng như các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác, từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
“Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2021), sở đã ban hành Kế hoạch số 128/KH-SLĐTBXH ngày 16/11/2021 để chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chương trình phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Cùng với đó, tăng cường công tác tư vấn xét nghiệm, duy trì thực hiện đầy đủ việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp; tư vấn điều trị ARV cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy, đảm bảo 100% các học viên nhiễm HIV/AIDS đều được tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm về điều trị ARV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội; triển khai các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ phác đồ điều trị. Cùng với đó, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy được điều trị liên tục và an toàn bằng Methadone, nhất là trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội hoặc người bệnh bị cách ly do dịch COVID-19”.
Chị Lê Thuỳ Dung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn
“Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) về phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội (TNXH) bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt như: qua tờ rơi, bản tin nội bộ của Tỉnh đoàn; sinh hoạt chuyên đề của các câu lạc bộ; xây dựng các tiểu phẩm về phòng, chống ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS tuyên truyền, giáo dục trong đoàn viên, thanh, thiếu niên, học sinh…
Năm 2021, các cấp bộ đoàn đã tổ chức hoạt động tuyên truyền lồng ghép về phòng, chống HIV/AIDS và các TNXH khác gắn với tuyên truyền về phòng, chống COVID-19 được 185 buổi, thu hút gần 9 nghìn lượt ĐVTN và Nhân dân tham gia; duy trì hiệu quả 32 câu lạc bộ thanh niên với pháp luật; tổ chức 45 hoạt động ngoại khoá tuyên truyền về phòng, chống TNXH, thu hút 2.500 lượt đoàn viên, học sinh, sinh viên tham gia. Qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao hiểu biết, nhận thức của ĐVTN, ngăn ngừa tình trạng vi phạm các TNXH”.
THANH HUYỀN - TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()