Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình
LSO-Năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 682 vụ bạo lực gia đình; trong đó nam giới gây ra 649 vụ, chiếm 95%. Bạo lực gia đình làm tăng các loại tội phạm xã hội, gây tổn thất nặng nề về kinh tế, giảm sút sức khỏe, suy giảm khả năng và năng suất lao động, gia tăng chi phí y tế…
Phụ nữ xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc được phát tài liệu về phòng chống bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc |
Trước thực trạng đó, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, thành viên gia đình và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các địa phương tăng cường tuyên truyền vận động, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú như: tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị, diễu hành, các hoạt động giao lưu, hội thi, nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình; tổ chức các cuộc gặp mặt những gia đình tiêu biểu trong việc chăm sóc người cao tuổi, nuôi dạy con tốt, giữ gìn thuần phong mỹ tục của gia đình; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền lưu động, treo băng rôn, áp phích tại khu đông dân cư… Năm 2016, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã tuyên truyền 472 cuộc cho 16.520 cán bộ, hội viên phụ nữ; Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên truyền 1.828 cuộc cho 32.974 lượt nữ công nhân viên chức lao động. Ngoài ra, các đơn vị chức năng đã tổ chức được 185 buổi chiếu bóng lưu động, với 15.000 lượt người xem; phát 300 tin bài trên truyền hình; 48 lượt chuyên mục trả lời bạn nghe đài và bạn xem truyền hình; trả lời nhiều đơn thư liên quan đến lĩnh vực hôn nhân, gia đình và PCBLGĐ.
Cùng với tuyên truyền, việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ được quan tâm, tổ chức thường xuyên cho các cán bộ văn hóa xã; câu lạc bộ gia đình, nhóm PCBLGĐ. Các lớp tập huấn đã cung cấp những kiến thức cơ bản về gia đình, công tác gia đình; hướng dẫn kỹ năng tác nghiệp cho cán bộ, nhân dân trực tiếp tham gia mô hình trên địa bàn tỉnh. Mô hình PCBLGĐ được duy trì và nhân rộng tại 11 huyện, thành phố. Đến nay toàn tỉnh có 142 mô hình, 710 câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, thu hút trên 15.000 hộ gia đình tham gia, 710 nhóm PCBLGĐ với 15.500 thành viên. Ngoài ra tỉnh còn có 80 câu lạc bộ giới và PCBLGĐ với 1.743 thành viên. Thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân và giảm thiểu các vụ BLGĐ. Cùng với đó, toàn tỉnh tiếp tục duy trì 1.540 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư để người bị BLGĐ tìm đến khi có BLGĐ xảy ra, các địa chỉ tin cậy đa số là những cán bộ có uy tín ở địa phương, nắm vững luật pháp và sẵn sàng bảo vệ nạn nhân bị BLGĐ.
Khẩu hiệu “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn lựa là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 gắn với chủ đề về công tác gia đình năm 2017 là “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ” và Ngày Gia đình Việt Nam, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ; hưởng ứng bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương và chung tay vì thể lực, tầm vóc người Việt Nam vào ngày 20/6/2017.
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh khẳng định: Để tiếp tục giải quyết các vấn đề gây ra tình trạng BLGĐ, công tác PCBLGĐ phải được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân cùng quan tâm, chung tay thực hiện, từ việc chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, đến củng cố nền tảng văn hóa, tinh thần; tăng cường giáo dục đào tạo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân… Việc thực hiện từ trong mỗi gia đình, tại địa bàn dân cư, kết hợp nhiều lực lượng để tuyên truyền, tư vấn, vận động, thuyết phục và xử lý nghiêm minh. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, là phương châm chỉ đạo trong việc triển khai các hoạt động PCBLGĐ của UBND tỉnh trong giai đoạn vừa qua cũng như trong những thời gian tiếp theo.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()