Chung tay hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân da cam
61 năm đã trôi qua, kể từ ngày 10-8-1961, khi chiếc máy bay đầu tiên của không lực Hoa Kỳ bắt đầu phun rải chất độc, mở màn cho cuộc chiến tranh hóa học kéo dài suốt 10 năm ở miền Nam Việt Nam, cho đến nay, những mất mát, đau thương do thảm họa da cam/dioxin để lại trên đất nước ta vẫn vô cùng nặng nề, nghiêm trọng, đè nặng lên cuộc sống của rất nhiều gia đình nạn nhân.
Hàng trăm nghìn nạn nhân đã và đang sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn về kinh tế, quằn quại, đau đớn tột cùng về thể xác và tinh thần bởi di chứng da cam. Chưa hết, chất độc da cam/dioxin còn gieo hệ lụy buồn đau xuyên thế hệ, dai dẳng và nhức nhối trong các gia đình nạn nhân, không biết bao giờ mới chấm dứt…
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (đứng thứ năm, từ trái sang) trao xe lăn tặng các nạn nhân da cam. Ảnh: THÀNH MINH |
Thực hiện chức năng của một tổ chức xã hội nhân đạo được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin Việt Nam từ khi được thành lập (tháng 1-2004) đến nay luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị-xã hội, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương. Hội luôn tích cực, chủ động, sáng tạo, triển khai toàn diện các mặt công tác, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC.
Tinh thần “Đoàn kết-nghĩa tình-trách nhiệm-vì NNCĐDC” ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng; từ đó, rất nhiều hoạt động nghĩa tình, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, chăm sóc NNCĐDC được diễn ra. Tính đến nay, toàn hội đã vận động được gần 3.133 tỷ đồng (riêng năm 2021 vận động được hơn 400 tỷ đồng). Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hội đã chủ động, bằng nhiều hình thức vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC được hơn 200 tỷ đồng. Từ nguồn vận động trên, đã có hàng triệu lượt NNCĐDC được thụ hưởng thông qua các hình thức chăm sóc, giúp đỡ thiết thực và hiệu quả; nạn nhân và gia đình họ có thêm động lực, vượt qua khó khăn, bệnh tật. NNCĐDC không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong quá trình hoạt động, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam được các ban, bộ, ngành; tổ chức chính trị-xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện, đã thực hiện tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, tham gia hiệu quả vào công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NNCĐDC. Hội tích cực đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách đối với NNCĐDC; tham mưu, đề xuất và vận động nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
Với phương châm “Ở đâu có nạn nhân, ở đó có tổ chức hội”, các cấp hội đã tích cực phát triển mạng lưới vươn tới xã, phường, thôn, ấp, tổ dân phố. Đến nay, hội đã có tổ chức thành viên ở 63/63 tỉnh, thành phố, 613 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, khoảng 6.730 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội và hàng nghìn chi hội ở thôn bản, tổ dân phố với hơn 400.000 hội viên. Quỹ NNCĐDC/dioxin đã được thành lập ở Trung ương và 40/63 tỉnh, thành phố, 108 quận, huyện, 539 xã, phường.
Đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ cơ sở nhiệt huyết, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bằng lương tâm và trách nhiệm của mình. Bởi vậy, ngày càng nhiều nạn nhân được thụ hưởng chính sách và được giúp đỡ nhiều hơn về vật chất, tinh thần.
Khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tinh thần “tương thân tương ái”, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, trong thời gian tới, Hội NNCĐDC/dioxin các cấp cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể:
Một là, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 43, Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương và Quyết định 2215 của Thủ tướng Chính phủ. Đổi mới công tác tuyên truyền sao cho dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam, từ đó tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào “Hành động vì NNCĐDC” bằng nhiều việc làm cụ thể, với tinh thần “không để nạn nhân bị bỏ lại phía sau”.
Hai là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức nhiều hoạt động vận động nguồn lực cả trong nước và quốc tế để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp và mang tính bền vững. Quan tâm, giúp đỡ người dân vùng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thông qua các chương trình an sinh xã hội.
Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC, bảo đảm không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, trục lợi chính sách, thực hiện đúng đối tượng, đầy đủ chính sách theo quy định; đồng thời tiếp tục đề nghị các ngành chức năng xem xét, giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và thế hệ thứ ba là cháu của người hoạt động kháng chiến bị di nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân; kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC và ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga trong giai đoạn mới.
Năm là, các cấp hội NNCĐDC/dioxin tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết-nghĩa tình-trách nhiệm-vì NNCĐDC”, tích cực đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động; làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị Đảng, Nhà nước giao là chăm sóc, giúp đỡ và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam bằng những hình thức và bước đi phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò nòng cốt của hội, cùng với hệ thống chính trị, toàn xã hội và bạn bè quốc tế chung tay, góp sức, xoa dịu nỗi đau da cam và là chỗ dựa vững chắc của NNCĐDC.
Ý kiến ()