Chung tay hành động để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em
(LSO) – Đó chính là chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) năm 2020 (thực hiện từ ngày 15/11-15/12/2020). Tại Lạng Sơn, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tuyên truyền, truyền thông nhằm chung tay thực hiện hiệu quả công tác này, tiến tới chấm dứt bạo lực với phụ nữ (PN) và trẻ em (TE) trên địa bàn tỉnh.
Thực trạng bất bình đẳng giới
Nhiều năm nay, hàng xóm ai cũng ngán ngẩm cảnh cãi nhau như cơm bữa của gia đình chị Trần T.T (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn). “Phường chèo” nhà chị T cứ khoảng 1 tuần diễn ra đôi ba lần theo “tần suất” ăn nhậu, say xỉn của người chồng. Không chỉ chửi mắng, nhiều khi không làm chủ được hành vi, chồng chị T còn đập đồ, đánh con, đánh vợ. Rất nhiều lần mẹ con chị T phải chạy sang nhà người thân lánh nạn. Chị T chia sẻ: Bác trưởng khối, rồi các đoàn thể nhiều lần vào nhà can ngăn, phân tích, những lúc tỉnh táo thì chồng tôi im lặng nghe, hứa sửa đổi, đến lúc say xỉn thì chứng nào tật ấy, cũng may mẹ con tôi chưa bị thương tích gì nặng, nhưng tinh thần thì ảnh hưởng nhiều, các cháu sợ bố, thậm chí còn bị trẻ trong xóm trêu ghẹo.
Hội viên phụ nữ và Nhân dân huyện Chi Lăng đọc áp phích tuyên truyền về BĐG trong chương trình truyền thông BĐG, PCBLGĐ năm 2020. Ảnh: DƯƠNG DUYÊN
Trường hợp như gia đình chị T hiện không phải là cá biệt, nhưng rất ít chị em dám nói ra, bởi chẳng ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Chính vì vậy, tình trạng bất BĐG, đặc biệt là vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ), phân biệt đối xử với PN và TE gái vẫn diễn ra dưới hình thức và mức độ khác nhau.
Theo thống kê của ngành chức năng, năm 2019, toàn tỉnh phát hiện 115 vụ BLGĐ, nạn nhân bị BLGĐ là nữ giới chiếm 87 người. Trong đó, bạo lực thân thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 60,86%; bạo lực về tinh thần chiếm 33,04%; bạo lực kinh tế chiếm 6,08%. Ngoài ra, tình trạng xâm hại đối với TE vẫn còn xảy ra, từ năm 2019 đến quý III/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 30 vụ TE bị bạo lực, xâm hại với 37 TE (20 nữ, 17 nam).
Tình trạng BLTCSG đã và đang có những tác động tiêu cực không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới nạn nhân như: bị thương tích, có thể bị khuyết tật suốt đời, thậm chí tử vong hoặc bị rối loạn sức khỏe tâm thần gây ra sang chấn tâm lý, trầm cảm… mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Tích cực truyền thông, tuyên truyền
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác BĐG, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng BLTCSG, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức phát động “Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống BLTCSG” năm 2020 với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với PN và TE”. Theo đó, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục về BĐG và phòng, chống BLTCSG dưới nhiều hình thức. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình, câu lạc bộ (CLB) gia đình, nhóm phòng chống BLGĐ tại 11 huyện, thành phố thông qua hoạt động của 142 mô hình, 710 CLB gia đình phát triển bền vững và 710 nhóm phòng chống BLGĐ.
Tỉnh đoàn Lạng Sơn ra mắt CLB tư vấn, hỗ trợ trẻ em tỉnh (tháng 11/2020)
Bà Nông Bích Diệp, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban VSTBCPN thành phố Lạng Sơn khẳng định: Hưởng ứng lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng chống BLTCSG của tỉnh năm 2020, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền; tăng cường giáo dục, vận động người dân thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi hành vi về BĐG, chấm dứt BLGĐ đối với PN và TE. Trong Tháng hành động, Ban VSTBCPN thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng lắp đặt 24 pano; in ấn cấp phát gần 20.000 tờ rơi cho các các mô hình của xã Mai Pha và các phường, xã; tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền về BĐG, phòng, chống BLGĐ với gần 500 đại biểu tham dự.
Cùng với sự vào cuộc của các huyện, thành phố, các đoàn thể cũng tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền. Bà Lưu Thị Tình, Trưởng Ban Thanh thiếu nhi – Trường học, Tỉnh đoàn Lạng Sơn cho biết: Nhằm tăng cường vai trò và trách nhiệm của Đoàn, Đội trong công tác bảo vệ TE, đầu tháng 7/2020, Tỉnh đoàn, Sở LĐTB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tổ chức Diễn đàn TE tỉnh Lạng Sơn năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ TE, phòng, chống bạo lực, xâm hại TE”. Cùng với đó, chúng tôi duy trì hoạt động hiệu quả của mô hình hội đồng TE cấp huyện. Cuối tháng 11/2020, Tỉnh đoàn Lạng Sơn đã tổ chức Lễ ra mắt CLB tư vấn, hỗ trợ TE tỉnh với 14 thành viên là đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội… tâm huyết với công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của TE.
Có thể thấy rằng, việc chung tay của cộng đồng sẽ góp phần nâng nhận thức cho người dân, từng bước tiến tới xóa bỏ bất BĐG và bạo lực đối với PN và TE gái. Qua đó, thúc đẩy thực hiện luật pháp, chính sách và vận động xã hội về BĐG và phòng, chống BLTCSG, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc và phát triển bền vững.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()